01:20 10/01/2015

Dự án xóa sổ bãi rác ở Lebanon

Khi nhắc đến thành phố Sidon ở miền nam Lebanon, nhiều người nghĩ ngay đến cả một núi rác làm ô nhiễm nước ven bờ ở biển Địa Trung Hải trong ròng rã hàng thập kỉ qua.

Khi nhắc đến thành phố Sidon ở miền nam Lebanon, thứ khiến nhiều người nghĩ ngay đến không chỉ là lâu đài Crusader và khu chợ cổ, mà còn là cả một núi rác làm ô nhiễm nước ven bờ ở biển Địa Trung Hải trong ròng rã hàng thập kỉ qua.

Người dân Sidon thong dong câu cá gần bãi rác đã được cải tạo. Ảnh: AFP-TTXVN.


Nhắc đến núi rác có tên Makab, nhiều người không khỏi rùng mình: Lửa bốc lên từ bãi rác vào những ngày hè trong khi mùi hôi thối nồng nặc bủa vây thành phố. Rác trôi dạt ra biển rồi “chu du” đến tận đảo Cyprus trên biển Địa Trung Hải cách đó 260 km, hay theo những cơn bão mùa đông rơi rụng tứ tung khắp thành phố. Nhưng giờ đây, một dự án môi trường đầy tham vọng đang dần khép lại “chương rác sử” kinh hoàng này, hứa hẹn dựng lên một công viên xanh mát bên bờ biển nơi núi rác từng ngự trị.

Với các quan chức địa phương, công trình này không chỉ là niềm tự hào mà họ còn hy vọng nó sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay giải quyết vấn nạn các bãi rác ở Lebanon. Thị trưởng Mohamed al-Saudi, người đã nhậm chức ở thành phố 200.000 dân với cam kết xử lí rác thải, nói: “… Từ một núi rác cao 58 m trở thành khu đất cao 8 m… Chúng tôi đã xóa sạch rác thải, và núi rác đã biến mất”. Dự án bắt đầu với việc xây dựng phần đê quanh địa điểm tập kết rác và đường bờ biển kéo xuống phía nam, vừa nhằm ngăn các con sóng cản trở công việc, vừa ngăn rác bị “tuồn” ra biển. Bãi rác sau đó bị đóng cửa và rác thải của thành phố được chuyển đến một cơ sở xử lý mới nằm ở vị trí xa hơn về phía nam.

Theo các cuộc kiểm tra, khoảng 60% thành phần của bãi rác trên biển là những đống đổ vỡ từ các tòa nhà đã bị phá hủy trong cuộc nội chiến 1975 - 1990. Khi việc phân loại rác bắt đầu vào giữa năm 2013, phần lớn đống đổ nát trên đã được xử lí và sử dụng để cải tạo đất nằm giữa đê và phần bãi biển ở phía nam của bãi rác. Vào năm 2015, trong khi khu đất với diện tích 33.000 m2 cùng sự xuất hiện của những cây olive hàng trăm tuổi sẽ trở thành công viên mở cửa đón khách thì phần còn lại của bãi rác sẽ được cải tạo thành hố chôn, có màng nhựa bảo vệ. Phía bên dưới hố chôn rác có các đường ống chạy ngầm làm nhiệm vụ lọc khí, loại bỏ chất thải và phần phía trên được phủ xanh cỏ.

Ông Edgard Chehab, người giám sát dự án từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, cho biết sau khoảng thời gian 8 năm để rác phân hủy, thành phố Sidon sẽ có thêm một công viên xanh có diện tích 100.000 m2.

Với việc vạch ra một tương lai tươi sáng phía trước, dự án xóa sổ bãi rác của Sidon vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Mohamed Sarji, chủ tịch Liên minh Lebanon của những người lặn biển chuyên nghiệp và là người sáng lập của tổ chức phi chính phủ Biển của Lebanon, tỏ ra không hài lòng với việc một phần lớn bãi biển  thành phố bị dự án cải tạo đất chiếm trọn. Cho rằng dự án cải tạo đất hiện đang tiến hành không phải là phương án tối ưu cả về kinh phí lẫn thời gian, ông Mohamed Sarji còn nói thêm phần lớn rác đã không được phân loại mà bị đổ trực tiếp xuống hố chôn. Tuy nhiên, theo ông Chehab, những người thu lượm rác đã lấy đi phần lớn các chất liệu có thể tái chế từ bãi rác, và phần lớn chỗ còn lại đã “hoàn toàn bị phân hủy… và không còn giá trị tái chế”.

Trong khi đó, ông Adam Read, một chuyên gia về vấn đề quản lý chất thải tại công ty môi trường và năng lượng Ricardo-AEA có trụ sở ở Anh, cho biết mặc dù dự án nghe có vẻ “bình thường” nhưng 25 triệu USD, với trên 20 triệu để xây đê chắn sóng, là cái giá khiến ông phải ngạc nhiên. “Với cái giá đó, tôi muốn tìm thấy vàng từ bãi rác”, ông nói. Trả lời về vấn đề này, thị trưởng Saudi cho biết: “Giá thầu rẻ nhất được một công ty đủ tiêu chuẩn đưa ra đã được chọn và chúng tôi hài lòng về điều này”.


Anh Minh(Theo AFP)