Khu vực du lịch sinh thái cầu kính Rồng Mây thuộc có nhiều phong cảnh đẹp, thơ mộng; núi non hùng vỹ, trùng điệp; khí hậu quanh năm mát mẻ… Đây là điểm kết nối giữa trung tâm du lịch Sa Pa với các điểm du lịch của tỉnh Lai Châu như: thác Tác Tình, đỉnh Putaleng, động Tiên Sơn, động Pu Sam Cáp và các điểm du lịch cộng đồng giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Lào, Lự…
Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) Từ Hữu Hà cho biết, Khu du lịch sinh thái cầu kính Rồng Mây thuộc Dự án đầu tư khu du lịch Thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã quản lý khai thác hiệu quả đúng quy định, nhất là bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, phòng cháy chữa cháy rừng…
Dự án đầu tư khu du lịch Thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường có tổng số vốn 1.000 tỷ đồng với thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án khởi công tháng 1/2018 gồm các hạng mục như: Khách sạn, hệ thống thang máy và cầu kính, bugallow nghỉ dưỡng, bể bơi điều hòa, khu vui chơi cảm giác mạnh…
Trong đó, hệ thống thang máy ngoài trời và cầu kính là hai sản phẩm du lịch đặc biệt, đóng vai trò quan trọng nhất trong tổng thể khu du lịch Rồng Mây. Đây là hai sản phẩm du lịch rất độc đáo, mới lạ đạt tiêu chuẩn Châu Âu và chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.
Giai đoạn 1 của Khu du lịch sinh thái cầu Rồng Mây mây có tổng số vốn thi công 300 tỷ đồng, được thực hiện trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt; chủ yếu dựa vào sức người vận chuyển, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, đồ sộ, rất nặng và cồng kềnh lên độ cao hơn 2.800m so với mực nước biển.
Lối đi vào lòng núi lên hệ thống thang máy dài 70m, độ cao thang máy tính đến cầu kính 300m và cầu kính vươn xa từ vách núi là 60m; kính chịu lực trên cầu có độ dày 3 cm. Dự án hoàn thành sẽ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho 5.000 - 50.000 lượt khách du lịch/năm với các dịch vụ như: Du lịch ngắm cảnh, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…