07:08 23/07/2012

Đồng euro chưa lâm nguy

Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) không có nguy cơ tan vỡ; các thành viên Eurozone đang có xu hướng đoàn kết chặt chẽ hơn. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi với tờ Le Monde của Pháp.

Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) không có nguy cơ tan vỡ; các thành viên Eurozone đang có xu hướng đoàn kết chặt chẽ hơn. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi với tờ Le Monde của Pháp.


 

Chủ tịch ECB Mario Draghi khẳng định Eurozone sẽ không tan rã.

 

Trong cuộc phỏng vấn ngày 21/7, ông Draghi cho rằng: "Các nhà phân tích không nhận ra sức mạnh chính trị mà các nhà lãnh đạo châu Âu đã đầu tư vào liên minh này và họ không nhìn thấy sự ủng hộ của người dân châu Âu. Đồng euro không thể tan vỡ được". Về lâu dài, đồng euro sẽ hoạt động dựa trên sự hòa nhập sâu rộng hơn của các nước thành viên Eurozone. Theo ông Draghi, mọi hoạt động tài chính, ngân sách, chính trị của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạo ra một thể chế siêu quốc gia.


Liên quan đến triển vọng kinh tế Eurozone, ông Draghi cho rằng khối này không có nguy cơ rơi vào suy thoái và tình hình sẽ dần dần cải thiện vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013.


Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh ở Brúcxen (Bỉ) đã nhất trí để ECB giám sát các ngân hàng và trao quyền cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu tái cấp vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn.


Về tình hình Tây Ban Nha, các nhà phân tích cảnh báo rằng khoản tiền giải cứu ngành ngân hàng Tây Ban Nha cùng với các biện pháp tăng thuế, giảm chi tiêu vẫn chưa đủ để cứu đất nước này tránh phải nhờ cậy đến một gói giải cứu lớn hơn. Trong khi đó, chính phủ Tây Ban Nha đang ngày càng cạn ngân sách và phải đứng giữa hai sức ép, một là sự giận dữ của dân chúng trước các biện pháp cải cách kinh tế thắt lưng buộc bụng, hai là sức ép tăng cường tài chính công từ các lãnh đạo châu Âu. Ngày 19/7, hàng trăm nghìn người Tây Ban Nha đã xuống đường trong một cuộc biểu tình lớn nhất phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”.


Trong tháng 7, Tây Ban Nha sẽ trở thành nước Eurozone thứ 4 sau Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha phải nhờ đến gói cứu trợ của châu Âu sau khi được các bộ trưởng tài chính Eurozone thông qua gói cứu trợ 100 tỷ euro ngày 20/7.


Thùy Dương