08:09 18/08/2011

Đón nhận hàng Việt vẫn khó

Qua hai năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (8/2009 - 8/2011), nhiều thương hiệu hàng Việt đã chiếm thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị và ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Qua hai năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (8/2009 - 8/2011), nhiều thương hiệu hàng Việt đã chiếm thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị và ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thương hiệu Việt vẫn chưa đa dạng nên người tiêu dùng vẫn khó lựa chọn khi muốn dùng hàng Việt.

Người Việt đã thích hàng Việt

Thương hiệu Việt chưa đa dạng, chỉ mới dừng ở phân khúc bình dân nên khó lựa chọn cho người tiêu dùng.


Dạo quanh các trung tâm thương mại, siêu thị, hầu hết người tiêu dùng khi mua sắm đều quan tâm đến hàng Việt Nam. Chị Minh Thư – (ngụ tại Q3, TP.HCM) đang mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (Q3) cho biết: “Cứ mỗi lần đi siêu thị, nhà tôi chỉ chọn mua hàng Việt. Một phần là tôn vinh hàng của ta, ủng hộ nhà sản xuất trong nước mà mặt khác, hàng Việt đã có nhiều cải tiến về chất lượng và mẫu mã. Cụ thể như các mặt hàng bếp, xoong nồi, chảo, dao, muỗng... của Việt Nam sản xuất hiện nay không thua kém gì về mẫu mã, bao bì và chất lượng so với hàng ngoại, giá cả lại phải chăng...”.

Theo ông Lê Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mở ra “cơ hội vàng” để doanh nghiệp trong nước khẳng định vai trò, năng lực sản xuất, tạo uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Nhờ vậy, người tiêu dùng đã có nhiều thông tin hơn về khả năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Theo đó, trong 2 năm qua, người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực trong hành vi mua sắm, có sự nhận định so sánh về giá cả, chất lượng giữa hàng nội và hàng ngoại trước khi chọn mua hàng, và khuynh hướng chọn dùng hàng sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại ngày càng gia tăng. Minh chứng cho thấy, hàng Việt ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong các siêu thị.

Bà Bùi Hạnh Thu – Phó TGĐ Saigon Co.op cho biết: Hiện nay, hàng Việt trong hệ thống siêu thị Co.op Mart chiếm 90% lượng hàng bày bán trong siêu thị. Riêng mặt hàng thực phẩm thiết yếu, hàng Việt chiếm đến 96%. Tuy nhiên để vận động người dân quan tâm đến hàng Việt thường xuyên, hệ thống siêu thị Co.op Mart luôn có nhiều chương trình giảm giá trong năm. Cụ thể, từ ngày 1 – 30/9 tới đây, hệ thống siêu thị Co.op Mart sẽ thực hiện chương trình “Tự hào hàng Việt” tại 50 siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc để kích cầu mua sắm hàng Việt, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt với chất lượng và giá cả phải chăng. Tương tự, hệ thống siêu thị Big C tại TP.HCM thực hiện 4 chương trình khuyến mãi, trong đó điểm nhấn là chương trình “Tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao”. Các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Metro, Vinatex Mart cũng khẳng định, hàng Việt đang chiếm từ 90 – 95% trong số hàng hóa bày bán ở siêu thị của mình.

Thương hiệu chưa đủ mạnh

Mặc dù hàng Việt bày bán tại các siêu thị chiếm số lượng nhiều, song mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ở phân khúc bình dân, còn ngành hàng đòi hỏi công nghệ tốt, chất lượng cao thì thương hiệu Việt hầu như vắng bóng, hoặc chỉ đáp ứng ở mức thấp. Hiện chỉ có vài thương hiệu Việt được nhiều người tiêu dùng biết đến và tín nhiệm như: May Việt Tiến và Nhà Bè; giày dép Biti’s và Vina giày; bánh kẹo Kinh Đô và Bibica; gốm sứ Minh Long; Vinacafé Biên Hòa và cà phê Trung Nguyên; sữa Vinamilk; đường Biên Hòa; thực phẩm chế biến Vissan... Chính vì thế, người tiêu dùng rất khó lựa chọn khi muốn mua hàng Việt.

Chị Minh Hằng (ngụ tại quận 9) cho biết: “Nhiều lần đi siêu thị Maximark, dự định mua một bộ chén bát cao cấp cho gia đình. Thế nhưng, chọn mãi vẫn không thấy hàng Việt nào ưng ý. Trong khi đó, mẫu mã đẹp và bắt mắt thì phần lớn lại hàng Trung Quốc. Rất may, tôi tìm thấy bộ chén Minh Long được xếp ở một góc hàng khiêm tốn, nhưng thật tiếc lại không đủ một bộ bàn ăn. Cuối cùng, đành chọn hàng của Mỹ và Italia cho đảm bảo chất lượng”.

Không chỉ các mặt hàng gốm sứ, mà ngay cả mặt hàng thủy tinh, nhựa, nhôm, inox, hàng mỹ phẩm, sữa và các chế phẩm từ sữa... cũng là những ngành hàng có nhiều sân chơi, thế nhưng các thương hiệu trong nước lại đang bị lép vế, “nhường” phân khúc cao cấp cho hàng ngoại. Đối với ngành hóa mỹ phẩm, Việt Nam dù có Hiệp hội hóa mỹ phẩm với hơn 100 hội viên, nhưng hầu hết các sản phẩm đều nằm ở nhóm hàng bình dân và chiếm thị phần nhỏ. Chính vì vậy, những hệ thống siêu thị tập trung hàng cao cấp như Marximark, Favimart, Lotte... sẽ khó có sự lựa chọn cho hàng Việt. Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng phải thốt lên: “Nếu bỏ hết hàng ngoại ra ngoài, chắc nhiều siêu thị không còn gì để bán….”.

Các mặt hàng chuyên về công nghệ, kỹ thuật số mang thương hiệu Việt cũng nằm chung số phận. Ông Nguyễn Minh Thư - PGĐ Công ty TNHH Thiên Nam Hòa thừa nhận: Trong ngành hàng điện máy - kỹ thuật số, rất ít thương hiệu Việt Nam có thể tự khẳng định mình. Hiện tại, trong cơ cấu hàng hóa bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị chỉ có vài thương hiệu Việt như: VTB, Tiến Đạt..., còn lại đều là hàng của các tập đoàn nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam (thương hiệu ngoại) hoặc hàng nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài...

Tuy nhiên, ông Lê Văn Khoa cho rằng, do hàng Việt tham gia thị trường chưa lâu, kinh nghiệm về công nghệ, mẫu mã, nắm bắt nhu cầu thị trường... còn giới hạn, trong khi phải cạnh tranh gắt gao với hàng ngoại nên hiện tại hàng Việt chưa thể lấn sân ở phân khúc cao cấp. Nhưng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn tiếp tục kéo dài, do đó không bao lâu hàng Việt sẽ dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, từ phân khúc bình dân đến phân khúc cao cấp.

Bài và ảnh: Hải Yên