09:23 03/09/2012

Đồng bào các dân tộc ăn Tết Độc lập

Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Mông lần đầu tiên đã được tổ chức tại huyện Than Uyên (Lai Châu) trong hai ngày 1-2/9. Với chủ đề “Người Mông ơn Đảng”, ngày hội đã có nhiều hoạt động phong phú như triển lãm ảnh, thi đấu các môn thể thao, các trò chơi dân gian

*Lai Châu: Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Mông lần đầu tiên đã được tổ chức tại huyện Than Uyên (Lai Châu) trong hai ngày 1-2/9. Với chủ đề “Người Mông ơn Đảng”, ngày hội đã có nhiều hoạt động phong phú như triển lãm ảnh, thi đấu các môn thể thao, các trò chơi dân gian, liên hoan nghệ thuật quần chúng, biểu diễn trang phục dân tộc… thu hút đông đảo người dân đến xem, giao lưu và thưởng thức.


 

Các cô gái dân tộc Mông ở Sơn La rực rỡ áo váy mới đi đón Tết Độc lập. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

 

Có mặt trong ngày Tết Độc lập của người Mông, chúng tôi như được đắm mình trong không khí náo nhiệt của nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cổ truyền đặc sắc. Nhiều trục đường trung tâm thị trấn đỏ rực cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu… Hàng chục nghìn đồng bào dân tộc trong trang phục bản địa độc đáo, với nét mặt vui tươi, rạng rỡ, cùng hội tụ về đây, chật kín các con đường. Dưới bóng cây, trên vỉa hè, những tốp nam thanh nữ tú, váy áo truyền thống sặc sỡ đứng túm ba tụm năm đùa nhau, nói chuyện không ngớt lời. “Hôm nay, em cùng bạn gái đến để xem văn nghệ, ở đây còn có nhiều trò chơi nữa” - anh Mùa A Dinh, dân tộc Mông, đến từ xã Tà Gia, chia sẻ. Đến từ xã vùng cao Pha Mu, chị Tòng Thị Ga, dân tộc Mông, rất thích thú khi thấy nhiều hoạt động văn hóa của dân tộc mình, mà trước đây ít dịp được tham gia. Chị tâm sự: “Ở đây được nghe hát, được xem biểu diễn văn nghệ, mình rất thích. Có nhiều hoạt động thể thao nữa, thật là vui”.


Không chỉ là ngày vui riêng của đồng bào dân tộc Mông, rất nhiều người từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng kéo về dự lễ hội. Vượt quãng đường dài gần 150 km để chung vui cùng ngày hội, anh Đèo Tính Chung, huyện Phong Thổ, cho biết: “Bà con họ hàng của tôi ở đây nói dịp Quốc khánh năm nay có ngày hội người Mông rất lớn, nên tôi đến xem. Tôi rất thích những trò chơi dân gian, vì bây giờ không phải lúc nào cũng có cơ hội được thấy”.


Sân vận động huyện là nơi diễn ra những trận thi đấu thể thao và trò chơi dân gian. Các vận động viên chính là đồng bào dân tộc Mông ở các xã, đã mang đến ngày hội một tinh thần thượng võ, hết mình. Những người Mông giỏi nhất trong các bản xa, gần cùng nhau hội tụ về đây để được thi tài cao thấp. Trên bãi bắn nỏ, những xạ thủ không chuyên chăm chú, ngắm cho mũi tên bắn trúng hồng tâm. Nhiều xạ thủ tuổi ngoài 40, 50 với kinh nghiệm “gừng càng già càng cay”, khiến giới thanh niên tham gia thi đấu cũng phải nể phục. Đẩy gậy là một trong những môn thể thao được người xem cổ vũ nhiệt tình. Khán giả vòng trong, vòng ngoài reo hò thích thú. Ngoài ra, rất nhiều trò chơi dân gian như múa khèn, đánh tù lu, giã bánh dày, ném pao, thi kéo co, chơi cù, đi cà kheo, leo cột mỡ, cầu thăng bằng... tập trung đông bà con đến xem. Đặc biệt, khu triển lãm ảnh, khu trưng bày vật dụng sinh hoạt, khu không gian ẩm thực - nơi giới thiệu các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông, thu hút số lượng lớn người tham quan. Tất cả mọi người như được sống trong không gian văn hóa truyền thống từ ngàn xưa.


Là người sống lâu năm ở thị trấn, bác Công Duân tâm sự: “Lâu rồi mới có một ngày hội đông vui như thế này, tôi thấy việc tổ chức vô cùng ý nghĩa, góp phần gìn giữ được nét độc đáo, riêng có của dân tộc Mông. Tôi mong rằng hoạt động này sẽ diễn ra thường niên để mọi người, nhất là bà con dân tộc thiểu số mãi giữ được Tết Độc lập truyền thống này”.


