Quyết chí làm giàu trên đồng đất quê hương

Với khát vọng và ý chí của tuổi trẻ, tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Lương Trọng ở phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã biết vươn lên làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp ngay trên đồng đất quê hương.

Anh Trọng vinh dự là một trong 150 thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2015.

Người thanh niên làm giàu trên đất quê hương Nguyễn Lương Trọng.

Nỗ lực mưu sinh

Trong cái nắng dịu nhẹ của chiều tháng 3, theo chân cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Bình, chúng tôi có dịp đến thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Lương Trọng. Nhìn cơ ngơi khang trang của chàng trai trẻ sinh năm 1986 Nguyễn Lương Trọng, chúng tôi ai nấy đều không khỏi thán phục và ngưỡng mộ.

Trò chuyện với Trọng, chúng tôi như cảm nhận trong tâm hồn người thanh niên phố thị này là những trăn trở, lo toan làm thế nào để thoát khỏi nghèo khổ; làm sao để biến vùng đất hoang hóa của quê hương trở thành quả ngọt; phải giúp đỡ thanh niên trong địa phương có công ăn việc làm ngay trên quê nhà... Chắc có lẽ vì thế mà mới 30 tuổi nhưng nhìn Trọng rắn rỏi, chững chạc và có vẻ "nhừ hơn” bạn bè cùng trang lứa.

Trọng bộc bạch, anh sinh ra trong gia đình thuần nông, nhà đông anh em, bản thân sớm chứng kiến cuộc sống vất vả, khổ cực của bố mẹ - những người nông dân chân lấm tay bùn. Vì thế mà khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trọng quyết chí sẽ đưa vùng đất khô cằn sỏi đá của quê hương thành miền đất hứa, phải làm giàu trên chính nơi mình được sinh ra và lớn lên.

Năm 2004, khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố Trọng bị bệnh nặng, bản thân anh lại là con trai cả trong gia đình nên giấc mơ vào đại học của Trọng đành gác lại. Anh làm thêm đủ nghề để phụ mẹ chia sẻ gánh nặng mưu sinh.

Trọng lăn xả vào đời với đủ nghề từ phụ hồ thợ xây, nhân viên chạy bàn trong các nhà hàng đến việc buôn bán trái cây, tôm cá ở chợ. Năm 2008, Nguyễn Lương Trọng lập gia đình. Một thời gian sau đó, bố Trọng bệnh nặng và qua đời. Từ đó, gánh nặng mưu sinh lại càng nặng hơn trên đôi vai của chàng thanh niên trẻ.

Khát vọng làm giàu trên chính đồng đất quê hương càng rạo rực, thôi thúc Trọng thực hiện ước mơ, hoài bão mà mình từng ấp ủ. Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm lối đi, Trọng nhận thấy ruộng đất hoang hóa ở địa phương còn nhiều mà chưa được khai phá, để vậy thì phí quá nên anh quyết định phát triển kinh tế theo mô hình vườn-ao-chuồng và rở thành anh nông dân thực thụ.

Với chủ trương dồn điền đồi thửa của chính quyền địa phương, năm 2011, từ số vốn ít ỏi ban đầu, Trọng cùng với gia đình mạnh dạn đấu thầu vùng đất hoang hóa đã bỏ trống từ lâu tại đồng Ngã Ba, với diện tích 2,7 ha để mở trang trại. “Lúc đầu biết tôi thuê mảnh đất bỏ hoang để làm trang trại, ai cũng can ngăn, bảo sao chưa có kinh nghiệm gì trong làm nông mà liều thế. Nhưng tôi nghĩ mình có ý chí, đam mê, quyết tâm và cả sức trẻ thì không có gì phải sợ. Tôi tin mình sẽ làm được”, anh Nguyễn Lương Trọng bày tỏ.

Thời gian đầu khi bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, anh Trọng đã gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm thoát nghèo anh đã vượt lên tất cả. Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Trọng cho biết, nguồn vốn ban đầu có được quá ít, gia đình tôi phải cầm cố thẻ đỏ để mượn ngân hàng, rồi vay thêm từ người thân và bạn bè.

Nhìn diện tích đất hoang được nhận, thấy đâu đâu cũng ngỗn ngang toàn cỏ dại với cát sỏi, không biết phải bắt tay thực hiện từ đâu. Cả nhà phải cất công tìm tòi, vừa thuê máy xúc vừa tận dụng sức lao động của các thành viên trong gia đình để cải tạo đất. Làm quần quật ngày đêm, đôi khi quên cả ăn ngủ.

Quyết chí thực hiện, Nguyễn Lương Trọng cùng gia đình đã cải tạo gần 3ha diện tích đất hoang hóa thành 3 hồ nuôi các loại cá như trắm, quả, mè, rô phi; cùng chuồng trại nuôi hơn 60 con lợn và đàn gà hàng trăm con. Không dừng lại ở đó, năm 2012, Nguyễn Lương Trọng mạnh dạn dồn sức, vay mượn, đầu tư 600 triệu đồng để mở dịch vụ rạp sự kiện, phục vụ đám cưới.

Năm 2014, anh Trọng cùng gia đình tiếp tục thuê hơn một mẫu đất đồng hoang ở phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng cải tạo và mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Từ những bước đi chập chững ban đầu, mô hình phát triển kinh tế của gia đình Trọng dần có thu và sinh lời.

Đồng hoang hóa quả ngọt

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, chỉ có ý chí và hoài bão cùng sức trẻ đã tiếp động lực để Nguyễn Lương Trọng thực hiện ước mơ của mình. Với tinh thần dám nghĩ dám làm và sự nỗ lực biết vươn lên, sau 5 năm, Nguyễn Lương Trọng đã biến những bãi đất hoang hóa, khô cằn trở nên xanh tươi, trù phú từ những ao cá, vườn cây... do chính anh chăm bón.

Đến nay, dù mới tròn 30 tuổi nhưng anh đã là ông chủ của một trang trại chăn nuôi với tổng giá trị đầu tư phát triển kinh tế trên 2,5 tỷ đồng. Từ 9 ao cá, gần 100 con lợn và hàng trăm gà, vịt, ngan...cùng vườn cây ăn quả, trung bình mỗi năm cho thu lãi trên 200 triệu đồng; tạo việc làm cho 10 lao động là thanh niên địa phương với mức lương từ 3,5-5triệu đồng/tháng.


Chia sẻ những kinh nghiệm làm kinh tế, anh Nguyễn Lương Trọng tâm sự, hành trình làm giàu của mình là cả chặng đường đầy gian nan, thử thách và anh mới chinh phục được một nữa. Ban đầu khi mới đầu tư vào mô hình chăn nuôi tổng hợp, anh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kỹ thuật chăn nuôi; phương pháp phòng chống các loại dịch bệnh cho vật nuôi cũng như tìm nguồn ra cho sản phẩm.

Cũng có lúc thua lỗ, cảm thấy nản chí nên đôi lần định bỏ dỡ. Anh Trọng kể, năm 2013, tỉnh Quảng Bình hứng chịu trận bão, lũ lịch sử, các ao cá, chuồng chăn nuôi của gia đình anh ngập trong nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, anh và cả gia đình tưởng chừng không vực dậy nỗi. Tuy nhiên, được anh em, bạn bè giúp đỡ, động viên và đúc rút được nhiều kinh nghiệm, anh lại đứng lên và tiếp tục theo đuỗi, thực hiện khát vọng làm giàu của mình.

Qua mỗi lần thất bại, anh lại trưởng thành và quyết tâm hơn. Qua những chuyến đi thực tế, tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của bà con địa phương, Nguyễn Lương Trọng xác định phương châm chăn nuôi rất rõ ràng là không dùng bột tăng trọng mà sử dụng, tận dụng thức ăn thừa kết hợp với bột sắn, ngô nấu chín rồi mới cho ăn. Nhờ kinh nghiệm này, đã giúp đàn lợn mà gia đình anh nuôi tăng trưởng nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thịt an toàn khi đến với người tiêu dùng.

Dù bận rộn với công việc phát triển kinh tế của gia đình nhưng Nguyễn Lương Trọng luôn xong xáo, tích cực tham gia, đảm trách nhiều công việc tại địa phương như Tổ phó Tổ dân phố, Bí thư Chi đoàn, đội trưởng đội sản xuất. Năm 2015, anh Nguyễn Lương Trọng vinh dự nhận danh hiệu Nhà nông trẻ tiêu biểu và giải thưởng Lương Đình Của dành cho thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực nông thôn.

Anh Ngô Văn Mạnh, Bí thư Đoàn phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Anh Nguyễn Lương Trọng là một thanh niên có ý chí và khát vọng, dám nghĩ dám làm, nhiệt tình và năng động tìm ra mô hình sản xuất phát triển kinh tế phù hợp và đã thành công. Anh Trọng còn rất tích cực và tiên phong trong các hoạt động giúp ích cộng đồng, xã hội.

Nguyễn Lương Trọng xứng đáng là tấm gương thanh niên tiêu biểu của thời đại mới, đáng để chúng ta học tập và noi theo.
Chiều tắt nắng. Chia tay Nguyễn Lương Trọng, chúng tôi cứ ấn tượng mãi về chàng trai phố thị nhiều hoài bão, quyết tâm và khát vọng tuổi trẻ trong thời đại mới. Trên miền quê nghèo đầy nắng và gió như Quảng Bình, những gương sáng tiêu biểu như Nguyễn Lương Trọng sẽ là những viên gạch hồng chung tay, góp sức làm khởi sắc diện mạo quê hương.

Tin, ảnh: Võ Dung - Thùy Trang (TTXVN)
Chàng thanh niên Mông làm kinh tế giỏi
Chàng thanh niên Mông làm kinh tế giỏi

Tuy mới 25 tuổi, nhưng Bí thư Chi đoàn thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang), Lý Văn Tính, dân tộc Mông, đã thành công với mô hình nuôi trâu vỗ béo và sinh sản, trị giá gần 1 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN