06:21 28/06/2015

Đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu vẫn ưu việt

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; nhưng nhiều ý kiến chuyên gia vẫn cho rằng, việc đóng BHXH hưởng lương hưu khi về già có nhiều ưu việt.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; nhưng nhiều ý kiến chuyên gia vẫn cho rằng, việc đóng BHXH hưởng lương hưu khi về già có nhiều ưu việt.

Lắng nghe người lao động

Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng: Người lao động tại các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh rất quan tâm đến Điều 60 Luật BHXH 2014 do khu vực này có nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động may mặc và giầy da... Thực tế khảo sát tại các đơn vị này cho thấy, không có lao động lớn tuổi. Bên cạnh đó, vì lý do sức khỏe nên người lao động làm trong ngành những nghề này thường chỉ làm tới 35 - 40 tuổi là nghỉ, nên họ cần một số tiền để trang trải cuộc sống hoặc có vốn về quê buôn bán. Nhà nước đã lắng nghe người lao động và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết để cho người lao động được quyền lựa chọn hưởng lương hưu hay hưởng một lần. Bản chất Điều 60 của Luật BHXH là đảm bảo cho mọi người lao động có lương hưu khi về già và rất nhân văn.

Công nhân lao động tại KCN Tân Thành (Bình Phước).



Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, do mức lương chưa đảm bảo được cuộc sống của người lao động, họ phải làm thêm và không có tích lũy. Do đó, để người lao động được quyền lựa chọn BHXH một lần hoặc tiếp tục đóng để hưởng lương hưu là cần thiết, vì xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Về lâu dài, Nhà nước cũng nên sửa đổi theo hướng giảm mức chênh lệch hưởng lương hưu giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, vì theo cách tính hiện nay, người lao động ở khu vực tư nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, không thể sống được bằng lương hưu.

Còn chị Đông Anh, công nhân công ty PouYue Việt Nam (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Việc sửa Điều 60 Luật BHXH 2014 là vì quyền lợi của công nhân. Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau như khó khăn của gia đình, công việc... nên không phải công nhân nào cũng gắn bó với doanh nghiệp đến khi nghỉ hưu. Người lao động nghỉ việc có thể lĩnh tiền BHXH một lần và dùng số tiền đó về quê làm vốn buôn bán, vừa đảm bảo cho cuộc sống hiện tại và có tiền tích lũy cho tuổi già.

Tăng cường tuyên truyền

Trong khi một bộ phận người lao động muốn lĩnh BHXH một lần thì các chuyên gia lại cho rằng nếu nhìn vào lịch sử quá trình thực hiện an sinh xã hội thì việc lĩnh BHXH một lần có những bất cập. Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) dẫn chứng, trước đây, những lao động về nghỉ theo chế độ 176 hiện rất khó khăn và đều có mong muốn trả lại tiền đã lĩnh một lần để tiếp tục đóng hưởng lương hưu. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn không được giải quyết. Do đó, Luật BHXH 2014 có tính kế thừa, nếu để người lao động rút hưởng BHXH một lần, thì sau này không có lương hưu sẽ là gánh nặng về an sinh xã hội.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: Người lao động được hưởng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; được lương 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: Người lao động được hưởng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; được hưởng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

“Chính sách của Nhà nước không bao giờ bỏ rơi người lao động khi đã tham gia hệ thống BHXH để hưởng lương hưu. Khi đóng BHXH và đủ thời gian hưởng lương hưu thì cũng được hưởng luôn bảo hiểm y tế. Ba yếu tố cần thiết nhất của tuổi già gồm: Có thu nhập, khi ốm đau có bảo hiểm y tế và được kính trọng. Do đó, nếu lĩnh BHXH một lần thì sẽ mất luôn hai yếu tố là lương hưu và bảo hiểm y tế”, bà Nguyễn Lan Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, Điều 60 Luật BHXH 2014 thể hiện tính nhân văn nhưng việc tổ chức tuyên truyền còn chưa kịp thời. Người lao động nếu không làm việc tại doanh nghiệp thì có thể tham gia BHXH tự nguyện với các hình thức linh hoạt khi đóng. Trong Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, giao Chính phủ tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động; thực hiện chính sách BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, các cơ quan chức năng, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động lựa chọn tiếp tục đóng BHXH để có lương hưu khi về già.

Bên cạnh việc tuyên truyền, các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở cần tạo điều kiện học nghề, tìm kiếm việc làm để người lao động có thu nhập và từ đó mới tiếp tục tham gia đóng BHXH. Nhà nước cũng luôn cam kết mức lương hưu được cải thiện và có tính cả yếu tố trượt giá để bảo đảm mức sống cho người lao động khi về hưu.


Xuân Cường - Đan Phương