01:17 12/01/2012

Đồng Nai: Tái cấu trúc lại ngành công nghiệp theo hướng nào?

Theo định hướng phát triển đến năm 2015, tỉnh Đồng Nai sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân từ 13-14 %/năm...

Theo định hướng phát triển đến năm 2015, tỉnh Đồng Nai sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân từ 13-14 %/năm, cơ cấu kinh tế đến năm 2015, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 56-57%, ngành dịch vụ chiếm 38%-39%. Vì vậy, Đồng Nai đã xác định, năm 2011-2015 là giai đoạn của việc cải thiện chất lượng đầu tư, tập trung đầu tư nguồn vốn, và nguồn nhân lực để thay đổi cấu trúc của ngành công nghiệp hiện nay, tiến tới xây dựng được thương hiệu sản phẩm công nghiệp và ưu tiên các lĩnh vực tạo sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

Ưu tiên tái cấu trúc

Trên cơ sở đánh giá, phân loại các ngành công nghiệp, tỉnh đã chia thành 3 nhóm ngành chủ yếu. Trong đó, nhóm 1, thuộc nhóm ngành thâm dụng vốn, kỹ thuật gồm: Công nghiệp cơ khí; ngành công nghiệp điện- điện tử; ngành công nghiệp hóa chất, cao su, plastic; ngành công nghiệp điện, nước. Nhóm 2, thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động, gồm: Ngành công nghiệp dệt, may, giày dép; ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; ngành công nghiệp giấy, sản phẩm từ giấy; ngành công nghiệp chế biến gỗ. Nhóm 3, thuộc nhóm ngành thâm dụng tài nguyên khoáng sản, gồm: Ngành công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng.

Các hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp ắc quy Đồng Nai 2 (PINACO) trong ngày đầu tiên đi vào hoạt động. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Thời gian qua, sự chuyển dịch cơ cấu của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn theo hướng thâm dụng lao động, thâm dụng vốn… Nếu nhìn vào bảng giá trị sản xuất công nghiệp cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở các ngành công nghiệp như sau: Nhóm ngành thâm dụng vốn, kỹ thuật có cơ cấu lao động tăng từ 22,5% năm 2005 lên 23% năm 2009, và năng suất lao động của các ngành đều cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành công nghiệp.

Theo số liệu thống kê của ngành Công nghiệp, số ngành thâm dụng lao động đã sử dụng 72% trong tổng số cơ cấu lao động trong toàn ngành và tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng tăng trong cơ cấu từ 72% năm 2005 đã tăng lên 72.5% vào năm 2009.

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra rất chậm, đặc biệt là ngành công nghiệp dệt may, giày dép vẫn tiếp tục có cơ cấu lao động chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong khi đó, các ngành công nghiệp được xem là ngành công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như cơ khí chế tạo, điện tử hầu như chỉ mới dừng lại ở công đoạn lắp ráp, gia công chủ yếu khai thác lực lượng lao động.

Ngoài ra, từ kết quả khảo sát thực tế ở các ngành chức năng từ năm 2004 đến năm 2009 tại 805 doanh nghiệp (DN) cho thấy, trình độ công nghệ của các DN trong tỉnh hiện nay có thể được xem là vẫn đang nằm ở mức tiên tiến với hệ số năng lực công nghệ (TCC: Kỹ thuật - con người - thông tin- tổ chức) là 0.6917. Tuy nhiên, số lượng DN có hệ số năng lực công nghệ đạt mức tiên tiến tương đối thấp, chỉ có 141 DN trong tổng số 805 DN được khảo sát, đạt 17,57%. Trong khi đó, DN có trình độ công nghệ nằm ở mức trung bình là 571, chiếm tỷ lệ khá cao là 70,93% và 93 DN có trình độ lạc hậu, chiếm 11,5%.

Trong số 805 DN được khảo sát, có 341 DN có vốn đầu tư trong nước với hệ số TCC là 0,5510, đây là hệ số nằm ở mức trung bình trong đó có 39 DN đạt mức tiên tiến, chiếm tỷ lệ 4,84 %; 250 DN có trình độ công nghệ ở mức trung bình, chiếm tỷ lệ 31,09% và 58 DN có trình độ công nghệ lạc hậu, chiếm 7,2 %.

Như vậy, trình độ công nghệ tiên tiến của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều DN có trình độ công nghệ trung bình (370/464 DN), thậm chí còn nhiều DN có công nghệ lạc hậu (35/93 DN).