Đánh giá về thành công của ngày hội, ông Phan Bá Quyết, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, Trưởng Ban tổ chức ngày hội phấn khởi nói: “Đây thực sự là ngày Tết chung của anh em các dân tộc, chứ không còn riêng dân tộc Mông. Qua lễ hội đã tạo ra một sân chơi truyền thống thực sự, góp phần tăng cường tình đoàn kết đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tham gia tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa thôn, bản”.


Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Mông không chỉ mang đến những nét đặc sắc văn hóa bản địa độc đáo, các môn thể thao truyền thống riêng có của người Mông vùng Tây Bắc hùng vĩ, đây còn là dịp ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, anh dũng qua các thời kỳ kháng chiến của anh em các dân tộc Lai Châu. Từ những hoạt động trên, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Mông sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy và tôn vinh, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó keo sơn các dân tộc, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước.


*Sơn La: Sáng 1/9, tại huyện Mộc Châu (Sơn La), UBND huyện Mộc Châu đã tổ chức Ngày hội Tết Độc lập, nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962-5/9/2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977-18/7/2012).


Sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc các dân tộc tỉnh Sơn La đã được tổ chức như: Các tour du lịch đến các điểm tham quan quần thể Kỳ đài Bác Hồ về thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, Văn bia Tây Tiến, hang Dơi, thác Dải Yếm… Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: Hội thi giã bánh dày, thi nấu cơm, tung còn, đi cà kheo, vật gậy, ném pao, trò chơi rồng ấp trứng… Các hoạt động này đã phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.


Huyện Mộc Châu cũng tổ chức các hoạt động như Đêm hội Tết Độc Lập và bắn pháo hoa tầm thấp, các hoạt động tham quan, du lịch, giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào tại cửa khẩu Lóng Sập.


*Hòa Bình: Những ngày qua, khắp bốn vùng Mường của tỉnh Hòa Bình (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động), người dân địa phương đã nô nức đón Tết Độc lập 2/9, cái Tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán.


Tại Mường Vang (huyện Lạc Sơn), vùng đất chiến khu Mường Khói năm xưa, đường làng, ngõ xóm đến mọi gia đình đều treo cờ Tổ quốc. Bà con trong xóm tạm gác công việc làm mùa, dành thời gian nghỉ ngơi để mừng ngày Tết Độc lập. Các mế, thanh niên nam nữ và trẻ em mặc những bộ quần áo mới nhất ra đường, đến nhà nhau thăm hỏi và ăn Tết. Đàn ông làm thịt lợn, thịt gà, phụ nữ gói bánh uôi, đồ xôi, nhà nhà sắp mâm cơm cùng bánh trái, hoa quả bày lên bàn thờ tổ tiên, cầu xin phù hộ cho con, cháu có sức khỏe, gia đình được hạnh phúc, làng xã được ấm no, quê hương, đất nước luôn được yên bình, giàu mạnh.


Ngày 2/9, từ sáng sớm, người dân các xã đã rộn ràng tham gia thi đánh mảng, bóng đá, cầu lông, bóng bàn... Tại các gia đình, mọi người sum vầy, cùng nhau uống chung vò rượu cần, thưởng thức mùi vị thơm ngon của các loại bánh. Cùng với các món ăn chính, bánh cũng hết sức quan trọng và không thể thiếu trong mâm cỗ của ngày Tết độc lập. Bà con người Mường có rất nhiều loại bánh truyền thống, tuy nhiên trong dịp lễ này, người Mường Vang thường làm loại bánh uôi. Để làm bánh, các gia đình đều phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước. Lá bương lấy từ rừng về được phơi khô, gạo nếp phải xay kỹ để làm bánh. Khi đã có hỗn hợp bột, người ta đem nặn thành từng chiếc bánh nhỏ, rắc lạc, vừng lên trên và được quấn lại bằng lá bương. Bánh uôi được gia chủ dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Sau khi đã chế biến đủ các món ăn truyền thống bắt buộc, trước khi dọn tiệc đãi khách thì gia chủ phải làm lễ dâng cúng tổ tiên. Báo cáo với tổ tiên hôm nay là ngày được gia đình chọn và tổ chức lễ mừng Tết Độc lập của đất nước.


Bữa cơm lễ mừng ngày Độc lập của người Mường có sự sum vầy của anh em, con cháu trong gia đình và hàng xóm trong Mường, trong bản. Mọi người cùng nhau chuyện trò, nhấm nháp hương vị của rượu cần và những món ăn đã có mặt trong đời sống ẩm thực của cư dân xứ Mường từ bao đời truyền lại. Trải qua thời gian, nét văn hóa đẹp này được người Mường ở Lạc Sơn nói riêng và ở đất Mường Hòa Bình nói chung được gìn giữ. Đây cũng là cách người Mường dạy cho con cháu mình đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

 

Nhóm PV