07:16 08/07/2012

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - một mẫu mực về phẩm chất của người cộng sản

Sáng 8/7, BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2012). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đọc diễn văn kỷ niệm.

Sáng 8/7, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2012) tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đọc diễn văn kỷ niệm.


Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn:


"Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,


Thưa các đồng chí và các bạn,


Hôm nay, cùng với đồng bào, đồng chí cả nước, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta họp mặt tại đây – tại thành phố Bắc Ninh đang từng ngày đổi mới, thuộc vùng đất Kinh Bắc địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng - để trọng thể kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng ta thời kỳ 1938 - 1941, nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của dân tộc; chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và hiểu rõ hơn cuộc đời và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; rút ra những bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN.


Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09-7-1912, trong một gia đình nhà Nho nghèo, thuộc dòng tộc Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, tại một vùng quê văn hiến, làng Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Là người thông minh, có chí lớn ngay từ khi còn đi học, Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi 26 tuổi (năm 1938) và bị thực dân Pháp giết hại lúc 29 tuổi (năm 1941). Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của Đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Có thể khái quát một số điểm quan trọng, nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ như sau:


Một, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng.


Từ một học sinh đang học trung học (Trường Bưởi), với lòng yêu nước, sự nhạy cảm chính trị và nhiệt huyết cách mạng, Đồng chí đã tiếp cận và giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, sớm trở thành hội viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Bác Hồ sáng lập.


Thực tiễn và phong trào cách mạng đã tôi luyện người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Cừ trong thời gian đi "vô sản hoá" ở vùng mỏ Vàng Danh, Mạo Khê... (Quảng Ninh) trở thành người chiến sĩ cộng sản, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Đồng chí đã nhận thức được khả năng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, đã giác ngộ, vận động họ đứng lên làm cách mạng. Với tinh thần vừa làm vừa học, năng động, sáng tạo trong lý luận và thực tiễn, đồng chí tổ chức nhiều cuộc mít tinh, kêu gọi công nhân đấu tranh. Tờ báo Than do Nguyễn Văn Cừ trực tiếp chỉ đạo và là người biên tập chính, đã được phát hành rộng rãi trong vùng, có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Sau hai năm "vô sản hoá", Nguyễn Văn Cừ đã trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng mỏ.


Khi bị địch bắt, bị giam cầm, tra tấn tại nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ đã cùng với các đồng chí của mình "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng". Chính tại nơi "địa ngục trần gian" này, Nguyễn Văn Cừ được tiếp cận các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin; được các đồng chí lớn tuổi hơn có nhiều kinh nghiệm và trình độ lý luận giúp đỡ, Đồng chí đã nắm bắt được nhiều vấn đề lý luận, tiếp thu được những quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó nghiền ngẫm, đúc rút các bài học soi rọi cho quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Dù chưa có điều kiện nghiên cứu một cách hệ thống về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhưng Nguyễn Văn Cừ đã sớm có những nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa quốc tế vô sản, có nhiều bài viết nhiệt thành ủng hộ cách mạng Trung Quốc, chỉ đạo những cuộc vận động quyên góp tiền ủng hộ các chiến sĩ cách mạng Trung Quốc; viết một số bài báo bày tỏ sự ủng hộ Liên Xô vào Hội quốc liên...


Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một người cộng sản có tầm nhìn xa rộng, có quyết tâm và nghị lực lớn, có khả năng phân tích, khái quát, nhận định chính xác các vấn đề trong nước và quốc tế theo tinh thần phương pháp luận Mác - Lênin, sớm trở thành một tài năng chính trị kiệt xuất của Đảng ta.


Hai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có tư duy lý luận sắc sảo, sáng tạo; nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được Đồng chí giải quyết một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tế Việt Nam.


Sáng kiến thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3-1938, chứng tỏ Đồng chí nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm chỉ đạo của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, tập trung vào nhiệm vụ xây dựng mặt trận chống phát xít. Tác phẩm Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương của Đồng chí đã luận giải trúng và có sức thuyết phục những vấn đề lý luận cơ bản, trên cơ sở đó giúp Đảng ta đưa ra những quyết sách chiến lược, sách lược trong thời kỳ Mặt trận dân chủ và giành thắng lợi.


Năm 1939, trước nguy cơ phát xít và Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, những phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra mặt chống phá đảng cộng sản. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm chống bọn tờrốtkít và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích. Đây là một đóng góp quan trọng về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Tác phẩm ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới, khi Đảng ta vừa hoạt động bí mật, vừa hoạt động công khai; vừa chống "tả", vừa chống "hữu" nhằm đi đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tác phẩm thể hiện tư duy sắc sảo của một lãnh tụ già dặn về chính trị; vừa tranh luận, vừa thuyết trình một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng - những khía cạnh biện chứng giữa cái trước mắt và cái lâu dài, giữa sách lược và chiến lược, đánh tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn lúc bấy giờ.


