Huyện Đam Rông trên đường "khởi sắc"

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nguồn lực và cổ vũ tinh thần của nhân dân, bộ mặt nông thôn mới tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đang thay đổi từng ngày.

Cầu mới hoàn thành trên địa bàn xã Rô Men, huyện Đam Rông. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN

Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được Chính phủ đầu tư thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Phó chủ tịch UBND huyện Đam Rông, ông Liêng Hót Ha Hai, nói: “Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo nhanh, bền vững được xem là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện Đam Rông”.

Những ngày cuối năm, thời tiết Tây Nguyên hanh hao gió lạnh lẫn trong mùi hoa cà phê thơm nồng. Men theo đoạn cuối quốc lộ 27 nối tỉnh Lâm Đồng với Đắk Lắk, từ trên núi cao nhìn xuống buôn làng thấp thoáng bên những hàng cây bằng lăng là những ngôi nhà ngói mới.

Huyện Đam Rông mới được thành lập 10 năm trước từ 5 xã phía Bắc của huyện Lâm Hà và 3 xã của huyện Lạc Dương, với điều kiện tự nhiên vô cùng trắc trở, hạ tầng kinh tế rất thấp và lạc hậu, hơn nửa dân số trong huyện là hộ nghèo. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, sau hơn 10 năm thành lập, huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống bà con các dân tộc dần được ổn định, no ấm.

Ông Liêng Hót Ha Hai cho biết: Năm 2015 là năm thứ 7, huyện Đam Rông thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Để triển khai thực hiện tốt chương trình này, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó tổ chức lồng ghép các chương trình đang thực hiện trên địa bàn huyện.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 53% năm 2008, đến nay giảm xuống còn 7,3% (theo tiêu chí cũ). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,7 triệu đồng năm 2008 lên 28,5 triệu đồng vào cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách luôn được chính quyền quan tâm chỉ đạo kịp thời. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng (năm 2015 đạt khoảng 35%); hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, phát huy hiệu quả ngày càng cao.

Cùng với việc thực hiện thành công chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, những năm qua, huyện Đam Rông cũng đã thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau cho chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Đam Rông lên đến hơn 832 tỷ đồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp bằng tiền 11 tỷ đồng, chưa kể giá trị đất đai, cây trồng, ngày công mà người dân tình nguyện hiến để tham gia xây dựng nông thôn mới.

Điều đáng nói là ngoài việc năng động, sáng tạo trong cách vận động, huy động vốn, tổ chức thực hiện, việc phân bổ nguồn vốn hợp lý cho các địa bàn, các hạng mục công trình và việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả đã mang lại lòng tin của người dân, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Một lớp học mẫu giáo tại huyện Đam Rông. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN

Chính vì vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới của Đam Rông đã và đang đạt được kết quả khả quan. Đến nay, toàn huyện đã có một xã là Đạ R’sal đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 2 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Đây là cơ sở, nền tảng để đến năm 2018, Đam Rông cơ bản sẽ thực hiện thành công huyện nông thôn mới.

Chiều cuối năm, bà con xã Ro Men đang tất bật thu dọn cà phê từ sân phơi vào kho; sửa soạn lại nhà cửa, mua sắm cho các con thêm quần áo mới. Niềm vui đón xuân mới như nhân lên gấp bội khi 4 cây cầu được nâng cấp xây dựng kiên cố trên tuyến tỉnh lộ 722 đi qua địa bàn huyện Đam Rông đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Qua đó phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 
Ông Giàng Seo Long - một người già uy tín của Làng Mông, thôn 5, xã Rô Men vui mừng chia sẻ: "Nếu như 10 năm trước, 100% số hộ dân trong làng đều thiếu cái ăn, cái mặc. Nhiều gia đình quay trở về quê (các tỉnh phía Bắc). Chúng tôi phải vận động bà con trở lại cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ có nhà nước giúp đỡ nên đến nay 100% số hộ ở đây đều có nhà kiên cố".

Đặc biệt, Làng Mông còn là điểm sáng của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trở thành mô hình điểm “2 không” là “không hút thuốc, không uống rượu”.

Để thoát nghèo nhanh và bền vững trong những năm tới, Phó chủ tịch UBND huyện Liêng Hót Ha Hai cho biết: Huyện ưu tiên nguồn lực để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình khác với chương trình 30a để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, phát triển sản xuất theo hướng trọng tâm, trọng điểm; đồng thời chỉ đạo quản lý chặt các nguồn vốn đầu tư.

Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, gắn chặt chẽ giữa thúc đẩy phát triển trồng trọt, chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp nhằm khai thác lợi thế của địa phương để góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ nghèo từ 5 - 6% theo chuẩn mới. Giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm cho từ 1.000 đến 1.500 lao động; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 93%...

Đặng Tuấn (TTXVN)
Góp công, của xây dựng nông thôn mới
Góp công, của xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Hoà Bình đã có nhiều thay đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN