04:10 29/04/2012

Du lịch Fansipan: Cần đầu tư nhưng phải chọn cách đúng

Fansipan đang là một trong những điểm du lịch “hot” của nước ta. Tuy nhiên, để đưa hình ảnh Fansipan ra thế giới vẫn cần rất nhiều thời gian và sức lực.

Fansipan đang là một trong những điểm du lịch “hot” của nước ta. Tuy nhiên, để đưa hình ảnh Fansipan ra thế giới vẫn cần rất nhiều thời gian và sức lực.

Sức hút khó cưỡng của những thử thách

Fansipan là đỉnh núi cao nhất Đông Dương, nó còn được gọi là nóc nhà của Đông Dương với độ cao 3.143 m. Khách du lịch đến với Fansipan đều là những người ưa mạo hiểm, muốn được khám phá, được trải nghiệm trước thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng nơi đây. Dãy Hoàng Liên Sơn mang khí hậu Á nhiệt đới, một kiểu khí hậu đặc biệt và hiếm có.



Hoàng hôn trên đỉnh Fansipan.

Ở đây, 1 ngày có cả 4 mùa. Theo người dân nơi đây, thời tiết thay đổi từng giờ, không ai có thể đoán trước được. Để gặp được thời tiết đẹp khi lên đến đỉnh núi phụ thuộc nhiều vào may mắn. Tuy nhiên, một khi đã đến Fansipan, ai cũng muốn chinh phục nó bất chấp thời tiết như thế nào. Bên cạnh đó, Fansipan còn có những thảm thực vật phong phú và độc đáo. Khi chinh phục Fansipan, du khách sẽ được ngắm những loài cây quý hiếm có trong Sách đỏ.

Fansipan còn thu hút khách bởi những thăng bậc cảm xúc mà nó mang đến. Đầu tiên sẽ là cảm giác hào hứng xen một chút hồi hộp vì ai cũng biết leo Fan không dễ nhưng chưa chinh phục được càng khao khát. Cảm xúc mệt nhọc khi phải vượt qua 29 ngọn núi, vô số những đoạn đường hiểm trở, những vách núi dựng đứng, những khe sâu; mà không ít những lần tự đấu tranh với bản thân là có bỏ cuộc hay không? Và rồi khi lên đến đỉnh, là tràn ngập sự tự hào không chỉ bởi mình đã chinh phục được Fansipan mà hơn thế là vượt qua chính mình.

Con đường chinh phục Fansipan rất khó khăn, nguy hiểm, không phải ai cũng có thể vượt qua. Bạn Thùy Linh, sinh viên đại học Công đoàn đã dừng bước ở trạm nghỉ 2800 cho biết: “Mặc dù mình đã tìm hiểu rất kĩ, nhưng sức khỏe của mình không thể đi tiếp nên mình đành nghỉ ở đây. Có lẽ phải hẹn Fansipan lần sau vậy”. Thào A Phình, người Mông, chuyên khuân vác đồ cho khách leo Fansipan cho biết, có rất nhiều vị khách nước ngoài, những người có thể lực tốt hơn rất nhiều so với người Việt cũng đã bỏ cuộc và phải thuê cõng xuống. Có lẽ chính vì thế mà Fansipan lại càng thu hút ngày một nhiều khách hơn, đặc biệt là giới trẻ, những người tò mò, yêu thích mạo hiểm và luôn muốn thử sức với thách thức của thiên nhiên này.

Cần có cách làm du lịch bài bản hơn

Năm 1904, người Pháp đã xây dựng một đồn binh trên độ cao 2.047 m, giữa nơi núi rừng hiểm trở. Cũng từ đó đường lên Fansipan mới được khai phá. Tuy nhiên, sau năm 1954, con đường này lại bị lãng quên. Đến năm 1999 – 2000, chính quyền Sa Pa mới tìm lại đường lên núi để phát triển du lịch khám phá, mạo hiểm.

Và cùng với sự phát triển của xã hội, với nhu cầu được khám phá, chinh phục, “tìm lại chính mình”, du lịch leo Fansipan cũng trở thành một “xu hướng được ưa chuộng hiện nay”. Chúng ta dễ dàng tìm thấy trên các diễn đàn mạng những chủ đề về việc chinh phục Fansipan. Vào những ngày lễ như Tết Dương lịch, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng miền Nam 30/4, Ngày Quốc khánh 2/9…, lượng khách đến với Fansipan khá đông, có lúc lên đến hơn 100 người một ngày. Điều đấy cho thấy độ “hot” của Fansipan. Tuy nhiên, để du lịch Fansipan phát triển hơn, được nhiều người biết đến hơn không chỉ khách Việt mà còn khách nước ngoài, thì chính quyền nơi đây còn nhiều việc phải làm.

Hiện nay có khoảng 30 công ty du lịch ở Sa Pa và Lào Cai được cấp phép tổ chức tour du lịch khám phá Fansipan. Tuy nhiên, mức giá ở mỗi công ty lại khác nhau và cũng khá đắt. Hai người bạn Xinhgapo mà chúng tôi gặp trên đường leo Fansipan đã phải mất 250 USD/người để có một chuyến du lịch Fansipan trong hai ngày.
Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cũng đã tổ chức cuộc thi leo núi Fansipan quốc tế để quảng bá hình ảnh của Fansipan. Tuy nhiên, cuộc thi này mới chỉ được diễn ra 3 lần rồi dừng vì Vietnam Airlines không tài trợ nữa. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ để có thể quảng bá được hình ảnh của Fansipan, cần phải có những chiến lược quảng bá lớn hơn để đưa hình ảnh Fansipan ra thế giới.

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai công bố quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Sa Pa đến năm 2030. Theo bản quy hoạch này, tỉnh Lào Cai sẽ cho phép xây dựng dự án cáp treo lên đỉnh núi Fansipan cao 3.143 m. Đây là vấn đề đang được dư luận, đặc biệt là những người ưa mạo hiểm quan tâm.

Cần phải có những kế hoạch, dự án mới để thu hút khách đến với Fansipan – ai cũng thừa nhận điều này; tuy nhiên với dự án cáp treo liệu có phù hợp với một địa danh du lịch khám phá, mạo hiểm? Đối tượng khách đến với Fansipan là những người ưa mạo hiểm chứ không phải là những vị khách tham quan. Họ muốn chinh phục Fansipan bằng chính khả năng và sức lực của mình. Vậy nên chăng, hãy chọn đúng cách hơn cho việc đầu tư để vừa khai thác được những giá trị của du lịch Fansipan, nhưng lại không làm mất đi sự hấp dẫn của tour du lịch mang nhiều màu sắc chinh phục và mạo hiểm này!

Bài và ảnh: Hương Trang