02:10 10/02/2011

Đồng bào Rục giữa đại ngàn Trường Sơn

Những ngày này, không khí Tết cổ truyền vẫn còn lan tỏa trên khắp mọi miền quê ở tỉnh Quảng Bình nhưng chắc chắn không đâu hương vị còn nồng đượm như ở vùng đất xã Thượng Hóa, huyện Minh Hoá-nơi có đồng bào Rục sinh sống.

Những ngày này, không khí Tết cổ truyền vẫn còn lan tỏa trên khắp mọi miền quê ở tỉnh Quảng Bình nhưng chắc chắn không đâu hương vị còn nồng đượm như ở vùng đất xã Thượng Hóa, huyện Minh Hoá-nơi có đồng bào Rục sinh sống.

Ngày 9/2/2011 là ngày mà bây giờ và mai sau bà con đồng bào Rục sẽ vẫn coi là một trong những ngày trọng đại nhất của mình - đó là ngày đầu tiên xuống giống trồng cây lúa nước. Hơn 160 hộ, với trên 700 nhân khẩu người Rục ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ đều hân hoan trong thời khắc trọng đại, gieo giống sản xuất làm chủ đời mình.

Vụ lúa nước đầu tiên

Hôm qua thực sự là một ngày hội lớn ở Thượng Hóa khi hàng trăm người Rục từ rất sớm đã đến bên cánh đồng Rục Làn, ngay trước Đồn Biên phòng Cà Xèng, để làm lễ xuống giống cho vụ mùa lúa nước đầu tiên của cuộc đời mình. Từ sáng sớm tiếng chiêng, tiếng trống đã vang lên làm rộn rã cả một vùng đất của đại ngàn Trường Sơn.

Thiếu tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Cà Xèng sáng qua thật tất bật. Theo anh Bình, “vạn sự khởi đầu nan” nên cán bộ, chiến sỹ của Đồn biên phòng phải điều hành, hướng dẫn và truyền nghề cho bà con thật khéo, sao cho “đầu xuôi đuôi lọt”.


Với người đã quen với cây lúa nước thì khác, chứ đồng bào Rục mới tiếp cận lần đầu nên sẽ rất khó khăn trong việc truyền nghề. “Với truyền thống đã ra quân là chiến thắng nên chuyện cây lúa nước cho đồng bào Rục cũng phải vậy”, thiếu tá Bình cười nói, ánh mắt không giấu được niềm vui ngập tràn.

Bà con người Rục và bộ đội biên phòng làm đất chuẩn bị vụ đông xuân.


Những bước chân của đồng bào Rục dường như rụt rè hơn khi chạm vào những thửa ruộng đã được cày bừa kỹ, còn ngân ngấn nước. Những hạt giống vừa khẽ nảy mầm được chuyển đến bên các chân ruộng cũng như đang nín thở cùng bà con, chờ đợi cái thời khắc lịch sử quan trọng nhất của vùng đất này…


Và khi thiếu tá Phạm Bá Tuyên, nguyên Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Xèng, bước chân xuống ruộng làm mẫu cho bà con cách gieo hạt, thì không khí như chợt vỡ oà ra bởi ai cũng muốn chen chân đến gần hơn để được nhìn, được học hỏi.

Chị Hồ Cưu đang bế con nhỏ cũng cố chen vào để nhìn rõ hơn. Chị cho biết: “Ngâm ủ giống, làm đất mình được dạy rồi nhưng xuống giống thì chưa nên phải cố học để không những làm tốt vụ này mà còn các vụ sau”. Khi những động tác làm mẫu, truyền nghề cho bà con xong, cũng là lúc bà con được đưa về các chân ruộng để cán bộ, chiến sỹ biên phòng “cầm tay chỉ việc”, giúp đồng bào thuần thục hơn trong công việc.

Hôm qua, cánh đồng Rục Làn là một bức tranh đẹp nhất khi sắc áo của đồng bào Rục hòa với những tấm áo xanh của cán bộ chiến sỹ biên phòng Đồn Cà Xèng. Có ai đó trong số những người Rục đang đứng chen chân ở đầu bờ trên cánh đồng Rục Làn thầm thì khẳng định: Tình quân dân ở đây là thế!

Một cuộc hành trình dài

Cánh đồng Rục Làn có diện tích hơn 8 ha do Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình là chủ đầu tư với tổng vốn trên 5,2 tỷ đồng. Cánh đồng giờ đã quy củ với bờ vùng, bờ thửa, hệ thống thủy lợi đầu tư đầy đủ, giúp bà con đồng bào Rục sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa.

Trước đây, vùng đất này là cồn bãi nhấp nhô, cây dại mọc um tùm nên để khai hoang, cải tạo thành cánh đồng lúa nước là cả một quá trình công phu. Trong khi khai hoang, các đơn vị thi công đã mất rất nhiều công sức bóc lớp bề mặt nhiều chất mùn, phù sa để giữ lại. Sau khi lớp đất phía dưới được xúc đi làm đập, làm bờ vùng bờ thửa thì số đất phía trên lại được hoàn thổ nên cách đồng Rục Làn không vì thế mà mất đi độ màu mỡ của đất.

Bây giờ, cánh đồng Rục Làn đã bằng phẳng, chủ động lấy được nước từ suối nguồn Rục Làn chảy quanh năm nên đảm bảo về mặt thủy lợi. Thiếu tá Trịnh Thanh Bình không giấu được niềm tự hào tâm sự: Đồng bào Rục ở đây rất khó khăn với gần 100% hộ nghèo, chủ yếu sống nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước nên chuyện đưa được cây lúa nước đến với đồng bào được xem là một dấu mốc quan trọng làm đổi thay một bước trong hành trình đi lên của đồng bào.

Còn với già làng Cao Man ở bản Yên Hợp thì dấu mốc đó là thần kỳ, là bước ngoặt quan trọng trên hành trình đi lên của đồng bào Rục. Già làng không kìm nén được cảm xúc đã thốt lên: Ơn này của Đảng và Chính phủ, người Rục mình không thể nào quên được và càng sâu sắc hơn tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cà Xèng, những con người trực tiếp đưa cây lúa nước đến với đồng bào mình. Nhờ có Đảng, Chính phủ người Rục mới có ngày hôm nay…

Trong sự hân hoan và hứng khởi của ngày đầu gieo hạt này, chúng tôi nghe đồng vọng giữa đại ngàn Trường Sơn một sự vươn mình mạnh mẽ của những con người nơi đây.


Và trong sự chuyển mình ấy, lời thủ thỉ của già làng Cao Man vẫn luôn đồng vọng về sự khắc cốt ghi tâm ơn Đảng, Chính phủ và những con người đã giúp người Rục mình đến với bến bờ hạnh phúc hôm nay. 

Mạnh Thành