05:14 12/05/2015

Động đất Nepal – hồi chuông báo động Nam Á

Trận động đất Nepal xảy ra hôm 25/4 như một hồi chuông báo động đối với các quốc gia Nam Á, khi những nước này đã thất bại khi không thể rút ra được bài học từ những thảm họa của chính mình.

Trận động đất Nepal xảy ra hôm 25/4 như một hồi chuông báo động đối với các quốc gia Nam Á, khi những nước này đã thất bại khi không thể rút ra được bài học từ những thảm họa của chính mình. 

Hai thập kỷ vừa qua, khu vực Nam Á thường xuyên xảy ra các trận động đất, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và mất nhà cửa. Khu vực này thường xuyên xảy ra các chấn động bởi tiểu lục địa Ấn Độ bị đẩy xuống thấp hơn mảng kiến tạo Á-Âu. Trong số những thảm họa tồi tệ nhất gần đây là trận động đất 7,7 độ richter cướp đi sinh mạng của 25.000 người ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ hồi tháng 1/2001 trong khi 75.000 người thiệt mạng trong một trận động đất ở Pakistan hồi tháng 10/2005.

Lực lượng cứu hộ và người dân Nepal làm việc tại khu vực đền cổ Mahadev Mandir ở quảng trường Durbar bị phá hủy sau trận động đất ngày 30/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo nhận định của các chuyên gia, khu vực này là nơi có nhiều các công trình xây dựng kém chất lượng và đô thị hóa nhanh chóng có thể dẫn tới số lượng người chết lớn hơn trong những thảm họa kế tiếp.

Với vị trí trên một đường đứt gãy địa chấn, Nepal từ lâu đã lo sợ một trận động đất lớn nữa xảy ra từ sau thảm họa năm 1934 san phẳng nhiều khu vực ở thủ đô Kathmandu. Các chuyên gia và kĩ sư đã vào cuộc chạy đua với thời gian để cố gắng chuẩn bị tốt hơn cho Nepal nhằm đối phó với thiên tai có thể xảy ra. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn bởi giống như nhiều nước láng giềng khác, Nepal chịu cảnh nghèo đói, quá đông dân ở các đô thị và công tác quản lý kém.  

“Trận động đất có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trong khu vực. Thảm họa ở Nepal là một lời cảnh báo cho phần còn lại ở châu Á phải thay đổi. Chúng ta không thể tiếp tục xây dựng những cái bẫy chết người”, Hari Kumar, điều phối viên khu vực Nam Á tại Viện Quốc tế  GeoHazards, nói.

Cảnh đổ nát sau trận động đất ở thị trấn Gorkha, Nepal ngày 30/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Khi các tòa nhà sụp đổ ở Nepal hôm 25/4 vừa qua, những cơn dư chấn có thể được cảm nhận từ cách xa hơn 1.000km ở phía tây New Delhi - nơi những người dân bỏ chạy trên đường phố và Bangladesh - nơi những bức tường của các nhà máy đông đúc sụp đổ.

Các chuyên gia cảnh báo chính phủ khu vực không được nhắm mắt làm ngơ trước cảnh tàn phá do động đất ở Nepal, kêu gọi họ nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu rủi ro ở chính đất nước mình trước thiên tai.

Tại Bangladesh, kỹ sư Mehedy Hasan Ansary dự đoán một thảm họa ở thủ đô Dhaka nơi hàng triệu người đang chen chúc trong các căn hộ được xây dựng trong cảnh bị “bủn xỉn” vật liệu xây dựng. “Hơn 100.000 tòa nhà ở Dhaka có thể sụp đổ”, Ansary, thuộc Đại học kỹ thuật và công nghệ Bangladesh, cảnh báo.

Một nghiên cứu của Chính phủ Bangladesh năm 2009 kết luận rằng 250.000 tòa nhà khắp đất nước sẽ nổ tung nếu một trận động đất lớn quét qua khu vực, với nhiều tòa nhà được xây dựng trên bãi rác và các khu đất mềm dễ rung chuyển trong các đợt chấn động.  “Nhiều tòa nhà cũng được những người thợ nề xây dựng, mà không dùng bất cứ thanh thép hay bê tông cốt thép nào”, Abdul Quayyum, người đứng đầu chương trình quản lý thiên tai của Chính phủ Bangladesh, cho biết.

Sự cần thiết phải bảo vệ tốt hơn các trường học đã được quan tâm sau một trận động đất mạnh khiến nhiều lớp học ở Tứ Xuyên, Trung Quốc sụp đổ năm 2008,  làm 5.000 học sinh và giáo viên thiệt mạng.

Ở những nơi khác trong khu vực, các chuyên gia thất vọng cho biết chính phủ đã thất bại khi không học được những bài học từ quá khứ. 

Liên hợp quốc và các cơ quan cứu trợ khác cũng nhấn mạnh sự cấp thiết phải chuẩn bị cho thiên tai có thể xảy ra ở Afghanistan, đất nước không chỉ dễ bị động đất mà còn lũ lụt, lở tuyết và lở đất. Nhiều khu vực ở Afghanistan, người dân sống dưới những mái nhà xây bằng gạch bùn mỏng manh trong những ngôi làng nghèo khổ thường bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. Nhưng các cơ quan cứu trợ cho hay công tác dự đoán và chuẩn bị cho thảm họa không được ưu tiên tại quốc gia bị xung đột tàn phá này.

Tại Pakistan, ranh giới giữa hai mảng kiến tạo cắt qua gần như toàn bộ chiều dài của đất nước, khiến nước này rất dễ bị động đất. Điển hình là trận động đất năm 2005, tập trung ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Pakistan đã thành lập một cơ quan quản lý thảm họa năm 2006 để giúp đối phó với những thảm họa trong tương lai, nhưng sự bùng nổ của các khu vực đô thị đồng nghĩa rằng đất nước này vẫn có nguy cơ cao chịu nhiều thiệt hại do động đất, với nhiều tòa nhà xây dựng chất lượng kém.

“Tình hình rất đáng báo động và nếu có một trận động đất lớn nữa, thiệt hại sẽ tăng gấp đôi lần trước”, Zahid Amin Kashif, cựu điều hành Muzzafarabad, thị trấn chính của Kashmir do Pakistan kiểm soát, nhận định.

Trong khi đó, tại biên giới ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, nơi mà hàng nghìn người thiệt mạng do động đất năm 2005, giáo sư đại học Shakil Ramshoo cho biết một kế hoạch đối phó với thảm họa thậm chí không hề tồn tại.


Hạnh Nhân 
(Theo Daily Times)