Chờ đợi biểu tượng mới của du lịch Việt Nam

Việc tổ chức cuộc thi “Logo - Slogan” (Tiêu đề - Biểu tượng) mới của du lịch Việt Nam rầm rộ trong những tháng cuối năm 2010 cho thấy quyết tâm của ngành du lịch trong việc có một biểu tượng mới phù hợp với chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo.


Tuy nhiên, tiêu đề - biểu tượng mới đã đáp ứng được sự mong đợi hay chưa là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

Logo - Slogan mới đã thật sự ấn tượng?

Kết quả cuộc thi tìm kiếm logo - slogan mới của ngành du lịch trong những năm tới đã được công bố vào cuối tháng 1/2011, với giải nhất thuộc về Công ty Cowan với slogan “Việt Nam - Sự khác biệt Á Đông” và logo là hình ảnh ngôi sao nhiều màu sắc. Tuy từ kết quả của cuộc thi này đến việc chọn được một mẫu logo - slogan mới cho ngành du lịch là một quá trình dài, nhưng theo ngầm hiểu của nhiều người trong cuộc, đương nhiên mẫu đoạt giải nhất của cuộc thi sẽ được chọn là logo và slogan mới của ngành du lịch Việt Nam.


“Hiện Tổng cục Du lịch muốn lắng nghe ý kiến phản hồi của các bộ, ngành, doanh nghiệp... để tổng hợp lại, sau đó mới có quyết định cuối cùng. Dự kiến quý I/2011, logo và slogan sẽ được sử dụng cho chiến dịch quảng bá và xúc tiến du lịch giai đoạn mới”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Sau khi được báo chí đăng tải các logo và slogan đoạt giải trong cuộc thi, đặc biệt là giải nhất, đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch. Nhưng theo nhận xét của nhiều người trong giới làm du lịch, giải nhất logo - slogan mới vẫn chưa đạt đến tầm mong đợi của biểu tượng du lịch quốc gia.

“Câu slogan: “Sự khác biệt Á Đông” (A Different Orient), hơn hẳn câu “Vẻ đẹp tiềm ẩn”. Mặc dù có nhiều ý kiến trên các diễn đàn về ngữ nghĩa tiếng Anh nhưng tiếng Việt khá ổn”, bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc chi nhánh Công ty lữ hành Phượng Hoàng nhận xét.

Tuy nhiên nhiều ý kiến lại cho rằng, slogan mới của du lịch dù khá ấn tượng nhưng có vẻ đã lạc “đề thi”. Câu slogan “Sự khác biệt Á Đông” sẽ đem lại cho người tiếp nhận sự mới lạ, khám phá văn hóa. Ngay trong bản thuyết trình của Công ty Cowan gửi đến BTC cũng nhấn mạnh yếu tố khám phá nét mới, bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, “đề thi” mà BTC đưa ra trong chiến lược phát triển du lịch 5 năm, thậm chí 10 năm tới là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo. Đây mới là yếu tố để du lịch phát triển theo chiều sâu với việc thu hút nhiều ngoại tệ hơn cho đất nước.

Về logo (biểu tượng), bà Thọ cho rằng, nếu dưới góc nhìn của du khách quốc tế, họ biết đến Việt Nam với áo dài và chiếc nón. Trong khi đó, việc sử dụng ngôi sao với nhiều màu sắc của giải nhất là không dễ hiểu.

Cùng chung quan điểm với bà Thọ, đại diện các doanh nghiệp du lịch đều cho rằng việc sử dụng hình ảnh ngôi sao với nhiều màu sắc nếu nhìn thoáng qua sẽ khó nhận biết đó là bản sắc của Việt Nam. Những màu sắc đó nếu không được giải thích sẽ khó hiểu hết được ý nghĩa. Nếu xét theo tiêu chí nhận diện thương hiệu để chỉ qua hình ảnh đó là biết đến Việt Nam thì xem chừng việc sử dụng ngôi sao với nhiều màu sắc chưa hợp lý.

Tuy chưa có kết luận cuối cùng, nhưng ai cũng thấy hành trình tìm kiếm logo - slogan mới của du lịch Việt Nam vì vậy sẽ vẫn phải tiếp tục.

Cần có kế hoạch quảng bá xúc tiến dài hạn

Theo nhiều chuyên gia du lịch, Việt Nam đang đi ngược quy trình về quảng bá xúc tiến du lịch. Đó là logo - slogan du lịch cấp quốc gia thì yếu nhưng cấp địa phương lại khá mạnh.


Ông Kai, chuyên gia du lịch người Đức, người có thời gian sống hơn 10 năm tại 3 nước Đông Dương cho biết: Trong khi logo - slogan cũng như hoạt động xúc tiến du lịch cấp quốc gia làm rất yếu thì các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Quảng Nam, Phú Quốc..., công tác xúc tiến được làm rất tốt. Kiểu làm ngược này khiến nhiều khách quốc tế có thể nhận biết Phú Quốc là một điểm đến hấp dẫn nhưng họ không biết là của quốc gia nào? Với nhiều “điểm đến” khác, tình trạng này cũng đang diễn ra.

Bên cạnh đó, chiến dịch xúc tiến du lịch thiếu sự thống nhất từ trên xuống, đồng thời thiếu một quy hoạch chung, nên mỗi địa phương làm một kiểu. Các chuyên gia cho rằng, logo và slogan là yếu tố ban đầu, vấn đề là ngành du lịch Việt Nam phải có kế hoạch xúc tiến du lịch Việt Nam dài hạn vào những thị trường trọng tâm.


“Để sử dụng logo - slogan mới hiệu quả, vấn đề chính của ngành du lịch Việt Nam hiện nay là phải có kế hoạch xúc tiến dài hạn và chi tiết, trong đó có kế hoạch xúc tiến từng thời điểm. Để làm được điều này, phải có ngân quỹ cho quảng bá xúc tiến chứ không thể co kéo theo kế hoạch mang tính hành chính như hiện nay. Làm như vậy sẽ không hiệu quả mà chỉ mất tiền vô ích”, ông Kai nhấn mạnh.

Ngành du lịch cũng cần sử dụng logo - slogan một cách lâu dài. Tùy theo mục tiêu, chủ đề của từng năm mà chỉ thêm phụ đề sau những logo - slogan chính, chứ không nên thay đổi liên tục như thời gian qua.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN