Chấn chỉnh việc tổ chức du lịch mạo hiểm, quản lý điểm đến

Du lịch mạo hiểm đã phát triển tại Việt Nam từ trước dịch COVID-19 và thu hút du khách tham gia, nhất là với lớp trẻ và người nước ngoài. Hiện loại hình du lịch này cũng đang dần phục hồi nhưng cũng có nhiều bất cập trong khâu tổ chức cần sớm chấn chỉnh.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 24/10, tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, khiến 4 du khách thiệt mạng, sau đó ngày 26/10, một nữ du khách người Hàn Quốc (hơn 60 tuổi) trong khi chụp ảnh tại khu du lịch Langbiang (tỉnh Lâm Đồng) đã không may trượt chân, ngã từ độ cao 4m xuống bên dưới, tử vong; đã khiến việc cần chấn chỉnh du lịch mạo hiểm càng cấp thiết hơn.

Theo công bố của cơ quan chức năng, thời điểm xảy ra tai nạn, nhân viên lái xe Khu du lịch Làng Cù Lần đang chở khách tham quan trải nghiệm dọc khu vực suối cạn, theo tuyến du lịch tại Khu du lịch Làng Cù Lần, thì bất ngờ lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi chiếc xe. Trên xe có 5 người, gồm 4 du khách Hàn Quốc (2 nam, 2 nữ) và 1 lái xe người Việt Nam. Khi xảy ra tai nạn, có 2 người thoát ra ngoài bị thương là 1 lái xe và 1 nam du khách, 3 hành khách còn lại bị lũ cuốn trôi. Du khách thoát ra ngoài xe sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng đã tử vong.

Chú thích ảnh
Du khách tham gia tour tại làng Cù Lần. Ảnh của khu du lịch.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lê Công Năng, CEO Wondertour, đơn vị thường tổ chức các chương trình du lịch trải nghiệm kỹ năng sinh tồn, kỹ năng an toàn cho biết: "Với dòng tour mạo hiểm, về mặt pháp lý, đơn vị tổ chức đòi hỏi yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn với tour thông thường, trong đó, nhân sự tham gia phải có chứng chỉ kỹ năng an toàn. Về khâu tổ chức, cũng yêu cầu có kỹ năng về thiết bị, đồ bảo hộ và người đi cùng có kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản. Khi tổ chức tại một địa điểm nào đó, đơn vị phải cập nhật thời tiết để dự phòng tình huống phát sinh".

“Với tour mạo hiểm, thường khách hàng đều mua bảo hiểm và trong hợp đồng sẽ có những điều khoản chi tiết về trách nhiệm giữa khách và đơn vị tổ chức. Thậm chí, những chương trình siêu mạo hiểm có giấy miễn trừ trách nhiệm với đơn vị tổ chức. Việc chấp nhận mạo hiểm là do khách lựa chọn”, ông Lê Công Năng chia sẻ thêm.

Tại Việt Nam, tour du lịch mạo hiểm có 2 cấp độ. “Ở mức độ thông thường mang tính trải nghiệm như đi trekking, leo núi, chèo thuyền kayak và nhất là lặn biển,  yêu cầu bắt buộc là người hướng dẫn là huấn luyện viên, có chuyên môn, để hướng dẫn và xử lý những vấn đề phát sinh. Còn ở cấp độ cao về mạo hiểm, bắt buộc đơn vị tổ chức phải rất chuyên nghiệp. Loại hình này ở Việt Nam rất ít”, ông Lê Công Năng chia sẻ.

Còn ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Liên chi hội du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Vụ tai nạn khiến 4 du khách tử vong đã bộc lộ tình trạng tổ chức du lịch mạo hiểm làm tắt, việc đào tạo kỹ năng đảm bảo an toàn cho du khách còn rất yếu. Không chỉ trong du lịch mạo hiểm, mà cả những chuyến du lịch thông thường, việc đảm bảo an toàn trong lộ trình, dịch vụ, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh là rất quan trọng. Điều này cần được doanh nghiệp làm du lịch quản lý kỹ và tập huấn cho nhân sự. Tuy nhiên, có một thực tế là sau dịch COVID-19, nhân sự ngành du lịch đang thiếu trầm trọng, lực lượng lao động tuyển mới không chuyên và kinh nghiệm “non”. Do đó, về phía địa phương và doanh nghiệp, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng. Với loại hình du lịch đặc thù như du lịch thể thao, mạo hiểm phải kiểm tra, giám sát thường xuyên tiêu chuẩn về an toàn”.

Theo các chuyên gia du lịch, đối với loại hình du lịch mạo hiểm đòi hỏi những tiêu chuẩn riêng khi tham gia. Do đó, bên cạnh việc tự cập nhật, đào tạo và trang bị của doanh nghiệp, khi lượng khách gia tăng, bản thân các cấp quản lý, nhất là địa phương có điểm du lịch mạo hiểm, cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

Sau vụ việc trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về du lịch trên địa bàn tỉnh đối với việc tổ chức tour du lịch mạo hiểm, dã ngoại. Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức các hoạt động du lịch, thể thao, vui chơi, giải trí mang tính chất mạo hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Nếu phát hiện sai phạm thì phải đình chỉ hoạt động.

Đồng thời, yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các địa điểm du lịch trên địa bàn, nhất là các hoạt động du lịch dưới nước, du lịch mạo hiểm, để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo an toàn cho du khách. Trường hợp sai phạm phải dừng hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đoàn Văn Việt cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị giải quyết vụ việc liên quan đến khách du lịch Hàn Quốc bị tai nạn, tử vong tại tỉnh Lâm Đồng, đồng thời chấn chỉnh dịch vụ du lịch mạo hiểm.

UBND tỉnh Lâm Đồng cần rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bản đặc biệt với sản phẩm du lịch mạo hiểm. Lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị địa phương chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn cho khách du lịch để tránh các vụ việc tương tự.

Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng đã có công văn đề nghị gửi UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý điểm đến. Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng tập trung thực hiện hiệu quả một số nội dung nhằm tích cực triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Bộ VHTTDL cũng chỉ đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với một số địa phương kiểm tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh du lịch. Qua kiểm tra cho thấy ở một số địa phương còn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục tăng cường giám sát, chấn chỉnh. Đó là việc tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch theo hạng sao đã được công nhận; việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch…

Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương yêu cầu doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan. Các bên liên quan chủ động kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở kinh doanh du lịch. Đồng thời ,các đơn vị có biện pháp bảo vệ môi trường du lịch, thu gom, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định; thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết.

Các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan. Đồng thời, các bên liên quan cần kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, đặc biệt là dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, hướng dẫn du lịch, ăn uống và dịch vụ khác tại các khu, điểm du lịch và cơ sở vui chơi giải trí.

Ở mỗi điểm đến cần triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch. Lực lượng chức năng rà soát, chỉ dẫn, phân luồng giao thông, phòng chống tai nạn, ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các khu, điểm du lịch. Đồng thời, các bên liên quan kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch nhất là vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, phương tiện thủy nội địa...

Tây Nguyên là một trong những địa phương có nhiều điểm và khu du lịch mạo hiểm. Ngay sau vụ bốn du khách Hàn Quốc bị tai nạn ở làng Cù Lần, vào ngày 26/10, một nữ du khách người Hàn Quốc (hơn 60 tuổi) trong khi chụp ảnh tại khu du lịch Langbiang (tỉnh Lâm Đồng) đã không may trượt chân, ngã từ độ cao 4m xuống bên dưới, bất tỉnh. Dù được đưa đi cấp cứu sau đó nhưng người bị nạn đã không qua khỏi.

Trước đó năm 2016, ba du khách người Anh đã tử nạn khi đang tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác tại khu vực thác Datanla ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Một du khách Belarus sau đó tử vong tại thác Pongour, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
XC/Báo Tin tức
Đội Galacticos-4869 đạt giải Nhất cuộc thi 'Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2023'
Đội Galacticos-4869 đạt giải Nhất cuộc thi 'Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2023'

Đội Galacticos-4869 của Học viện Kỹ thuật mật mã Hà Nội đạt giải Nhất bài thi Jeopardy của cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN