09:09 17/09/2011

Đồng chí Võ Chí Công trong lòng những người ở lại

Những ngày tiết Trung thu, mưa xối xả trên những con đường quê còn vương vãi nhiều rơm rạ khi chúng tôi tìm về nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công...

Những ngày tiết Trung thu, mưa xối xả trên những con đường quê còn vương vãi nhiều rơm rạ khi chúng tôi tìm về nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Nơi đây, mảnh vườn 2ha là nơi ông đã sống những ngày ấu thơ bên gia đình, bà con lối xóm và hiện tại cũng là nơi lưu giữ, trưng bày những đồ dùng, kỷ vật của ông trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Ngôi nhà nằm im lìm dưới mưa, dưới những đợt gió mang cái lạnh đầu mùa thổi về. Những hàng cau trong vườn nhà như rũ hẳn xuống trong mưa. Nỗi đau của lòng người dường như cũng làm động lòng thiên nhiên, trời đất.

Cô Trần Thị Thu, cháu dâu gọi ông Võ Chí Công bằng cậu và cũng là người trông giữ, chăm nom khu nhà lưu niệm này chạy ra chạy vào, lo lắng không yên. Đôi mắt cô vẫn đỏ hoe khi tiếp chuyện chúng tôi. Những ngày gần đây, tin ông Võ Chí Công qua đời đã được mọi người ở quê ông biết. Tuy người vào thăm nhà lưu niệm ông không nhiều nhưng những người hỏi han về ngày truy điệu, lễ truy điệu ông khi nào, tổ chức ra sao với cô Thu là không ít. Nhất là những cụ già trong xóm.

Cô chia sẻ:“Lúc còn sống, khi về quê, lúc nào cậu Công tôi cũng đi thăm khắp bà con bạn bè hàng xóm, hỏi han tình hình làm ăn, sinh hoạt của mọi người nên ai cũng quý mến. Giờ, biết tin cậu qua đời, ai cũng muốn được thắp cho cậu một nén hương. Nhưng ngặt một nỗi lễ truy điệu và nơi viếng thăm của cậu lại được tổ chức trang trọng tại Hội trường Tỉnh ủy Quảng Nam (24 Nguyễn Chí Thanh, TP Tam Kỳ) chứ không phải ở quê. Mà ra đó, phải cử đại diện vào viếng chứ đâu phải ai cũng vào được. Dù sao cậu cũng đã là người của Nhà nước từ lâu rồi... Bà con ở đây chỉ biết dâng lên cho cậu Công những nén hương lòng mà thôi!”.

Đồng chí Võ Chí Công cùng các đại biểu chiến sĩ thi đua miền Trung Trung bộ tại Dốc Voi, Trà My (Quảng Nam) vào tháng 5/1972.

Tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), nơi diễn ra lễ viếng và truy điệu ông Võ Chí Công, chúng tôi gặp ông Phạm Thông - nguyên cán bộ trong Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, người có một khoảng thời gian hoạt động cùng địa bàn với ông Võ Chí Công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hòa trong dòng người vào viếng cố Chủ tịch Võ Chí Công tại Hội trường Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Phạm Thông cũng thật sự xúc động khi nói về người nay đã đi về miền vô ưu: “Trong mắt tôi, bác Công lúc nào cũng luôn là một vị chỉ huy tài tình, quyết đoán; một người cán bộ đi cùng nhân dân, lắng nghe nhân dân, hiểu từng nguyện vọng nhỏ nhất của nhân dân và làm tất cả những gì mình có thể để nhân dân được ấm no”. Rồi ông bắt đầu chất giọng trầm trầm, kể về những câu chuyện mình nghe được hoặc đã từng chứng kiến về ông Võ Chí Công.

Điều đầu tiên chúng tôi được nghe từ lời kể của ông Phạm Thông là câu chuyện khá thú vị về “bác Võ Chí Công” - theo cách gọi của ông Thông trong lần khởi nghĩa Trà Bồng - Quảng Ngãi (28/8/1959). Lúc ấy, từ mật khu Đỗ Xá (thuộc xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam bây giờ), các đồng chí trong Khu ủy V bắt đầu hành quân về Trà Bồng. Lần ấy, không may, ông Võ Chí Công lại đang bị ốm. Vốn cũng như mọi người, hàng trăm cây số băng rừng lội suối với ông thời ấy chẳng là gì cả. Nhưng đúng lúc ấy, mọi người thấy sức khỏe ông không kham nổi. Vậy mà ông vẫn nhất quyết chống gậy cùng mọi người lên đường. Ông bảo khi nào ông không nhấc nổi chân nữa thì mới thôi. Không thể để sức khỏe của ông bị ảnh hưởng thêm, các đồng chí trong đoàn bèn “họp kín” và đi đến một ý kiến rất hay. Đến một đoạn dốc, họ đề nghị mở một cuộc họp chi bộ khẩn cấp ngay giữa dốc, vấn đề cần biểu quyết là những người còn lại thay phiên nhau dùng cáng khiêng ông Võ Chí Công đi tiếp. Tất cả đều giơ tay biểu quyết, trừ ông Công. Biết là mọi người “ép” mình nhưng hiểu là các đồng chí cũng vì thương mình nên cuối cùng ông cũng “chấp hành quyết định chung của chi bộ” để kế hoạch về Trà Bồng được thực hiện nhanh, gọn hơn.

Một điều trong câu chuyện với ông Phạm Thông về ông Võ Chí Công làm chúng tôi rất xúc động là dù ở đâu, làm gì, ông cũng không quên gốc gác mình là nông dân, đồng bào mình cũng là nông dân. Trong lúc hoạt động ở mật khu trên các vùng rừng núi thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam hoặc công tác trên mọi miền đất nước, bao giờ trong hành trang của ông cũng đều có những cuốn sách hay nghiên cứu về nông nghiệp. Khi các đồng chí hỏi tại sao một người chỉ huy quân sự lại thường đọc sách nông nghiệp, ông nhẹ nhàng bảo: “Đất nước mình là đất nước dựa vào nông nghiệp là chính. Và nền nông nghiệp ấy vẫn còn nghèo và lạc hậu lắm. Và để đất nước đi lên, không có con đường nào khác ngoài trước hết làm cho nông nghiệp có sự phát triển vượt bậc. Trách nhiệm ấy không chỉ nằm ở những người nông dân, những kỹ sư nông nghiệp mà là của tất cả đồng bào Việt Nam mình”.

Sau ngày đất nước thống nhất, dù giữ những cương vị cao cấp trong Nhà nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, ông Võ Chí Công vẫn luôn hướng lòng mình về với nông dân, với ruộng đồng bờ bãi mến thương. Theo lời kể của ông Phạm Thông (lúc ấy đang du học ở Bungari) thì khoảng từ năm 1977 đến 1979, ông Võ Chí Công đã không ít lần đến tận trang trại nông nghiệp cũng như tiếp cận với các thành tựu nông nghiệp mới ở Liên Xô và Bungari tìm hiểu để về áp dụng cho nông nghiệp Việt Nam. Cũng chân đất, đầu trần vào đến những nơi nông dân các nước bạn đang trồng trọt chăn nuôi như một người nông dân bình thường, ông Võ Chí Công đã được sự kính yêu sâu sắc của những người Việt Nam ở Liên Xô và Bungari lúc bấy giờ.

Chia tay ông Phạm Thông, ông bảo nên tìm gặp người biết khá rõ và nhiều kỷ niệm với ông Võ Chí Công, đó là ông Phan Đấu. Phải rất khó khăn chúng tôi mới liên lạc được với ông Phan Đấu (83 tuổi), nguyên Phó Văn phòng Khu ủy Khu V, Thư ký riêng của ông Võ Chí Công từ tháng 3/1965 đến cuối 1976. Tuổi cao, sức khỏe cũng đã rất yếu nên ông Đấu chỉ trao đổi với chúng tôi qua một cuộc trò chuyện rất ngắn. Tuy vậy, trong tâm tưởng người cán bộ lão thành này, sự ra đi của người đồng chí Võ Chí Công là một mất mát không gì bù đắp được. Ông tâm sự:“Anh Năm (tên thân mật của ông Võ Chí Công) là Phó Bí thư Liên Khu ủy Thường trực Khu ủy, rồi Bí thư Liên Khu ủy trực tiếp lãnh đạo quân dân trong Khu đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng Khu V góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Là một lãnh đạo Khu nhưng anh Năm Công rất thường đi và nắm tường tận cơ sở, nên mỗi khi chiến tranh chuyển giai đoạn, anh phân tích, đưa ra những nhận định chính xác cũng như bày kế sách đánh địch hiệu quả. Tôi còn nhớ, giữa năm 1965, Mỹ đổ quân vào Chu Lai đánh phá dữ dội, tình hình chiến sự rất ác liệt ở huyện Nam Tam Kỳ (Quảng Nam), Bình Sơn (Quảng Ngãi), anh Năm Công trực tiếp đến Chu Lai để nghiên cứu vành đai diệt Mỹ thế nào cho hiệu quả, đã làm nên “trận đầu đánh Mỹ” vào 0 giờ 30 ngày 26/5/1965… Đặc biệt, anh là người biết tận dụng giao thông liên lạc hợp pháp để liên lạc và tổ chức ở các đầu mối quan trọng như Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, các tỉnh Nam Trung bộ… Nhờ đó, các đồng chí lãnh đạo liên tỉnh theo đường dây này về Khu họp và quay về rất nhanh, an toàn. Các đồng chí Khu ủy đi công tác vào Sài Gòn cũng mau lẹ”.

Dù biết là ai rồi cũng phải có ngày trả mình về đất mẹ, nhưng với những người dân Quảng Nam nói riêng và những người từng gặp gỡ, tiếp xúc, công tác cùng ông Võ Chí Công, ai ai cũng đều cảm thương và đau xót trước sự ra đi của ông. Dù ở cương vị một người thân trong dòng họ, một người đồng chí cùng chiến hào hay một vị lãnh đạo, ông vẫn luôn để lại trong trái tim mọi người những tình cảm tốt đẹp, sự yêu thương và kính trọng vô vàn... Ở thế giới bên kia, chắc ông cũng đang mỉm cười...

Nguyễn Thành Giang