Bức xúc kinh doanh du lịch “chộp giật”: Bài 1: Dịch vụ “chặt chém”

Vấn nạn kinh doanh chộp giật, tăng giá dịch vụ vào mùa cao điểm đang tác động tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

 

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong ba năm trở lại đây tuy có tăng trưởng, nhưng số ngày lưu trú, khả năng chi trả và quay trở lại Việt Nam gần như không tăng. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với một số nước trong khu vực thấp, do giá tour ở Việt Nam khá cao, trong khi dịch vụ cung cấp còn nghèo nàn.

 

Từ góc nhìn của người nước ngoài


Mới đây, hai du khách Jose Angel Matas và Raquel Ruiz (quốc tịch Tây Ban Nha) đón xe taxi mạo danh hãng xe Mai Linh đi từ chợ Bến Thành (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) đến chợ Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) với chiều dài hơn 1 km, với mức giá cước thông thường chưa đến 20.000 đồng, nhưng bị yêu cầu trả gần 400.000 đồng. Quá bức xúc, họ đã khiếu nại đến cơ quan chức năng và đã bắt giữ lái xe làm ăn bất chính trên. Đây là vụ việc được chính du khách quốc tế tố cáo và đưa ra trước công luận làm xôn xao trên các diễn đàn du lịch thời gian gần đây. Trong khi rất nhiều du khách do bất đồng ngôn ngữ và ngại va chạm với luật pháp nên “ngậm bồ hòn” và sau này về nước, những ấm ức này được kể với bạn bè và chia sẻ trên các trang mạng cá nhân về tình trạng chặt chém khá phổ biến khi du lịch Việt Nam.


 

Du khách đang tìm hiểu quy trình nuôi trai lấy ngọc tại Phú Quốc.

 

Kế tiếp những “tiểu xảo” của tài xế taxi là các chủ quán kinh doanh ăn uống, dịch vụ tại những tuyến phố có nhiều du khách, nhất là khu phố cổ, phố cũ ở Hà Nội. Tại các cửa hàng nhỏ lẻ này, cùng một mặt hàng nhưng các chủ cửa hàng đều bán cho du khách nước ngoài giá khá cao. Một chủ cửa hàng tạp hóa phố cổ cho biết: “Họ là Tây chắc nhiều tiền, hơn nữa chỉ đến có một lần”. Chính vì cách nghĩ tiểu nông như trên nên du khách nước ngoài dần cũng nhận ra và cùng cảnh giác khi đến Việt Nam.


Chị Amy Wee, người Xinhgapo sống 4 năm tại Việt Nam kể: “Hồi đầu đến Việt Nam du lịch, đi taxi khoảng 3 km họ hét giá 300.000 đồng, do bất đồng ngôn ngữ nên đành phải trả. Sau này, khi đã ở Việt Nam làm việc, tôi chỉ chọn một số hãng taxi có tên tuổi và ghi lại hóa đơn cẩn thận. Hoặc sử dụng bất cứ dịch vụ mang tính “vỉa hè” của Việt Nam thì tốt nhất nên mặc cả và hỏi trước bạn bè người Việt Nam”.

 

Khách Việt cũng chịu chung số phận


Không chỉ du khách nước ngoài mà du khách trong nước cũng chịu chung “số phận”, nhất là dịp cao điểm du lịch. Điển hình vào các dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, dịp 2/9, dịp Tết... Những thời điểm đó, tình trạng các chủ khách sạn, các loại hình dịch vụ thi nhau tăng giá và kinh doanh theo kiểu “chộp giật”. Nhiều khách đi du lịch về phàn nàn phải trả từ 1 - 1,5 triệu đồng/phòng khách sạn 1 - 2 sao tại khu nghỉ mát biển, ăn con ghẹ phải mất từ 200.000 - 300.000 đồng, một kg tôm sú phải tới 600.000 đồng… Các điểm du lịch đều coi khách đi du lịch là những người nhiều tiền và tha hồ nói thách, đòi giá cao trong khi dịch vụ nghèo nàn. Đó là chưa kể tình trạng cân thiếu, hàng giả hàng nhái khiến du khách mua rồi cũng đành khóc dở mếu dở.


Ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Công ty Hanoi Redtour cũng thừa nhận: “Nếu dịch vụ du lịch tại nước ngoài thường xuyên ổn định thì dịch vụ tại Việt Nam thường theo kiểu “chặt chém”, mùa vụ. Vì vậy, nhiều khách du lịch thích đi du lịch nước ngoài hơn đi du lịch trong nước”.


“Có một điều dễ nhận thấy, đó là kỹ năng dịch vụ tại các điểm du lịch rất kém, họ tranh thủ làm mùa vụ nên cứ tha hồ ‘chặt chém’ theo kiểu kiếm được tiền trước mắt. Hậu quả thì không cần biết vì chưa chắc năm sau họ đã làm tiếp. Trong khi, ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế thì lối suy nghĩ tiêu cực trên đang dần ăn sâu vào những người tranh thủ ‘chặt chém’ du khách để kiếm sống”, ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn Việt, cho biết.

 

Bỏ ngỏ việc kiểm tra, giám sát


Những cảnh báo về dịch vụ chặt chém khá phổ biến trên các trang mạng phổ biến kinh nghiệm đi du lịch tại Việt Nam. Việc này đang ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam, nhất là trong thời đại thông tin bùng nổ. Đứng trước vấn nạn này, Tổng cục Du lịch vẫn chỉ kêu gọi việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và những người tham gia vào hoạt động du lịch cùng với các cơ quan liên quan. Kể từ hồi sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chức năng thanh tra chuyển về bộ nên muốn thực hiện công tác quản lý với những việc cụ thể đều chỉ đạo qua các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong khi đó, lực lượng chuyên ngành về du lịch tại địa phương vốn đã yếu nay lại càng yếu nên tình trạng kiểm tra kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch hiện nay gần như bỏ ngỏ. “Trên thực tế, địa phương nào làm tốt việc quản lý điểm đến cũng như chất lượng dịch vụ thì tệ nạn chặt chém, ăn xin diễn ra rất ít. Điển hình như Đà Năng, khi lãnh đạo tỉnh quyết tâm dẹp tệ nạn ăn xin, chấn chỉnh tăng giá dịch vụ thì hoạt động du lịch tại Đà Nẵng khá suôn sẻ”, ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho biết.


Còn tại hội nghị đánh giá tình trạng phát triển du lịch phố cổ Hà Nội mới đây, đại diện lực lượng công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Một trong những nguyên nhân diễn ra tình trạng kinh doanh chộp giật là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không quan tâm đến phát triển thương hiệu, chỉ cần bán được hàng và thu tiền nên chất lượng dịch vụ không được coi trọng. Chính vì vậy, cần phải có chế tài xử phạt mạnh mới mong dẹp được tình trạng này.


Đi thực tế các nước xung quanh có thể nhận thấy do cách làm du lịch theo kiểu chộp giật, ít đầu tư và tự hài lòng với chính mình, với trước mắt nên du lịch Việt Nam luôn tụt hậu dù cảnh quan chẳng kém nước nào. Vấn nạn chặt chém, kinh doanh chộp giật ở các điểm du lịch đang ở mức báo động, cần khẩn thiết được ngành du lịch và địa phương giải quyết để câu chuyện “khách một đi không trở lại” sẽ có hồi kết.

 

Bài và ảnh: Xuân Cường
Bài cuối: Bảo vệ du khách và xiết chặt quản lý kinh doanh

Đưa hoạt động kinh doanh du lịch về vùng quê nghèo: Giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế
Đưa hoạt động kinh doanh du lịch về vùng quê nghèo: Giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế

Đối với những vùng quê nghèo như hai xã Tà Lài, Đăk Lua (thuộc huyện Tân Phú, Đồng Nai), việc người dân được tham gia kinh doanh du lịch thật sự rất có ý nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN