03:02 18/03/2011

Động đất, sóng thần tại Nhật Bản: Gia tăng nguy cơ ô nhiễm phóng xạ hạt nhân

Theo các nguồn tin, chiều 15/3, một trận động đất mạnh 6,0 độ ríchte đã xảy ra tại khu vực ngoài khơi phía đông đảo Honshu của Nhật Bản. Tâm chấn trận động đất này ở độ sâu 15,3 km.

Theo các nguồn tin, chiều 15/3, một trận động đất mạnh 6,0 độ ríchte đã xảy ra tại khu vực ngoài khơi phía đông đảo Honshu của Nhật Bản. Tâm chấn trận động đất này ở độ sâu 15,3 km. Tiếp sau đó vào tối cùng ngày, một trận động đất khác với cường độ tương tự đã xảy ra tại tỉnh Shizuoka và các khu vực lân cận, trong đó có cả thủ đô Tôkyô. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhiều tòa nhà tại Tôkyô đã rung lắc. Tuy nhiên, chưa có cảnh báo sóng thần được đưa ra.

Hình ảnh nhà máy điện Fukushima 1 sau vụ hỏa hoạn tại lò phản ứng số 4. Ảnh: Internet


Thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3, tính đến thời điểm này, đã làm hơn 10.000 người chết hoặc mất tích, theo xác nhận của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, và phá hủy gần 73.000 ngôi nhà. Ngoài thiệt hại về người và của, đất nước “Mặt trời mọc” đang phải gồng mình đối phó với sự cố rò rỉ phóng xạ - ít nhiều nhắc người ta nhớ lại thảm họa hạt nhân Chernobyl (Trécnôbưn) tại Ucraina năm 1986.

Vỏ lò phản ứng số 2 bị thủng

Sáng 15/3, hai sự cố đã liên tiếp xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Theo phóng viên TTXVN tại thủ đô Tôkyô và các nguồn tin nước ngoài, vụ nổ xảy ra tại lò phản ứng số 2 của nhà máy đã khiến mức phóng xạ tăng lên đáng kể. Tập đoàn Điện lực Tôkyô (TEPCO) cho biết, vụ nổ khiến lớp vỏ bảo vệ lò phản ứng số 2 bị hư hại một phần và có khả năng đã gây rò rỉ phóng xạ. Tuy nhiên đến tối cùng ngày, ông Andre-Claude Lacoste, người đứng đầu Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (ASN), cho biết vỏ bê tông bao quanh lò phản ứng số 2, được thiết kế để chứa bụi phóng xạ, đã "không còn kín". Theo đánh giá của ông Lacoste, sự cố tại nhà máy này hiện đã ở mức 6 trong thang 7 bậc về đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự cố hạt nhân do quốc tế qui định. Một số công nhân không trực tiếp tham gia quá trình bơm nước làm mát lò phản ứng đã phải tạm thời sơ tán.

Sự cố thứ hai là hỏa hoạn tại lò phản ứng số 4 của Fukushima 1. Mặc dù đám cháy đã được dập tắt, song lượng phóng xạ bị rò rỉ có thể tăng mạnh. Theo nguồn tin mới nhất, nước ở bể chứa các thanh nhiên liệu hạt nhân tại lò phản ứng này có thể đang sôi, khiến mực nước giảm xuống. Tính đến thời điểm hiện tại, 4 trong số 6 lò phản ứng của Nhà máy Fukushima 1 đã xảy ra vấn đề đáng lo ngại. Trước đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết hệ thống làm mát tại lò phản ứng số 5 và số 6 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 dường như cũng không hoạt động bình thường. Theo ông Edano, nhiệt độ tại hai lò phản ứng này đã tăng nhẹ.

Các nhân viên cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm người sống sót ở thành phố Senda ngày 15/3. Ảnh: AFP-TTXVN


Phóng viên TTXVN dẫn nguồn tin cảnh sát Nhật Bản cho biết việc sơ tán người dân và bệnh nhân tại các bệnh viện nằm trong phạm vi bán kính 20 km từ Nhà máy Fukushima 1 đã được hoàn tất. Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập vùng cấm bay trong bán kính 30 km xung quanh Nhà máy Fukushima 1. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cùng ngày đã kêu gọi người dân sống ở khu vực bán kính 30 km tính từ nhà máy này không ra khỏi nhà. Chánh Văn phòng Nội các Edano thừa nhận lượng phóng xạ tại khu vực nhà máy hiện đã tăng lên mức đe dọa sức khỏe con người. Các công nhân đang nỗ lực bơm nước biển vào bể chứa để giảm nhiệt cho các thanh nhiên liệu sau khi các thanh này bị lộ một phần trên mặt nước.

Hãng Kyodo cùng ngày đưa tin, lượng phóng xạ tại tỉnh Ibaraki ở phía bắc thủ đô Tôkyô cũng đã gia tăng sau các vụ nổ tại Nhà máy Fukushima 1. Tuy nhiên, mức phóng xạ ở đây không gây nguy hiểm tới sức khỏe con người. Cũng trong ngày 15/3, TEPCO thông báo tất cả 4 lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 2 (quận Futaba, tỉnh Fukushima) đã tạm ngừng hoạt động một cách an toàn. Nhiệt độ của những lò phản ứng này đã giảm xuống dưới 100 độ C sau khi hệ thống làm mát bị hư hỏng sau trận động đất được khôi phục.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Tôkyô cho biết mức độ phóng xạ tại đây đã cao hơn mức bình thường 10 lần, song "chưa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe". Trong khi đó, mức độ phóng xạ tại các phòng điều khiển của Nhà máy Fukushima đã quá cao để các nhân viên của Công ty Điện lực Tôkyô có thể ở trong đó.

Khó tái diễn thảm họa Trécnôbưn tại Nhật Bản

Diễn biến hiện nay tại các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima khiến người dân Nhật Bản và cộng đồng quốc tế lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra trong thời gian tới. Theo ông Edano, vấn đề quan ngại hiện giờ là lượng phóng xạ đã tăng tới mức có thể nguy hại tới sức khỏe người dân. Chính phủ Nhật Bản vừa chỉ thị cho chính quyền tất cả các tỉnh, thành phố hàng ngày phải báo cáo kết quả đo nồng độ phóng xạ trong môi trường.

Trước đó, Nhật Bản đã chính thức đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cử chuyên gia tới hỗ trợ khắc phục sự cố hạt nhân tại nước này sau thảm họa động đất và sóng thần. Cao ủy về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), ông Guenther Oettinger, cũng kêu gọi IAEA họp khẩn cấp vào tuần tới nhằm thảo luận về sự cố hạt nhân ở Nhật Bản để đưa ra cách thức phản ứng thống nhất của EU và khởi động cuộc thảo luận về các tác động có thể xảy ra đối với an toàn hạt nhân. Trong khi đó, Ủy ban Quản lý hạt nhân của Mỹ (NRC) ngày 15/3 cho biết, Nhật Bản đã đề nghị Mỹ giúp kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân bị hư hại sau thảm họa động đất và sóng thần. NRC đang cân nhắc khả năng đáp ứng đề nghị này, bao gồm cả cố vấn về kỹ thuật.

Ngày 15/3, nhận định tình hình tại các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, IAEA nói rằng lúc này không có dấu hiệu về khả năng tan chảy tại các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại do động đất. Tuy nhiên, người phụ trách về an toàn tại các cơ sở hạt nhân của IAEA James Lyons nhấn mạnh, tình hình hiện nay tại các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima “đang không ngừng thay đổi”. Trong khi đó, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano tuyên bố rất ít khả năng khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima 1 sẽ trở thành một thảm họa như Trécnôbưn. Theo ông Amano, hai nhà máy Trécnôbưn và Fukushima có thiết kế và kết cấu khác nhau, các lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima có vỏ bọc bên ngoài. Hơn nữa, các lò phản ứng tại Fukushima đã tự động ngừng hoạt động khi xảy động đất.

Phản ứng dây chuyền

Lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần, hàng loạt nước trên thế giới ngày 15/3 đã có động thái xem xét, điều chỉnh lại các kế hoạch phát triển điện hạt nhân ở nước mình.

Gió đang phát tán phóng xạ rò rỉ tại Nhật Bản ra biển

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 15/3 cho biết gió tự nhiên đang phát tán chất phóng xạ bị rò rỉ từ các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản ra khắp Thái Bình Dương, tới những khu vực cách xa nước này và các quốc gia châu Á khác. WMO cũng cảnh báo mặc dù cho tới nay các hiện tượng đang ở xa ngoài khơi, song tình hình thời tiết có thể thay đổi và cơ quan này đang theo dõi sát sao thông tin từ vệ tinh cũng như các dữ liệu khác.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Đức quyết định đình chỉ một thỏa thuận liên minh về trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đã cũ ở nước này. Thỏa thuận sẽ bị đình chỉ trong 3 tháng và các chuyên gia Đức sẽ tiến hành kiểm tra độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở nước này trước khi chính phủ đưa ra quyết định vào mùa thu tới. Bà Merkel cho biết các nhà máy điện hạt nhân dự kiến đóng cửa trong năm nay sẽ ngay lập tức bị ngừng hoạt động. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh động thái trên không có nghĩa Đức sẽ từ bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình.

Chính phủ Pháp đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, với sự tham dự của quan chức, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến năng lượng hạt nhân, nhằm rút ra những bài học hữu ích từ sự cố hạt nhân ở Nhật Bản. Thụy Sĩ cũng đã ra lệnh ngừng kế hoạch xây dựng các nhà máy hạt nhân mới. Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/3 kêu gọi các quan chức phụ trách an toàn hạt nhân ở các nước thành viên nhóm họp để đánh giá sự chuẩn bị đối phó của châu Âu trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân. Bộ trưởng Môi trường Áo Nikolaus Berlakovich cho rằng EU có thể phải tiến hành cuộc kiểm tra mức độ an toàn đối với các nhà máy điện hạt nhân trên toàn EU. Nhiều nước thành viên EU khác như Anh, Bungari, Phần Lan... cũng đề nghị xem xét lại vấn đề an toàn hạt nhân. Đức cùng với Pháp còn muốn phát động một cuộc thảo luận mới về vấn đề an toàn hạt nhân ở cấp quốc tế trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát của Hiệp hội y khoa Mỹ công bố cùng ngày cho hay phần lớn các bang của Mỹ không được chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với một sự cố phóng xạ hạt nhân lớn. Hơn một nửa trong số 38 bang tham gia khảo sát đã không có kế hoạch bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về phóng xạ. Chỉ có một số ít bang cho rằng họ có đủ điều kiện để kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ của cộng đồng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Số liệu thống kê từ IAEA cho thấy, trên toàn thế giới có 442 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và 65 cơ sở mới đang được xây dựng.

Chứng khoán Nhật Bản rơi tự do

Chỉ số chứng khoán Nikkei tại Sở Giao dịch chứng khoán Tôkyô đóng cửa ngày 15/3 chỉ còn 8.605,15 điểm, giảm tới 1.015,34 điểm (tương đương 10,55%). Đây là mức sụt giảm kỷ lục kể từ ngày 16/10/2008 trong bối cảnh các nhà đầu tư hoang mang bán tháo cổ phiếu sau khi chính phủ Nhật Bản cho biết mức phóng xạ tăng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 bị tổn hại do trận động đất mạnh 9 độ ríchte hôm 11/3 vừa qua đe dọa tới sức khỏe của người dân. Chỉ số TOPIX cùng ngày cũng giảm ở mức kỷ lục 9,47%.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định “bơm” 8.000 tỷ yên (khoảng 97 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nhằm làm dịu các thị trường tiền tệ nước này vốn “rung chuyển” sau động đất. Ngân hàng DBS (Xinhgapo) ước tính thảm họa động đất, sóng thần hôm 11/3 có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới 100 tỷ USD, tương đương 2% GDP của Nhật Bản. Đây được coi là giai đoạn khó khăn nhất đối với Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.


Nam
Hạnh (Tổng hợp)