07:18 26/07/2012

Doping - câu chuyện không dứt tại Tour de France

Kết thúc 20 chặng đua của giải đua xe đạp danh tiếng nhất trong năm - giải Tour de France, tay đua Bradley Wiggins, Vương quốc Anh trở thành tay đua vô địch. Cùng với những thành công của giải đua xe đạp lớn nhất này, thì câu chuyện doping luôn là “bóng ma” song hành cùng mỗi mùa giải.

Kết thúc 20 chặng đua của giải đua xe đạp danh tiếng nhất trong năm - giải Tour de France, tay đua Bradley Wiggins, Vương quốc Anh trở thành nhà vô địch. Cùng với những thành công của giải đua xe đạp lớn nhất này, thì câu chuyện doping luôn là “bóng ma” song hành cùng mỗi mùa giải.


Doping ở mùa giải 2012


Trên đường đua, đôi khi người ta gặp những CĐV cầm biểu ngữ “Tour de Doping” đứng bên đường. Điều đó đủ cho thấy ảnh hưởng của thứ chất thuốc cấm này đối với môn thể thao tốc độ. Không năm nào, Tour de France kết thúc mà không có vụ sử dụng doping bị phát hiện.


“Bóng ma” doping vẫn luôn song hành với Tour de France ở mỗi mùa giải. Ảnh: AFP - TTXVN


Năm nay, tay đua người Lúcxămbua, Frank Schleck đã bị tạm dừng cuộc chơi tại Tour de France bắt đầu từ chặng thứ 7 do có kết quả dương tính với chất kích thích trong kỳ kiểm tra. Frank là tay đua chủ lực của đội Radio Shack-Nissan. Loại doping mà Schleck sử dụng có tên gọi Xipamide - một loại thuốc lợi tiểu bị cấm trong quy định giải đấu, có mặt trong các loại thuốc điều trị phù nề, chứng giữ nước và tăng huyết áp.


Đây là lần thứ 2 trong mùa giải 2012, một nghi án về doping tiếp tục kéo bức màn đen bao phủ Tour de France. Vụ việc đầu tiên ngay sau lễ khai mạc, là trường hợp của cuarơ người Pháp, Remy di Gregorio, bị buộc tội tàng trữ chất cấm và các thiết bị bất hợp pháp. Tuy nhiên cuarơ 26 tuổi này một mực khẳng định mình chưa bao giờ sử dụng doping.


Cả 2 vụ việc của mùa giải năm nay càng khiến người ta nghi ngờ về khả năng diệt tận gốc sự gian lận trong đua xe đạp của Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) trong cuộc chiến chống doping.


Doping gắn liền với lịch sử 109 năm của giải


Tour de France có một lịch sử với đủ những rắc rối cùng doping. Tour de France được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1903, là cuộc đua nhiều chặng thực sự đầu tiên trong lịch sử của bộ môn thể thao xe đạp.


Ở giai đoạn đầu của giải đấu năm 1903, rất nhiều tay đua đã sử dụng rượu và các chất cồn như một cách để làm dịu bớt những đau đớn, mệt nhọc họ phải chịu đựng suốt đường đua. Khi các tay đua tìm đến những chất kích thích khác nhằm tăng cường tốc độ và sức khỏe, cuộc chiến chống doping giữa các tổ chức quản lý bộ môn xe đạp như Ban tổ chức Tour de France, Liên đoàn Xe đạp thế giới cũng bắt đầu. Loại thuốc mạnh nhất từng được sử dụng trong giai đoạn này ở giải Tour de France là strychnine. Với nó, các tay đua có thể trụ được sau những chặng đua cam go nhất, đôi khi dài tới hơn 300km.


Tay đua Henri Desgrange, nhà vô địch các năm 1949 và 1952 cũng từng thú nhận đã sử dụng amphetamine. Ông khẳng định: “Ai phủ nhận việc các tay đua xe đạp không dùng amphetamine, người đó không xứng đáng nói về đua xe đạp”. Những năm 1930, khi các đội đua bắt đầu phải đóng góp kinh phí cho nhà tổ chức thì cũng chính họ góp phần xây dựng quy chế giải và các loại chất kích thích cũng được chấp nhận từ đó.


