08:07 18/08/2014

Du lịch tìm hướng vượt khó

Đa dạng hóa điểm đến, tháo gỡ khó khăn trước mắt và nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, giúp du lịch Việt Nam phát triển thực chất và bền vững, là nội dung được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời...

Đa dạng hóa điểm đến, tháo gỡ khó khăn trước mắt và nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, giúp du lịch Việt Nam phát triển thực chất và bền vững, là nội dung được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

 

Triển khai đồng bộ nhóm giải pháp

 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, 7 tháng vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 5 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, khách nội địa đạt 17 triệu lượt, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 142.000 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ.


Trong tháng 5 và 6, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều giảm, tuy nhiên, tháng 7 đã tăng nhẹ trở lại. Để ứng phó với những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay và những năm tiếp theo, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã chủ động triển khai đồng bộ nhóm các giải pháp. Đầu tiên là tăng cường công tác truyền thông, quảng bá ở trong nước, quốc tế để quảng bá môi trường kinh doanh, hình ảnh điểm đến Việt Nam "an toàn, thân thiện, chất lượng".

Tiếp đó, triển khai công tác xúc tiến, quảng bá, mở rộng sang các thị trường quốc tế mới, tránh phụ thuộc vào các thị trường đã có; đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm khích lệ nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân. Các địa phương cũng cần quan tâm, tăng cường tháo gỡ khó khăn, rào cản cho các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn và đặc biệt chú ý đến việc bảo đảm an toàn cho du khách. Cuối cùng là cần có cơ chế chính sách, biện pháp tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế vào Việt Nam.


“Bộ sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép hạ tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế quy định linh hoạt hơn để khuyến khích những người yêu nghề, có kinh nghiệm, giỏi nghiệp vụ, tham gia lực lượng hướng dẫn viên du lịch”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Các doanh nghiệp chưa quen du lịch cần phải đổi mới tư duy, đa dạng hóa sản phẩm, cũng như thị trường. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, cũng như các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đều thông báo việc tổ chức các hoạt động xúc tiến điểm đến Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm, tiềm năng mới, trong đó có thị trường châu Âu.

 

Các doanh nghiệp và các địa phương cần theo dõi, chủ động liên kết tham gia vào các chương trình này để tiếp cận, mở rộng và phát triển các thị trường du lịch. Các doanh nghiệp cũng cần phải linh hoạt, kịp thời đưa ra các giải pháp đa dạng hóa thị trường, tích cực quảng bá ở các thị trường mới, trong đó có thị trường châu Âu. Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nỗ lực giới thiệu, quảng bá cho từng địa phương nói riêng và thông qua đó quảng bá Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới”.


Nâng cao trình độ hướng dẫn viên


Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, năm 2005, cả nước có khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Đến tháng 6/2014, cả nước đã có hơn 14.000 hướng dẫn viên, trong đó có hơn 6.300 hướng dẫn viên du lịch nội địa và hơn 8.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nước ta, đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, đối với một số thị trường sử dụng ngoại ngữ hiếm như tiếng Hàn, tiếng Nhật, hướng dẫn viên còn rất thiếu, nên đã dẫn đến tình trạng bị đánh giá là kém chất lượng.


Bộ trưởng nêu rõ: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phổ biến thông tin rộng rãi, đặc biệt là việc thiếu hướng dẫn viên du lịch quốc tế ở một số thị trường, góp phần định hướng cho các em học sinh theo học ngoại ngữ để có việc làm ngay khi ra trường. Bộ cũng đã ban hành chương trình khung đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch và ban hành quy định về trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Đồng thời, tổ chức các kỳ thi sát hạch về nghiệp vụ, ngoại ngữ cho những người am hiểu, yêu thích làm hướng dẫn viên du lịch. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng tiêu chuẩn nghề hướng dẫn viên du lịch phù hợp với yêu cầu của thị trường”.


Trọng Thủy