Ba, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những quyết định đúng đắn, quan trọng, góp phần chuyển hướng chiến lược của cách mạng nước ta ở những thời điểm lịch sử


Đầu tháng 4-1938, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng. Trong một loạt bài viết đăng trên báo Dân chúng , Đồng chí đã phân tích tình hình, vạch rõ nguy cơ chiến tranh phát xít ở Châu Á và Đông Dương, kêu gọi nhân dân đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa chống chiến tranh phát xít. Chuẩn bị để Đảng rút vào hoạt động bí mật, chủ động ứng phó với tình hình diễn biến mau lẹ, Đồng chí đã cho phát hành cuốn Công tác bí mật của Đảng , gửi đến đảng bộ các cấp. Đầu tháng 9-1939, Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ uỷ Bắc Kỳ, phổ biến tình hình và quyết định rút số cán bộ hoạt động công khai vào hoạt động bí mật, phân công một số đồng chí cán bộ Xứ uỷ và Thành uỷ Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở những địa bàn chiến lược, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện.


Ngày 06/11/1939, hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường khủng bố cách mạng nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị đã phân tích thấu đáo tính chất cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai; vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh; những chính sách của đế quốc Pháp; thái độ của các giai cấp, tầng lớp xã hội, từ đó vạch ra đường lối chính trị của cách mạng trong tình hình mới. Hội nghị chủ trương tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, xác định giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc là nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam; đồng thời quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương . P hương pháp cách mạng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.


Quyết định của Hội nghị Trung ương 6 chuyển hướng chiến lược và thay đổi khẩu hiệu cách mạng trước tình hình mới là hết sức sáng suốt, thể hiện sự nhạy bén chính trị, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Hội nghị đã giải quyết đúng mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, dân tộc và giai cấp trong điều kiện cụ thể nhằm tập hợp lực lượng, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chuẩn bị bước tới cao trào cách mạng, tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân. Do có chủ trương chuyển hướng chiến lược đúng đắn và sự chỉ đạo kịp thời mà phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển, lực lượng cách mạng tránh được tổn thất khi kẻ thù trở mặt đàn áp, khủng bố. Đáng tiếc là, giữa lúc phong trào vận động giải phóng dân tộc mới bắt đầu tiến triển thì đầu năm 1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác của Đảng bị bắt. Tuy nhiên, những chủ trương và quyết định đúng đắn do Hội nghị Trung ương 6 vạch ra tiếp tục được các Hội nghị Trung ương tiếp theo kế thừa, phát triển, đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.


Bốn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và nhân dân; toàn bộ cuộc đời Đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản.


Đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng. Từ lúc bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến lúc hy sinh, bằng niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường, xác định rõ lẽ sống ở đời và làm người, Nguyễn Văn Cừ đã miệt mài học tập, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, từng bước trang bị cho mình những hiểu biết về lý luận chính trị, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đồng chí không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, luôn biết kết hợp giữa thực tiễn sinh động với lý luận khoa học, giải quyết đúng đắn những vấn đề cơ bản mà cách mạng đặt ra, nhất là trong những hoàn cảnh gay go, phức tạp. Trong cao trào vận động dân chủ (1936 - 1939), Đảng ta đã vượt qua biết bao trở lực và khó khăn, tạo nên một cao trào cách mạng sôi nổi, cuốn hút hàng triệu quần chúng tham gia. Thành công đó có cống hiến trí tuệ, sức lực to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.


Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương sáng về sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Bất kỳ ở đâu, giữa những người công nhân, phu mỏ hay bà con nông dân tận miệt vườn Nam Bộ, khi đi "vô sản hoá", khi mới chỉ là đảng viên, hay khi đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng, Đồng chí luôn hoà mình với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng. Đồng chí luôn giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật của Đảng; tìm mọi cách bảo vệ Đảng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; dùng tự phê bình và phê bình để làm trong sạch Đảng, bảo đảm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, bằng uy tín đạo đức, trí tuệ giữ được vai trò tiên phong; cán bộ, đảng viên không ngừng hoàn thiện về nhân cách, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.


Trong 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, tra tấn rất dã man, tàn bạo, nhưng Đồng chí luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất. Khi bị giải ra pháp trường, trước họng súng kẻ thù, Đồng chí vẫn hiên ngang tỏ rõ khí phách của người cộng sản. Những khẩu hiệu cách mạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình hô vang trước lúc bị giặc Pháp xử bắn vào rạng sáng ngày 28-8-1941, còn vang vọng mãi đến hôm nay, thúc giục, động viên chúng ta vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam!


Thưa các vị đại biểu và các đồng chí,


Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ đúng vào dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các nghị quyết gần đây của Trung ương nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Cương lĩnh chính trị được thông qua tại Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết hài hoà các vấn đề xã hội, môi trường; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.


Nhận thức rõ vai trò quyết định của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và công tác xây dựng Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay . Nghị quyết tập trung vào ba nội dung chính : Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Nghị quyết đã chỉ ra bốn nhóm giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp cả "chống và xây", "xây và chống". Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là phải thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.


Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần quan điểm tự phê bình và phê bình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Trong tác phẩm Tự chỉ trích , đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, "công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng... vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ của Đảng"; không giấu giếm khuyết điểm; cũng không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng phá hoại... Những tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.


Thưa các vị đại biểu và các đồng chí,


Học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên hết, trước hết, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.


Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng ta đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
Xin chúc các vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí và các bạn sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.


Xin trân trọng cảm ơn.



TTXVN/Tin Tức