Từ thực trạng trên, Đồng Nai muốn nâng cao nâng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH thì bắt buộc phải tái cấu trúc lại cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển ngành công nghiệp có công nghệ cao, ngành công nghiệp mũi nhọn.

Tập trung tái cấu trúc ngành công nghiệp

Là tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, tuy nhiên, ngành công nghiệp phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thiếu tính bền vững; các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển để tạo động lực để phát triển theo chiều sâu. Đồng Nai đã đề ra mục tiêu của ngành công nghiệp trong giai đoạn 5 năm tới là: Phải thu hút các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp…

Để thực hiện được mục tiêu trên, hiện nay ngành Công thương tỉnh đã xây dựng chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Chương trình được xây dựng trên cơ sở chú trọng phân bổ nguồn lực để phát triển công nghiệp, nhằm cơ cấu lại ngành công nghiệp, đảm bảo công nghiệp sẽ phát triển theo mục tiêu định hướng đã đề ra. Trong đó, việc phân bổ nguồn lực căn cứ vào đặc điểm và vai trò của các ngành công nghiệp, địa bàn đầu tư (chuyển dịch theo lãnh thổ)… để từ đó, xây dựng các chủ trương, chính sách ưu đãi, nhằm mục tiêu tác động vào định hướng đầu tư của các nhà đầu tư thông qua tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, địa bàn các huyện trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đang tổng hợp hồ sơ đăng ký của các DN và các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình tái cơ cấu ngành công nghiệp và chương trình sẽ được triển khai thực hiện ngay trong tháng 12 vừa qua.

Ông Lê Văn Dành Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Đồng Nai đã xác định, từ năm 2012 là giai đoạn của việc cải thiện chất lượng đầu tư, tập trung đầu tư nguồn vốn, và nguồn nhân lực để thay đổi cấu trúc của ngành công nghiệp hiện nay. Trong đó, tập trung vào hai nhóm ngành, gồm: Nhóm ngành mũi nhọn (thiên về kỹ thuật công nghệ cao) và nhóm ngành công nghiệp ưu tiên (thiên về các ngành đang có lợi thế về quy mô nhưng có xu hướng giảm dần tỷ trọng trong thời gian tới). Do đó việc phải tái cấu trúc lần này là nhằm đưa nhóm ngành công nghiệp ưu tiên sẽ tiếp tục đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho nhóm ngành mũi nhọn phát triển và sẽ trở thành nhóm ngành đóng góp chủ yếu trong dài hạn sau năm 2015-2020. Để tạo cho nhóm ngành ưu tiên nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh đã và đang sắp xếp quy hoạch lại các khu, cụm công nghiệp, có chính sách hỗ trợ để thu hút DN vừa và nhỏ đầu tư vào công nghiệp phụ trợ phục vụ cho nhóm ngành mũi nhọn này.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu trên, ngành công nghiệp cũng đã đề xuất tỉnh thực hiện 6 nhóm giải pháp, gồm: Chính sách hỗ trợ đầu tư; Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường; Chính sách hỗ trợ khuyến khích DN đổi mới nâng cao năng lực công nghệ; Giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp và chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý DN và giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Trong 6 giải pháp trên, ngành đặc biệt chú trọng 2 giải pháp chính vì nó góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng lực công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. ”Vì yếu tố trí thức- công nghệ là yếu tố sản xuất thâm dụng của nền kinh tế hiện đại, sẽ lan tỏa và chiếm ưu thế trong các ngành công nghiệp trong thời gian tới”, ông Dành nói.

Ông Dành còn cho biết, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thêm một giải pháp chủ yếu để góp phần chuyển dịch cơ cấu theo ngành và địa bàn hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Vì quá trình phân bố và phát triển công nghiệp theo vùng lãnh thổ, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển các khu cụm công nghiệp, đây là một trong những phương thức thu hút, tổ chức sản xuất công nghiệp theo lãnh thổ.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định mục tiêu đến cuối năm 2015, Đồng Nai cơ bản trở thành tỉnh CNH, HĐH; vào năm 2020 trở thành tỉnh CNH, HĐH. Để thực hiện được mục tiêu này, việc phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Để đáp ứng kịp thời cho chương trình tái cơ cấu ngành công nghiệp, tỉnh đã có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020 được xác định là tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong toàn nền kinh tế với cơ cấu hợp lý. Đến năm 2015, tổng số nhân lực qua đào tạo khoảng 65% trong tổng số lao động; đến năm 2020 tăng lên khoảng 77%. Số nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng tăng; số nhân lực được đào tạo ở trình độ sơ cấp nghề và đào tạo ngắn hạn ngày càng giảm.

Lê Hiền