03:14 17/03/2015

Du lịch nội địa ‘đóng băng’ tại Nga

Hiện các hãng hàng không Nga đang phải chịu tình trạng vắng khách nghiêm trọng khi ngày càng nhiều người dân lựa chọn ở nhà thay vì đi du lịch do tác động từ việc giảm mạnh của đồng ruble.

Các hãng hàng không Nga đang phải chịu tình trạng vắng khách nghiêm trọng khi ngày càng nhiều người dân tại xứ sở Bạch dương lựa chọn ở nhà thay vì vi vu trong những chuyến du lịch do tác động từ việc giảm mạnh của đồng ruble.

Sân bay thành phố Kazan (Nga).


Một hiện tượng nghịch lý đang diễn ra tại Nga là việc giá thành một vé máy bay từ thủ đô Moskva tới Tokyo (Nhật Bản) rẻ hơn giá vé bay nội địa đến thành phố Yuzhno-Sakhalinsk. Bay tới Bắc Kinh thì còn rẻ hơn cả tới Chita. Khoảng cách như nhau, song vì một lí do nào đó, chi phí để máy bay Nga hạ cánh tại các sân bay trong nước lại tốn kém hơn rất nhiều so với máy bay của các hãng nước ngoài.


Trong những kì nghỉ lễ dài hàng năm, hãng hàng không quốc doanh Aeroflot thường bán vé tới thành phố Krasnodar với giá khoảng 5.000 ruble một chiều (tương đương 84 USD), tới Sochi là 4.000 ruble, tới bán đảo Crimea cũng gần 5.500 ruble. Khi so sánh giá vé của các hãng hàng không, với số tiền đó hoặc ít hơn, người dân Nga có thể bay tới các thành phố ở Trung Âu hay Tây Âu ví dụ như thành phố Prague, Vienne hay Paris bằng các hãng máy bay nước ngoài để tận hưởng kì nghỉ của mình.


Phần lớn người dân Nga sinh sống trọn đời tại quốc gia lớn nhất thế giới nhưng chưa từng bao giờ thử du lịch qua các khu vực khác trên chính đất nước mình chỉ vì khó khăn về giá vé máy bay. Tất nhiên có những người thích đi du lịch bằng ô tô hay tàu hỏa. Song không ai có thể chắc chắn khẳng định giá vé ô tô tàu hỏa đi từ vùng này sang vùng khác rẻ hơn vé máy bay. Bên cạnh đó, việc di chuyển bằng tàu hỏa hay ô tô phải mất nhiều ngày, rút ngắn thời gian nghỉ ngơi quý hiếm của họ, chính điều này cũng khiến các du khách không thấy mặn mà trong việc đi du lịch bằng các loại phương tiện đường bộ.


Để lý giải cho sự chênh lệch giá vé trên cùng một khoảng cách bay, ông Roman Gusarov –Tổng biên tập cổng thông tin “AVIA RU Network” thành viên Ủy ban Giao thông vận tải của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), giải thích: “Đầu tiên, phải kể đến sự khác biệt về chính sách đánh thuế lên một chuyến bay nội địa và một chuyến bay nước ngoài. Thay vì phải chịu thuế VAT 18%  đối với một chuyến bay trong nước, các chuyến bay đi nước ngoài không còn là đối tượng bị đánh thuế. Thêm vào đó, sự chênh lệch trong chi phí cung cấp nhiên liệu cho máy bay tại các sân bay ở Yuzhno-Sakhalinsk và Bắc Kinh cũng dẫn tới việc ảnh hưởng ít nhiều tới giá vé máy bay”.


Với nhiều người Nga khi có trong tay những cuốn hộ chiếu, họ sẵn sàng chọn điểm đến du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập thay vì những khu nghỉ dưỡng ở Biển Đen của Nga. Bên cạnh chi phí đi lại rẻ hơn, khách du lịch Nga còn bị thu hút bởi chất lượng dịch vụ tại những quốc gia này – một điều tưởng chừng như xa xỉ ở phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Nga.


Sự kém phát triển trong các thành phố du lịch của Nga là hậu quả tất yếu của tình trạng thiếu hụt hỗ trợ tài chính trong khu vực. Khi chính quyền địa phương quyết đẩy mạnh đầu tư vào ngành du lịch cũng như người dân Nga chọn du lịch trong nước thay vì đi tới các điểm đến nước ngoài, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển và thay đổi ngành hàng không, cũng như giảm thấp các loại giá thành. Tuy nhiên, ông Valery Zubov – thành viên Ủy ban Giao thông vận tải của Đuma Quốc gia (Hạ viện Nga) cho biết hiện tại chính quyền các địa phương không đủ kinh phí để tạo cơ hội phát triển các loại hình du lịch”. Đối mặt với tình trạng không có khách du lịch, các hãng hàng không hàng đầu Nga cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản trong năm 2015. Tỷ giá hối đoái của đồng ruble suy sụp mạnh, cùng lực cầu nội địa giảm sút và ngành du lịch lao đao đã góp phần  khiến các hãng hàng không Nga càng thêm lỗ. Một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát đã khiến ngành du lịch nội địa của Nga ngày càng đi vào bế tắc.



Hồng Hạnh (theo Pravda)