12:13 25/12/2014

Đồng Nai dành 1.300 tỷ đồng thực hiện đề án sữa học đường

Từ tháng 9/2014, tỉnh Đồng Nai đã triển khai Đề án sữa học đường cho 41.000 trẻ mầm non tại 5 huyện nghèo của tỉnh gồm: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú và Vĩnh Cửu.

Từ tháng 9/2014, tỉnh Đồng Nai đã triển khai Đề án sữa học đường cho 41.000 trẻ mầm non tại 5 huyện nghèo của tỉnh gồm: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú và Vĩnh Cửu.
 
Đồng Nai là tỉnh thứ ba sau Bà Rịa Vũng Tàu và Bắc Ninh thực hiện Đề án sữa học đường nhằm hướng tới việc nâng cao tầm vóc người Việt. “Chương trình sữa học đường sẽ tiếp tục triển khai theo Đề án đã được HĐND tỉnh thông qua từ cuối năm 2013”, bà Phạm Thị Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai khẳng định tại lễ sơ kết thí điểm Đề án sữa học đường năm 2014 vừa được tổ chức.
 

Đồng Nai là tỉnh thứ ba sau Bà Rịa Vũng Tàu và Bắc Ninh thực hiện Đề án sữa học đường.

Theo đề án, năm 2014 chương trình đã triển khai cho 41.000 trẻ mầm non tại 5 huyện là: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu.Năm 2015, Đề án tiếp tục triển khai cho tất cả trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn Đồng Nai (không phân biệt trường công lập và ngoài công lập) và đối với học sinh lớp một của các trường tiểu học tại 5 huyện trên. Giai đoạn từ năm 2016 – 2020, chương trình được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 của các trường trong tỉnh. Về thời gian thụ hưởng, trẻ mầm non, học sinh tiểu học được uống sữa 9 tháng/năm học; định mức 3 lần/tuần, mỗi tuần uống 1 hộp loại 180ml.
 
 
Đánh giá về kết quả thực hiện thí điểm tại 5 huyện trên trong thời gian từ tháng 9 – 12/2014, bà Phạm Thị Hải cho biết: Ngoài những kết quả được ghi nhận như trẻ đến trường đạt tỷ lệ cao, trong đó trẻ 3-4 tuổi đạt tỷ lệ 95,7%; trẻ 5 tuổi đến lớp đạt tỷ lệ 99,5%; tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 93%. Đáng mừng nhất là sự đồng thuận của nhân dân và phụ huynh trong tỉnh. Ngay từ những ngày đầu thực hiện thí điểm, ngành giáo dục đã cho khảo sát lấy ý kiến thăm dò từ các bậc phụ huynh. Trong số 50% phụ huynh của 68 trường tham gia chương trình sữa học đường thì có đến 97% phụ huynh thống nhất với mức đóng góp hàng tháng cho con em được uống sữa tại trường, riêng ban đại diện cha mẹ học sinh thì hoàn toàn nhất trí với chương trình “sữa học đường”.
 
 
Bà Phạm Thị Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng và chiều cao, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ, khống chế trẻ thừa cân, béo phì tại các trường mầm non, tiểu học và nâng cao thể trạng của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho địa phương trong tương lai”.
 

Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ.

Đề án Sữa học đường Đồng Nai giai đoạn 2014-2020 được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua từ cuối năm 2013 và bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2014 với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó 50% là ngân sách nhà nước (khoảng 658 tỷ đồng); 35% phụ huynh đóng góp (khoảng 459 tỷ đồng) và 15% do công ty sữa hỗ trợ (khoảng 197 tỷ đồng).
 
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng số 260 trường mầm non, trong đó có 81 trường mẫu giáo, 179 trường mầm non với 218 trường công lập, 42 trường ngoài công lập; 305 trường tiểu học với 298 trường công lập, 07 trường ngoài công lập. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi ở trường mầm non có nơi còn ở mức cao, chiếm tới 30%. Trẻ ở lứa tuổi tiểu còn có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, nhất là đối với trẻ thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; thể lực nhiều trẻ chưa đạt yêu cầu so với độ tuổi, tình trạng trẻ em thấp còi, yếu thể lực là do chế độ ăn không đầy đủ các chất dinh dưỡng hoặc chất lượng quá kém trong các bữa ăn từ gia đình, nhiều gia đình kinh tế khó khăn nên việc chăm sóc con cái thiếu quan tâm.
 
 
Vì thế, Đề án hướng tới mục tiêu cụ thể là: Trẻ 05 tuổi đến lớp đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 95% trở lên; tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng cân nặng không quá 6% và suy dinh dưỡng chiều cao không quá 8%; 100% học sinh tiểu học được chăm lo phát triển thể lực, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, giải trí lành mạnh giúp trẻ phát triển hài hòa về thể lực - trí lực, cải thiện tầm vóc để đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

V.T