06:06 13/06/2014

Du lịch Sầm Sơn vẫn còn nhiều 'sạn'

Mùa du lịch năm nay, mặc dù lãnh đạo thị xã Sầm Sơn đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng môi trường du lịch nhưng mối lo ngại về hiện tượng làm giá, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa phải đã hết.

Mùa du lịch năm nay, mặc dù lãnh đạo thị xã Sầm Sơn đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng môi trường du lịch nhưng mối lo ngại về hiện tượng làm giá, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa phải đã hết.

Hiện đang là thời điểm ‘bội thu’ của hệ thống kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các ki ốt ăn uống tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), nơi thu hút rất đông khách du lịch miền Bắc.

Những năm trước, khách du lịch thường ‘ca cẩm’ về những tiêu cực tại Sầm Sơn, từ chuyện giá cả bị chặt chém “trên trời” đến việc những người bán hàng rong, ăn xin chèo kéo khách… Năm nay, những hành vi đó đã được hạn chế rất nhiều.

Bác Nguyễn Thị Phương (Đông Anh, Hà Nội) đến Sầm Sơn lần thứ hai cho biết: “So với lần đầu tiên, tôi thấy Sầm Sơn lần này thay đổi nhiều quá. Dịch vụ tốt và con người thân thiện”.

Dọc bãi biển là sự xuất hiện của các tấm biển lớn ghi quy định trên bãi biển như: cấm bán hàng cao hơn giá quy định; cấm bán hàng rong, ăn xin, ăn mày; cấm cờ bạc, trò chơi có thưởng; cấm xả rác không đúng nơi quy định; cấm tranh giành, đeo bám, chèo kéo du khách…      

Những tấm biển như thế này được phân bố đều ở bãi biển Sầm Sơn


Cùng với đó là bảng niêm yết giá, quy định tạm thời mức giá tối đa một số hàng hoá, dịch vụ du lịch trên địa bàn kèm với đường dây nóng của các cá nhân và cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết thắc mắc của khách du lịch.

Không chỉ niêm yết trên bảng lớn, các cửa hàng kinh doanh cũng phải “trình” bảng kê khai và niêm yết giá từng loại hàng hoá, dịch vụ. Nếu đơn vị nào không thực hiện đúng quy định sẽ bị phạt và tước giấy phép kinh doanh.

Chính sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của chính quyền mà du khách khi tới Sầm Sơn đã phần nào cảm thấy thoải mái hơn.

Tuy nhiên, do công tác rà soát và quản lý vẫn chưa triệt để nên nhiều hoạt động trái phép vẫn diễn ra. Đó là sự tái xuất hiện của những người bán hàng rong và kinh doanh trái phép trên vỉa hè.
                 

Một người bán hàng rong hớt hải khi nhìn thấy đội an ninh trật tự.


Đặc biệt là tình trạng ‘loạn giá’ tại các ki-ốt dù chỉ cách nhau có vài mét. Chẳng hạn, cùng một loại ghẹ có nơi niêm yết 600.000 đồng/kg song cách đó không xa lại lên đến 850.000 đồng/kg trong một ki ốt khác. Các loại đồ ăn thuỷ sản khác như mực, tôm, ốc hương… cũng trong tình trạng tương tự.

Tại khu chợ chuyên bán hải sản tươi sống, phơi sấy gần bãi tắm D, theo tìm hiểu của phóng viên, giá của 1 kg ghẹ chỉ với 200.000 đồng; 600.000 đồng với loại mực khô to nhất… Đây chính là nguồn nguyên liệu mà các cửa hàng hay kiốt mua về chế biến cho khách với giá gấp 2 đến ba lần.

Đáng báo động là hoạt động “bán lận” của không ít các kiốt, lợi dụng sơ hở của khách mà “ăn gian”. Thông thường khi mua các mặt hàng thuỷ sản tươi sống, khách sẽ vào xem giá rồi chọn lựa thực phẩm cần mua. Nếu khách hàng dễ dãi hoặc không chú ý sẽ rất dễ bị lừa đảo theo kiểu: khách báo 10 con tôm, nhà hàng bắt 12 con. Khi đưa đồ ăn lên bàn, khách lại phải trả tiền 12 con. Hành động “mờ ám” của kiểu kinh doanh này rất khó để chính quyền kiểm soát. Do vậy để tránh tình trạng bị “che mắt”, chủ yếu là khách du lịch tự cảnh giác và đề phòng.

Mất tiền lại thêm “phiền”

Việc chế biến thực phẩm tươi sống ngay tại các kiốt cũng tiềm ẩn mối lo về vệ sinh thực phẩm. Có mặt trực tiếp tại các kiốt chế biến món ăn, phóng viên được biết những thực phẩm tươi sống khi mua tại ki ốt sẽ được chế biến theo yêu cầu của khách: xào, luộc, hấp hoặc nướng… Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian, nhiều ki ốt đã tự chế biến trước một số thực phẩm.

Riêng với các món nướng sẽ được luộc trước sau đó mới đem nướng. Như vậy, chỉ mất 5 – 7 phút cho món tôm nướng, 15 – 20 phút cho món tu hài, ốc, hàu… nướng. Đương nhiên những món ăn được chế biến theo phương thức này đã mất đi ít nhiều vị ngon vốn có của nó. Chưa kể đến việc khách quá tải, nhân viên nhà bếp sẽ làm ẩu hơn nữa trong quá trình chế biến.

Hàu tươi được nướng ngay bên lề đường.


Thiết nghĩ, để tránh tình trạng “dài cổ” chờ món ăn, mua phải thức ăn có giá đắt hay lo ngại cách chế biến “ẩu” thì khách hàng có thể lựa chọn các nhà hàng xa khu vực biển một chút. Chỉ cần sang bên kia đường vài mét, du khách có thể lựa chọn cho mình rất nhiều nhà hàng. Tại đây, các loại dịch vụ ăn uống không những rẻ hơn (400.000 – 500.000 đồng/kg ghẹ) mà còn đảm bảo vệ sinh hơn rất nhiều.


Bài và ảnh: Đinh Hương