06:06 06/06/2014

Đón làn sóng đầu tư nước ngoài chất lượng cao hơn - Bài cuối: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã trao đổi về những điểm hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

GS.TSKH. Nguyễn Mại (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã trao đổi về những điểm hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam

 

 

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta?


Môi trường đầu tư của Việt Nam mặc dù còn nhiều khiếm khuyết như thủ tục hành chính rườm rà, luật pháp chưa ổn định, minh bạch, thái độ của đội ngũ công chức nhà nước còn sách nhiễu… Tuy nhiên, những lợi thế của môi trường đầu tư hầu như không thay đổi sau những sự vụ vừa xảy ra.


Thứ nhất, về ổn định chính trị, so với các nước trong khu vực, đây là lợi thế lớn nhất, lợi thế tuyệt đối của Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng coi đây là lợi thế rất quan trọng. Thứ hai, về thị trường, dù tăng trưởng kinh tế mấy năm gần đây có chậm lại nhưng vẫn thuộc loại cao của khu vực. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ là thị trường 100 triệu dân, với mức thu nhập khoảng 3.500 - 4.000 USD/năm. Người dân có xu hướng tiêu dùng phóng khoáng, dám chi nhiều tiền để mua sắm. Do đó, đây là thị trường rất nhiều tiềm năng. Thứ ba, môi trường đầu tư ở Việt Nam rất an toàn, không có chuyện khủng bố hay gây rối như các nước khác trong khu vực. Chúng ta nên tự hào về những ưu thế đó. Thứ tư, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn và bằng mọi cách đang làm cho môi trường đầu tư ngày càng tốt lên.


Trong hai năm 2013 - 2014 là thời gian thay đổi môi trường đầu tư rõ rệt nhất, chất lượng nhất ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà tập đoàn Samsung chọn Việt Nam để trở thành địa bàn sản xuất điện thoại di động lớn nhất của họ trên thế giới. Họ có 8 nhà máy khắp thế giới sản xuất 400 triệu điện thoại di động/năm thì 200 triệu máy được sản xuất ở Việt Nam mà đó lại là những điện thoại cao cấp. Năm ngoái, Samsung xuất khẩu 23 tỷ USD, giá trị gia tăng là 7,5 tỷ USD, năm nay xuất khẩu khoảng 33 tỷ đô la, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, gấp 1,3 lần tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may.


Tôi đã gặp lãnh đạo của Samsung nhiều lần, họ có cách nhìn nhận, đánh giá rất tốt về lao động Việt Nam. Trong số 43.500 lao động của Samsung ở Bắc Ninh, từ 2007 đến nay chỉ có vài ba công nhân bị đuổi, chứng tỏ công nhân rất tuân thủ kỉ luật lao động và có chất lượng cao. Tập đoàn Intel khi mới vào TP Hồ Chí Minh năm 2006 cũng rất lo lắng tìm kiếm các vị trí quản lý là người Việt nhưng chỉ sau 5 - 6 tháng là người Việt đều làm được những công việc theo yêu cầu. Như vậy lao động Việt Nam không chỉ giá rẻ mà còn có kĩ thuật. Có thể khẳng định lợi thế của lao động Việt Nam không thể coi nhẹ.

 

Những vụ việc đáng tiếc xảy ra ở một số địa phương vừa qua sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, trước mắt cũng như lâu dài, thưa ông?


Cần có đánh giá nghiêm túc về nguyên nhân xảy ra sự việc. Theo đó, có ba lí do cơ bản: Thứ nhất, nếu không có chuyện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa Việt Nam, động chạm tới lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, trong đó có những người lao động ở các khu công nghiệp thì không xảy ra chuyện bạo loạn đó. Đây là nguyên nhân sâu xa.


Thứ hai, nguyên nhân trực tiếp, do những người lao động Việt Nam dù yêu nước nhưng không có trình độ giác ngộ về pháp luật. Họ biểu tình tự phát, không qua tổ chức. Trách nhiệm ở đây một phần thuộc về hệ thống công đoàn. Đó cũng là bài học đắt giá về việc giáo dục luật pháp cho người lao động.


Thứ ba, khi hội nhập kinh tế phải hết sức cảnh giác với các thế lực phản động ở ngoài nước. Nếu không có sự kích động của chúng thì không có bạo loạn. Ở Bình Dương, sự kích động đã được chuẩn bị kỹ với hàng nghìn cờ, gậy gộc và mua chuộc người lao động nhẹ dạ. Một phần là bởi quản lý nhà nước tại các địa phương chưa tốt, chưa đủ cảnh giác.


Thiệt hại về vật chất thì chúng ta có thể khắc phục được, nhưng còn thiệt hại về môi trường đầu tư thì cần phải có đánh giá rất khách quan, khoa học.
Tôi nghĩ trong ngắn hạn, có thể có những ảnh hưởng nhất định từ các đối tác bị thiệt hại, gồm doanh nghiệp (DN) Trung Quốc, Đài Loan, Singapore do người Trung Quốc làm chủ. Họ sẽ phải suy nghĩ có ở lại Việt Nam hay không, những người sắp đầu tư ở Việt Nam thì nghĩ có nên tiếp tục đầu tư hay không. Ảnh hưởng này tùy thuộc vào thái độ và giải pháp của Chính phủ Việt Nam đưa ra, đặc biệt là việc xử lý tình huống của chính quyền địa phương với các nhà đầu tư. Phải nhấn mạnh là phản ứng rất kịp thời của Thủ tướng cũng như các bộ ngành đã giúp các DN hiểu rằng sự việc xảy ra đó là ngoài ý muốn và không phải là chủ trương của Chính phủ.


Tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo sát sao này của nhà nước. Tôi ghi nhận ý kiến của một nhà đầu tư Nhật Bản, dù không chịu tác động của cuộc bạo loạn này nhưng họ cho rằng, cách ứng xử của Chính phủ Việt Nam khác với cách ứng xử của Chính phủ Trung Quốc. Cách đây mấy năm, khi Nhật Bản và Trung Quốc có mâu thuẫn trên biển, các DN Nhật Bản cũng bị người Trung Quốc đập phá rất nhiều nhưng không có ai xin lỗi, đền bù gì cả. Trong khi Chính phủ Việt Nam đã xử lý rất kịp thời. Theo tôi nghĩ, những sự việc vừa qua không có ảnh hưởng dài hạn đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.


Xin cảm ơn ông!


Thu Hường - Hoàng Dương (thực hiện)