Tại giải đua năm 1956, các tay đua sử dụng doping đã bắt đầu phải trả giá. Sau chặng thứ 14, tất cả các tay đua của đội Bỉ đã phải dừng thi đấu vì một chứng bệnh kỳ lạ. Nguyên nhân chính là doping nhưng các tay đua đều cùng nhau giải thích về món cá hỏng mà họ ăn vào tối hôm trước. Cách đổ tội cho thực phẩm như vậy tiếp tục còn được sử dụng vào các năm 1962 và 1991.


Tại chặng thứ 12 của giải đua năm 1955, các tay đua vượt đỉnh Ventoux. Khi đoàn đua qua được 10km đầu, người ta bàng hoàng chứng kiến tay đua nước chủ nhà Jean Malléjac toát hết mồ hôi rồi đổ gục xuống đường đua khi một bên chân vẫn giắt trên bàn đạp. Khoảng hơn một giờ sau, xe cứu thương đến nhưng Malléjac đã không thể phục hồi được và không bao giờ có thể tiếp tục sự nghiệp thể thao của mình được nữa. Anh cho biết mình đã dùng một loại thuốc bí mật từ một người đàn ông giấu tên. Lọ thuốc sau đó cũng biến mất không dấu vết khiến các nhà tổ chức không thể phân tích được.


Trong giải đua năm 1960, Roger Rivière xếp thứ 2 sau tay đua người Italia Gastone Nencini. Trong cuộc đua này, nếu muốn chiến thắng Roger Rivière cần rất nhiều nỗ lực. Đến giai đoạn cam go nhất của chặng đua leo núi Col de Perjuret, trong khi Nencini thẳng đường cán đích thì Rivière đi hình díc dắc thả dốc. Và kết quả là anh ngã xuống khe suối và bị gẫy lưng. Rivière buộc tội cho đội ngũ kỹ thuật đã tra quá nhiều dầu vào bánh xe khiến phanh của anh không hoạt động. Nhưng kết quả xét nghiệm máu đã giúp gỡ rối cho các kỹ thuật viên, bởi lẽ, Rivière đã dùng thứ chất kích thích chết người khiến tay anh bị co cứng và không thể bóp phanh. Sau này, Rivière cũng thú nhận với báo giới đã sử dụng thuốc với mong muốn phá kỷ lục thế giới, mỗi năm anh dùng tới 1.000 viên thuốc này.


Năm 1960, tay đua người Đan Mạch, Knud Enemark Jensen kiệt sức sau 100km đua đồng đội tính giờ tại Olympic diễn ra ở Rôma và sau đó chết tại bệnh viện. Hai thứ thuốc cấm anh sử dụng là amphetamine và Ronicol. Bác sĩ Pierre Dumas bằng nhiều nỗ lực đã khiến việc xét nghiệm doping được áp dụng ở các kỳ thế vận hội sau đó. Năm 1965, Luật phòng chống doping quốc gia của Pháp được ban hành. Năm 1966, kỳ Tour de France đầu tiên có kiểm tra doping không báo trước, hơn 1/3 lượt xét nghiệm cho kết quả dương tính với chất amphetamine.


Doping – ác mộng thực sự trong đua xe đạp hiện đại


Mãi cho đến sau Thế chiến thứ II, mối lo ngại về sự tổn hại sức khỏe của các VĐV sử dụng các chất kích thích mới được dấy lên. Đặc biệt sau cái chết đầu tiên của tay đua Tom Simpson trên đường đua Tour de France năm 1967 mà người ta còn gọi là “cơn ác mộng của môn đua xe đạp”.


Năm 1967, Tom Simpson đã chết trong lúc đang lên núi Mont Ventoux vì dùng amphetamine hòa với rượu để làm chất kích thích và giảm đau nhức cơ bắp. Tại chặng thứ 13, trời khá nóng và Simpson đã uống một chút brandy khi dừng ngang đường lấy thêm nước. Chất kích thích đã phản ứng với rượu, anh ngã ra ngang đường như minh chứng cho sự nguy hiểm của việc dùng doping cũng như sự nghiệt ngã của sự đam mê thành tích trong môn đua xe tốc độ.


