04:15 14/04/2017

Đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải hạch toán như doanh nghiệp

Đề cập đến khía cạnh đổi mới cơ chế quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nhà nước sẽ không đầu tư kinh phí theo kiểu cào bằng như trước đây. Các đơn vị phải tự chủ hạch toán kinh phí như một doanh nghiệp.

Ngày 14/4, cuộc họp về việc triển khai xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã diễn ra tại Trụ sở Chính phủ. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ trì cuộc họp. Cùng dự họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, để việc triển khai Đề án đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng và địa phương cần có sự nghiên cứu, khảo sát thực tế thật kỹ lưỡng. Nêu rõ công tác quản lý nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công lập đang có rất nhiều điểm không hợp lý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có giải pháp đột phá mới có thể giải quyết được những bất cập của thực tế. Ban Chỉ đạo cần tập trung xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp với Chính phủ và đề xuất những khó khăn, vướng mắc cần Trung ương hỗ trợ; biểu dương và nhân rộng những địa phương, đơn vị có cách làm hay, mô hình tốt.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tinh giản biên chế là một mục tiêu quan trọng trong cải cách bộ máy hành chính và là cơ sở để tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Để thực hiện tốt công việc này, các bộ, ngành cần phối hợp với địa phương lập kế hoạch chi tiết, khảo sát thực tế từng ngành, lĩnh vực, giảm bớt đầu mối các đơn vị để công tác tinh giản biên chế được thành công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nội vụ là đầu mối xây dựng Đề án với chất lượng tốt nhất nhằm mục tiêu tái cơ cấu đồng bộ nền kinh tế của đất nước, tạo tiền đề tái cơ cấu chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách đối với người có công. Muộn nhất đến tháng 8/2017, Đề án phải hoàn thành để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Đề cập đến khía cạnh đổi mới cơ chế quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nhà nước sẽ không đầu tư kinh phí theo kiểu cào bằng như trước đây. Tổng kinh phí không bị cắt giảm nhưng các đơn vị phải tự chủ hạch toán kinh phí như một doanh nghiệp và có trách nhiệm giải trình, được nhà nước và nhân dân giám sát.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ: một trường Đại học, theo quy định mỗi năm được cấp kinh phí 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm ở mỗi trường nhiều hay ít lại không được tính tới. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chất lượng biên chế hiện nay ở nước ta không đạt hiệu quả so với mong muốn của nhân dân, nhất là giáo dục đại học, cần phải đổi mới cơ chế để có thể hoạt động tốt.

Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở được Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và chất lượng cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ chất lượng các dịch vụ công ở mức độ ngày càng cao; tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị sự nghiệp công lập với ngoài công lập.

Bên cạnh đó, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công.

Thảo luận tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, nội dung về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có phạm vi rộng, thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đối tượng khác nhau. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cần có chuyên đề riêng của từng lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực chưa được Chính phủ ban hành các Nghị định về đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, như: giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế; thông tin truyền thông; văn hóa thể thao và du lịch…

Đồng thời, cần nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị; tạo sự đồng thuận của nhân dân về chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công.

Đỗ Bình (TTXVN)