03:09 22/03/2012

Dong riềng - cây thế mạnh ở vùng đất dốc Bắc Kạn

Địa hình ở Bắc Kạn có độ dốc cao việc tìm ra những loại cây trồng phù hợp với điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và cả tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết.

Địa hình ở Bắc Kạn có độ dốc cao việc tìm ra những loại cây trồng phù hợp với điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và cả tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Trong những năm gần đây, cây dong riềng đang được người dân các địa phương quan tâm và mô hình trồng dong riềng đã phát triển rộng trên toàn tỉnh.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bắc Kạn, một năm thuận thời tiết, không sâu bệnh thì một ha lúa cho thu nhập 50-60 triệu đồng, ngô năng suất cao cũng chỉ đạt được 40-45 triệu đồng/ha, trong khi dong riềng cho thu nhập 100-150 triệu đồng/ha. Tính rủi ro của dong riềng (mất mùa) lại ít do chịu hạn tốt. Trong khi đó, việc trồng dong riềng dễ hơn trồng ngô, trồng lúa. Đặc biệt, loại cây này thích hợp với đất đồi, núi.

Thổ nhưỡng thích hợp nên cây dong riềng phát triển rất tốt trên địa bàn Bắc Kạn.


Theo ông Nguyễn Đình Điệp, Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật và Chất lượng sản phẩm, Sở NN&PTNT Bắc Kạn, cây dong riềng chịu được nhiệt độ cao tới 37-38 độ C với gió khô và nóng, nhưng cũng giỏi chịu rét nên thích hợp cả ở vùng núi cao và vùng thấp. Ở Bắc Kạn, có nhiều vùng mùa đông nhiệt độ dưới 10 độ C, các loại cây trồng khác như khoai lang, sắn không trồng được, nhưng dong riềng vẫn phát triển tốt. Cây dong riềng cũng chịu hạn tốt hơn ngô, khoai lang và sắn.

Những năm gần đây, nông dân Bắc Kạn đã trồng nhiều dong riềng và giống dong riềng bản địa với thân đỏ, lá bầu, thịt củ màu trắng thích nghi và sinh trưởng khỏe nhất đã được chọn trồng khảo nghiệm trên đất dốc ở các huyện Na Rì, Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông...

Na Rì là huyện trồng nhiều dong riềng nhất và cũng là địa phương đưa cây dong riềng vào canh tác lâu đời nhất. Năm 2011, huyện trồng trên 300 ha, đến năm 2012 tăng lên trên 600 ha. Nhiều gia đình đã giàu lên từ việc trồng dong riềng. Năm 2011, gia đình ông Hà Văn Vình, thôn Nà Ngoàn; gia đình ông Hoàng Văn Biết, ở Bản Cuôn; gia đình ông Lệnh Văn Duy, ở Bản Lài, đều thuộc xã Côn Minh (Na Rì) mỗi nhà trồng trên 1 ha, trừ các chi phí đều có thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ trồng dong riềng, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành giàu có.

Nhận thấy dong riềng là cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương lại cho hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh việc sản xuất dong riềng. Diện tích trồng và quy mô chế biến nông sản này ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh trồng được 270 ha, năng suất 100 tấn/ha thì năm 2011 tăng lên 551 ha (tăng 2 lần so với 2010), dự kiến 51.000 tấn củ. Năm 2012, diện tích trồng dong riềng của tỉnh lên tới 1.324 ha (tăng 2,5 lần so với 2011). Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 5 cơ sở sản xuất miến từ nguyên liệu dong riềng là Nhất Thiện (huyện Ba Bể), HTX miến dong Côn Minh, Kim Lư, Cư Lễ, Lạng San (huyện Na Rì). Sắp tới, Bắc Kạn sẽ có những cơ sở sản xuất miến dong quy mô lớn hơn, thực hiện sự cam kết giữa doanh nghiệp và người dân trong việc trồng và tiêu thụ sản phẩm dong.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cũng được giao làm đề tài Bảo hộ sản phẩm trí tuệ tập thể miến dong Bắc Kạn (một loại hàng hóa có giá trị, được người nội trợ nhiều nơi tin dùng vì chất lượng đặc biệt). Theo đó, dự án thành công sẽ bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng; hình thành và nâng cao nhận thức cho mọi người về sở hữu trí tuệ nói chung, nhãn hiệu tập thể nói riêng trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, gắn kết nhau cùng xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc thù của địa phương mình; tạo công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và hiện đại hóa quê hương đất nước.

Bài và ảnh: Nguyễn Trình