06:17 27/06/2011

Đồng vốn nhỏ giúp thanh niên nông thôn lập nghiệp lớn

Thực hiện Chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát huy vai trò của thanh niên tham gia đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn (2006 – 2010), Tỉnh Đoàn Tuyên Quang đã triển khai 12 dự án vay vốn nguồn chương trình 120 với số tiền 930 triệu đồng.

Thực hiện Chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát huy vai trò của thanh niên tham gia đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn (2006 – 2010), Tỉnh Đoàn Tuyên Quang đã triển khai 12 dự án vay vốn nguồn chương trình 120 (vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm) với số tiền 930 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện giúp hàng nghìn đoàn viên, thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chị Phan Thị Minh Tâm, Bí thư Huyện đoàn Sơn Dương cho biết: Từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Huyện đoàn đã xây dựng được 11 mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Tiêu biểu là mô hình kinh tế của anh Trần Trung Dũng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương. Sau 2 năm học trường trung cấp nghề Tuyên Quang, anh Dũng trở về địa phương và nuôi quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình. Anh đã mạnh dạn vay vốn của Đoàn thanh niên, gộp với vốn hỗ trợ của gia đình rồi quyết tâm đào ao thả cá. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mỗi lứa nuôi anh thu lãi trên 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh mở rộng diện tích ao nuôi lên 7.000 m2, nuôi thêm các loại cá khác như cá chim, cá chép, rô phi… và tiếp tục đầu tư nuôi rắn hổ mang và nuôi lợn đen.

Anh Trần Văn Vân, sinh năm 1982, ở thôn Ba Luồng, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cũng nhờ tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm mà vượt qua khó khăn. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Đoàn thanh niên, anh được vay 15 triệu đồng vốn ban đầu. Anh đã khai phá gần 2 ha đất hoang, tích cực cải tạo và quy hoạch đất đai để xây dựng mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng – rừng (VACR). Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trong thời gian chờ 4 ha cây keo cho thu hoạch, anh trồng thêm 2 ha mía, nuôi 100 – 200 con gà và 5 con lợn thịt, đào 1.500 m2 hồ nuôi cá. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên anh Vân gặp nhiều khó khăn, cá nuôi bị chết hàng loạt. Nhưng rồi, được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức và dần dần đúc rút kinh nghiệm qua sản xuất nên đến nay, mô hình kinh tế VACR của anh đã phát triển thuận lợi và cho hiệu quả kinh tế cao. Riêng 4 ha rừng keo mỗi năm cho thu nhập trên 60 triệu đồng, hồ nuôi cá mỗi năm thu hoạch 2 lứa, thu nhập 50 triệu đồng. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, giờ đây anh Vân đã có trong tay một trang trại nhỏ với số vốn hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Hưng Vượng, Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang cho biết: đơn vị cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp giai đoạn 2011 – 2015, phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay đến đông đảo các đối tượng thanh niên trong tỉnh. Hai đơn vị khuyến khích, hỗ trợ và tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao và bền vững, tạo môi trường và cơ hội để thanh niên nông thôn có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần khu vực nông thôn…

Qua việc giúp thanh niên khai thác hiệu quả nguồn vốn vay để lập nghiệp, Chương trình phối hợp của Đoàn thanh niên tỉnh Tuyên Quang với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Tuyên Quang, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cổ vũ thanh niên nông thôn làm giàu chính đáng trên quê hương.

Quang Cường