12:09 10/12/2010

Đồng tiền chung châu Á khó thành hiện thực?

Việc để Nhật Bản và Lào hoặc Xinhgapo và Mianma, những nước có sự khác nhau một trời một vực về trình độ phát triển, dùng chung một đồng tiền luôn là viễn cảnh tương lai của châu Á.

Việc để Nhật Bản và Lào hoặc Xinhgapo và Mianma, những nước có sự khác nhau một trời một vực về trình độ phát triển, dùng chung một đồng tiền luôn là viễn cảnh tương lai của châu Á.

Dù không thể thực hiện ngay, nhưng chí ít ở khía cạnh này, các nhà hoạch định chính sách châu Á đã nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn nữa thông qua việc chính thức hóa các khoản vay khẩn cấp qua mạng lưới ngân hàng trung ương trong khuôn khổ Sáng kiến Chiang Mai ký kết năm 2000 nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998 tái diễn.

Nhưng theo tờ Tín báo của Hồng Công ngày 8/12, xem ra ý tưởng hợp tác tiền tệ ở mức độ cao hơn theo Sáng kiến Chiang Mai đã thành bong bóng. Bởi sau khi Hy Lạp và Ailen phải xin cứu trợ, những khiếm khuyết tồn tại trong cộng đồng tiền tệ chung của châu Âu, nơi có nền tảng chế độ và kinh tế lâu đời hơn châu Á, đã bộc lộ. Vì thế, danh sách các nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có thể sẽ có thêm cái tên "sự nghiệp nhất thể hóa tiền tệ châu Á".



Nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoàng nợ Châu Âu-Ảnh internet

Theo Giáo sư Peter Drysdale, nhà kinh tế nổi tiếng thuộc Đại học Quốc gia Ôxtrâylia ở Canberra, tín hiệu quan trọng mà châu Âu phát đi đối với châu Á là họ đã hủy hoại lập luận rằng liên minh tiền tệ là cách thức sáng suốt để hướng tới sự hội nhập chặt chẽ hơn. Các nước châu Âu đã phải mất gần nửa thế kỷ nỗ lực gắn kết nền kinh tế và tỉ giá hối đoái với nhau trước khi sẵn sàng cho việc ra đời đồng euro. Dẫu vậy, khi cuộc khủng hoảng xảy ra, nó vẫn cho thấy những lỗ hổng rất lớn mang tính tổ chức mà bây giờ các nhà thiết kế đồng euro đang phải bò ra để trám vá lại bằng các cơ chế được tạo ra nhằm tăng cường kỷ luật tài chính và cuối cùng buộc phải cho phép tái cấu trúc nợ công.

Ngược lại, các chính phủ châu Á cảm thấy tự hào vì họ đã không can dự vào công việc nội bộ nước khác. Mười nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã phải mất 10 năm mới có thể biến các hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương trong Sáng kiến Chiang Mai thành công cụ thống nhất.

Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (Chiang Mai Initiative Multilateralization - CMIM) liên quan đến khoản tiền trị giá 120 tỉ USD (dùng để hỗ trợ lẫn nhau về khả năng thanh khoản bằng USD trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc thị trường biến động bất thường) cuối cùng cũng có hiệu lực kể từ tháng 3/2010. Nhưng người ta không kỳ vọng vào việc các nhà lãnh đạo châu Á có được bước tiến thêm (trong việc thúc đẩy Sáng kiến Chiang Mai) từ bài học nợ công châu Âu, ngược lại, khả năng do dự sẽ trở nên lớn hơn.

Nhà kinh tế Jay Menon thuộc bộ phận hội nhập kinh tế khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng có một chút lo lắng về những gì đang diễn ra ở châu Âu và ảnh hưởng của nó đối với châu Á. Bài học đầu tiên rút ra từ châu Âu, theo chuyên gia Jay Menon, là phải đề ra được một cơ chế hoàn mĩ hơn để đảm bảo sự thành công của việc khu vực hóa.

Bài học thứ hai là hậu quả thảm khốc có thể sẽ xảy ra khi các nước chấp nhận sử dụng đồng tiền chung trong bối cảnh họ chưa sẵn sàng và không có biện pháp tăng cường kỷ luật tài chính. Điều đó có nghĩa việc làm sâu sắc thêm khả năng khu vực hóa châu Á vốn đã mất nhiều thời gian, sau khi cuộc khủng hoảng ở Eurozone nổ ra, lại càng mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc đó chưa hẳn đã xấu. Bởi trước khi thực hiện "hành động lớn", châu Á nên tập trung hoàn thành những công việc mang tính nền tảng thích hợp.

Theo Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu có trụ sở ở Brúcxen (Bỉ), Razeen Sally, lôgíc mà Liên minh châu Âu (EU) dựa vào để hội nhập thương mại về hàng hóa và dịch vụ cũng như dòng vốn đầu tư là khá rõ ràng. Nhưng các nền kinh tế châu Âu không có đủ điểm chung để xây dựng nên một khu vực tiền tệ hoàn mĩ nhất. Do đó, hội nhập tiền tệ là một lý tưởng xa vời và nếu như muốn rút ra bài học quan trọng gì từ vấn đề này, ông Razeen Sally cho rằng, đó chính là việc phải đạt được sự nhất thể hóa về thương mại và đầu tư một cách dần dần mà không phải là vội vã bước vào một kế hoạch không tưởng.

Bởi nếu vội vã, rủi ro không dừng lại ở việc kế hoạch đó sẽ tự hủy diệt chính mình, mà phá hoại luôn sự nghiệp nhất thể hóa thương mại mà châu Á đã đạt được. Đặc biệt, nếu đồng euro đổ vỡ, người ta sẽ không có cách nào loại trừ rủi ro kiểm soát dòng vốn ở châu Âu. Hệ quả là chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan tràn khắp 27 nước thành viên EU.

Tuy nhiên, Giáo sư Peter Drysdale cho rằng, sự tan vỡ của giấc mơ đồng tiền chung châu Á sẽ không gây ra cản trở đối với chính phủ các nước trong việc gắn kết chặt chẽ hơn với các khu vực khác. Đồng thời, không những tất cả các tranh cãi về hàng hóa và mở cửa thị trường vốn vẫn còn nguyên giá trị mà chúng còn được tăng cường bởi ý thức về sự cần thiết phải thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập khu vực trong bối cảnh (tăng trưởng kinh tế) châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục yếu ớt.

Ở một khía cạnh khác, theo nghiên cứu viên Willem Thorbeke thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp ở Tôkyô (Nhật Bản), cuộc khủng hoảng (nợ công châu Âu) đã cho thấy rõ tầm quan trọng của việc giám sát, từ đó có tác động tích cực đối với việc nhất thể hóa châu Á.

Ông Willem Thorbeke cho biết, các nước châu Á đang xem xét việc nắm giữ đồng tiền của nhau như một bộ phận tạo thành dự trữ ngoại hối. Nếu làm như vậy, theo ông Willem Thorbeke, các nước châu Á sẽ có động lực kiểm soát những yếu tố kinh tế cơ bản của quốc gia láng giềng và giảm thiểu khả năng tổn thương thông qua ủng hộ chính sách của nhau trong bối cảnh chịu chung áp lực.

Minh Thành