05:10 21/05/2012

Du lịch Việt Nam: Cần một “nhạc trưởng”-Bài cuối: Cần có “nhạc trưởng”

Là một ngành kinh tế tổng hợp nên du lịch rất cần có đơn vị chỉ đạo cấp quốc gia. Tuy nhiên sau khi sáp nhập, công tác quản lý của Tổng cục Du lịch trong lĩnh vực bị san sẻ, dừng ở cấp tham mưu.

Là một ngành kinh tế tổng hợp nên du lịch rất cần có đơn vị chỉ đạo cấp quốc gia. Tuy nhiên sau khi sáp nhập, công tác quản lý của Tổng cục Du lịch trong lĩnh vực bị san sẻ, dừng ở cấp tham mưu.

 

Khách nước ngoài thăm Di sản Mỹ Sơn.

Trong khi đó Ban chỉ đạo Nhà nước về phát triển du lịch với vai trò gắn kết các lĩnh vực lại có vai trò khá mờ nhạt. Các chuyên gia cho rằng, Tổng cục Du lịch cần đóng vai trò “nhạc trưởng” trong vấn đề xúc tiến và liên kết tạo sản phẩm cấp vùng. Điều này không một doanh nghiệp hoặc địa phương nào có đủ lực để làm được.

 

Xúc tiến du lịch từ thị trường Nhật


Bức xúc nhất và cần kíp nhất hiện nay với ngành du lịch là hoạt động xúc tiến bởi muốn mọi người biết đến Việt Nam thì chính chúng ta phải giới thiệu hình ảnh và sản phẩm du lịch của Việt Nam đến với khách hàng. “Chưa kể du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu. Ví dụ như từng thị trường có bộ phận nghiên cứu đặc tính thị trường đó từ thói quen, xu hướng tiêu dùng, thời gian nghỉ và từ đó có những chính sách cụ thể”, bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc chi nhánh Công ty Phượng Hoàng cho biết.


Chính vì vậy, định hướng hoạt động xúc tiến thời gian tới hướng vào thị trường gần và truyền thống là các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu, Mỹ... Tổng cục Du lịch thay đổi cách làm bằng việc tổ chức lấy ý kiến nghiên cứu từng thị trường. Mới đây nhất, Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị lấy ý kiến các doanh nghiệp và địa phương về thị trường Nhật. Đây là thị trường có thể đưa 1 triệu khách tới Việt Nam vào năm 2015. Các doanh nghiệp đều kêu là khách du lịch Nhật rất thiếu thông tin về Việt Nam nên cấp thiết phải lập một văn phòng xúc tiến tại đây. Bà Hoàng Thị Điệp cho biết, để duy trì một văn phòng tại Nhật cần khoảng 4 tỷ đồng/năm, trong khi khả năng ngân sách chỉ đáp ứng 1 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp du lịch Nhật cho biết sẵn sàng hợp tác để đóng góp cho hoạt động vì nguồn thông tin từ văn phòng du lịch của Việt Nam đặt tại Nhật sẽ “nâng cao” lòng tin của du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cần có một số giải pháp về xây dựng website quảng bá du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật trên cơ sở nghiên cứu các đặc điểm thị hiếu thị trường Nhật Bản; thành lập nhóm công tác phát triển du lịch Việt Nam - Nhật Bản; duy trì và mở rộng các đường bay thẳng giữa hai quốc gia; đẩy mạnh đào tạo hướng dẫn viên tiếng Nhật cũng như đội ngũ nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ khách…


Nhìn từ cách xúc tiến thị trường Nhật cho thấy, công tác xúc tiến du lịch tầm quốc gia đang thiếu “nhạc trưởng”. Trước đây, Tổng cục Du lịch đã thành lập Cục Xúc tiến được ví như “linh hồn” của hoạt động quảng bá du lịch. Thế nhưng, đơn vị này đã bị đổi thành Vụ Thị trường khi Tổng cục Du lịch nhập vào Bộ VH, TT& DL. Về mặt chính sách, cấp vụ chỉ có chức năng tham mưu. Còn muốn huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa và đưa ra những chính sách hợp lý trong hoạt động xúc tiến thì chỉ có cấp cục mới đủ thẩm quyền. Việc thiếu “nhạc trưởng” làm cho công tác xúc tiến thời gian qua càng thêm yếu kém.


Tổng cục Du lịch cũng đã nhiều lần đề nghị thành lập lại Cục Xúc tiến du lịch để tập trung nguồn lực và huy động xã hội hóa hướng tới sự chuyên nghiệp. Vì thực tế mỗi thị trường có đặc điểm khác nhau và cần sự nghiên cứu chuyên sâu và có từng chiến dịch xúc tiến, quảng bá cụ thể. “Là lĩnh vực đa ngành nên Bộ VH,TT&DL cần trao quyền cho cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia đủ mạnh để thực hiện công việc này”, ông Hà Văn Siêu đề nghị.

 

Tạo sản phẩm cấp vùng


Vai trò tạo dựng sản phẩm cấp vùng của Tổng cục Du lịch hiện khá mờ nhạt. Trong thực tế, cách đây khoảng 10 năm, các tỉnh phát triển theo kiểu mạnh ai người đó làm và chủ yếu dựa trên khai thác tiềm năng. Tuy nhiên, các tỉnh cũng nhận ra sự chồng chéo về sản phẩm do đặc trưng của từng vùng. Chính vì vậy, trong khoảng 3 năm trở lại đây, các tỉnh trong từng vùng đã hình thành nhóm liên kết như liên kết vùng Tây Bắc mở rộng, liên kết Nam Trung bộ, liên kết đồng bằng sông Cửu Long... Tuy nhiên, dễ nhận thấy còn thiếu vai trò “nhạc trưởng” trong việc hình thành sản phẩm du lịch cấp vùng.


Ông Đoàn Văn Trì, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Điện Biên thẳng thắn: Trong vùng Tây Bắc dễ nhận thấy là có chung sản phẩm du lịch cộng đồng với mục đích khai thác sắc màu văn hóa bản địa. Tuy nhiên, cách này đang làm giống nhau. Chính vì vậy, khi đã vào liên kết của cả nhóm thì nên ngồi hoạch định lại là tỉnh này phát triển cộng đồng dân tộc này thì tỉnh khác phát triển cộng đồng dân tộc khác để tránh trùng lặp. Muốn vậy, vai trò của một “nhạc trưởng” rất quan trọng. Ở cấp chuyên môn thì đứng đầu phải là Tổng cục Du lịch.


“Với việc phân cấp như hiện nay, vai trò nhạc trưởng của Tổng cục Du lịch khá mờ nhạt. Nếu không có phân cấp làm từng sản phẩm mà cứ để trùng lặp sản phẩm sẽ dẫn đến việc cạnh trạnh giảm giá và sẽ rơi vào cảnh tỉnh nọ dìm tỉnh kia”, ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết. Chính vì vậy, vai trò của Hiệp hội Du lịch hoặc các ban chỉ đạo cấp vùng phải có tiếng nói mạnh mẽ để tạo dựng sản phẩm riêng trong cái chung này”.


Bài và ảnh: Xuân Minh