04:11 07/04/2012

Đồng Nai thiệt hại nặng do cơn bão bất thường

Mặc dù chỉ đổ bộ vào Đồng Nai trong một thời gian ngắn nhưng bão số 1 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề

Mặc dù chỉ đổ bộ vào Đồng Nai trong một thời gian ngắn, nhưng T heo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến sáng ngày 7/4, cơn bão số 1 đã làm 2 người chết, 9 người bị thương. Toàn tỉnh đã có 150 căn nhà bị sập, 2.129 căn nhà bị tốc mái. Thiệt hại trên lĩnh vực nông nghiệp được thống kê còn khá nặng nề hơn bởi một số cây trồng đang trong thời điểm thu hoạch, nhiều loại cây trồng không thể trụ vững trước gió bão.
 

Bão số 1 là cơn bão thất thường nhất trong vòng 40 năm qua. Ảnh internet

Số liệu tổng hợp từ các huyện cũng cho thấy: toàn tỉnh đã có trên 35.000 cây cao su bị ngã đổ, trên 10.000 cây ăn trái, cây công nghiệp và trên 1.200 ha lúa, bắp, hoa màu bị ảnh hưởng nặng. Trong đó, Cẩm Mỹ là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài 451 căn nhà bị tốc mái, chỉ tính riêng về cây trồng, huyện đã có tới trên 400 ha bắp, lúa, chôm chôm, sầu riêng, tiêu, điều bị thiệt hại, có nhiều diện tích bị mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Trung, xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) có 1 ha sầu riêng, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Thế nhưng, bão số 1 tràn về đã quật đổ gần như toàn bộ gần 50 gốc sầu riêng đang ra trái non. Và nếu lấy năng suất gần 4 tấn/ha của mùa vụ năm ngoái nhân với giá bình quân 30 ngàn đồng/kg vào chính vụ, gia đình bà Trung sẽ chịu một khoản thiệt hại không nhỏ. Mệt mỏi với việc cố gắng thu nhặt lại số sầu riêng non, bán rẻ cho các hãng kem làm hương liệu để vớt vát lại số tiền hơn 50 triệu đã đầu tư từ đầu vụ, lúc này, lòng bà Trung cũng đang nặng trĩu với nỗi lo, không biết sẽ kiếm đâu ra số vốn lớn để cải tạo lại vườn, trồng mới lại diện tích cây sầu riêng đã bị hư hại hoàn toàn sau bão.

Đây cũng là bài học quá đắt về sự chủ quan của nhân dân và các địa phương trong tỉnh vì hàng chục năm nay không biết gì đến bão lũ. Theo dự báo, năm nay tình hình mưa bão sẽ diễn biến phức tạp, tần suất các trận bão sẽ nhiều hơn mọi năm. Vì vậy, chính quyền các địa phương và người dân không thể lơ là, mất chủ quan với bão, lũ.

Hiện nay, để giúp người nông dân sớm ổn định sản xuất sau bão, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã yêu cầu các địa phương hoàn tất việc thống kê thiệt hại trong thời gian sớm nhất, đồng thời, chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ theo qui định của Chính phủ đối với những trường hợp bị thiệt hại. Đối với những trường hợp vượt quá khả năng giải quyết, các địa phương cần làm danh sách báo cáo lên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh để được hỗ trợ xử lí kịp thời, đúng qui định.

Theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thủy sản để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đối với diện tích lúa, bắp, hoa màu bị thiệt hại từ 30% trở lên, sẽ được hỗ trợ ở mức từ 500 đến 1 triệu 500 ngàn đồng/ha. (tùy thuộc vào mức độ thiệt hại). Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30 đến 70%, sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. 

Lê Hiền