Khi các loại chất kích thích bị phát hiện bằng phương pháp thử doping, một loại chất mới có tác dụng nhanh và mạnh hơn nữa, lại khó phát hiện đã được đưa vào sử dụng, đó là EPO. Thập kỷ 90 là giai đoạn của erythropoietin (EPO) - một trong những chất doping đang được sử dụng trái phép nhiều nhất trong các môn thể thao cần nhiều sức lực (chạy đường dài, đua xe đạp vòng quanh nước Pháp hàng ngàn cây số, lội suối, leo đèo...). Do EPO làm tăng lượng hồng cầu trong máu dẫn đến khả năng lượng ôxy được cung cấp nhiều hơn để nuôi cơ bắp, làm tăng đáng kể sức hoạt động của các VĐV tạo cho họ đạt những kỷ lục, những thành tích tuyệt vời.


EPO khó phát hiện bởi nó khá giống với hoóc môn nam giới testosterone được sản sinh tự nhiên trong cơ thể. Thậm chí, mãi sau này, tay đua vô địch năm1996 Bjarne Riis đã thú nhận đã sử dụng EPO suốt từ năm 1993-1998 mà không hề bị phát hiện.


Trong cuộc đua Tour de France 1998 bộ môn thể thao xe đạp đã trải qua một cơn khủng hoảng về tin cậy trầm trọng: Trong cái gọi là vụ Festina đội đua xe đạp hàng đầu Festina (với các ngôi sao Richard Virenque và Alex Zülle) bị khám phá là đã sử dụng trên diện rộng và có hệ thống các chất kích thích sau khi Willy Voet, người săn sóc cho đội tuyển, vô tình tìm thấy một lượng lớn các chất không được phép sử dụng, nhiều nhất là erythropoietin (EPO). Khám phá này cho thấy rõ sự vô hiệu của các phương pháp kiểm tra doping thời bấy giờ: Không một cuarơ nào của Festina có kết quả thử nghiệm dương tính. Sau đó đội tuyển Festina và MTV bị loại ra khỏi cuộc đua, các đội tuyển từ Tây Ban Nha đã phản đối biện pháp điều tra của cơ quan Pháp bằng cách rút lui ra khỏi cuộc đua. Cuối cùng, Marco Pantani đã chiến thắng giải Tour de France 1998, người mà một năm sau đó bị loại ra khỏi Giro d'Italia vì có nồng độ hematocrit quá cao biểu lộ đã dùng chất kích thích.


Tay đua Andy Schleck cũng từng được hưởng lợi, giành chức vô địch giải năm 2010 khi nhà vô địch Alberto Contador nhận án phạt 2 năm và bị tước danh hiệu sau khi nhận kết quả dương tính với chất cấm clenbuterol.


Thậm chí, tay đua kỳ cựu từng 7 lần vô địch Lance Armstrong hiện cũng đang bị kiện tụng suốt nhiều năm qua về các cáo buộc sử dụng chất kích thích từ Ủy ban Phòng chống doping Mỹ (USADA). Hai năm trở lại đây, nhất là thời điểm anh giải nghệ vào tháng 2/2011, Lance Amstrong liên tục bị buộc tội sử dụng doping. Một trong những người tố cáo Amstrong dữ dội nhất là đồng đội cũ ở đội Bưu điện Mỹ Tyler Hamilton. Anh này tố cáo đã tận mắt chứng kiến Amstrong tiêm erythropoietin (EPO), một dược chất tăng cường tuần hoàn máu và kích thích vận động cơ bắp, thuộc danh mục bị cấm trong thi đấu thể thao trong suốt giải đua Tour de France năm 1999 trong một cuộc phỏng vấn kéo dài đến 60 phút trên kênh CBS. Bên cạnh đó, đồng đội cũ khác là Floyd Landis năm 2010 cũng viết một bức thư đến Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp Mỹ Steve Johnson tố cáo Amstrong có sử dụng doping. Nếu bị chứng minh là có sử dụng doping, Amstrong có thể bị tước 7 chức vô địch liên tiếp Tour de France mà anh giành được từ năm 1999 - 2005.


Thành công của cuộc đua đến đâu cũng không thay đổi được sự thật, Tour de France gắn với doping. Nhiều tay đua hàng đầu khác sau khi chấm dứt sự nghiệp đã thú nhận là đã dùng chất kích thích. Trong một thời gian dài, việc lên án về mặt luật pháp cũng như trong giới công khai đều có tính nhẹ nhàng. Với cách giải quyết vấn đề doping thường ít có tính nhất quán Liên đoàn Xe đạp Quốc tế (UCI) đã góp phần vào việc giới công khai ngày càng gắn liền bộ môn thể thao đua xe đạp vào việc dùng chất kích thích.



Minh Đăng