04:10 09/04/2011

Đơn Dương hướng đến vùng chuyên canh chăn nuôi bò sữa

Với lợi thế đất đai, khí hậu và nghề truyền thống của nông dân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đang phát triển mạnh đàn bò sữa. Thu nhập từ nuôi bò sữa đã giúp người dân cải thiện đời sống, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên mức khá...

Với lợi thế đất đai, khí hậu và nghề truyền thống của nông dân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đang phát triển mạnh đàn bò sữa. Thu nhập từ nuôi bò sữa đã giúp người dân cải thiện đời sống, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên mức khá, xây dựng được nhà cửa khang trang; trong đó có một số gia đình đạt mức thu nhập cao trên 200 triệu đồng mỗi năm từ nuôi bò sữa.

Những ngày tháng tư này, về huyện Đơn Dương, đi qua các xã Đạ Ròn, Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ, chạy dài bên những con đường trải nhựa là các cánh đồng cỏ voi, cỏ VA06 xanh mướt. Theo ông Trần Trung Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm nông nghiệp huyện Đơn Dương, toàn huyện hiện có 3.000 con bò sữa, trong đó 1.200 con bò của các doanh nghiệp, còn lại là bò sữa của các trang trại do nông dân làm chủ.

Với quy mô nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh, huyện Đơn Dương có 20 hộ gia đình nuôi từ 10 con bò sữa trở lên. Nhờ chất lượng con giống cao và được chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất sữa bình quân của đàn bò trên toàn huyện đạt 20 lít/con/ngày. Điều đáng nói là nông dân đã tự đầu tư mua máy vắt sữa (hiện đã có 50 máy), chủ động đầu tư chuồng trại, phát triển đàn bò.

Ảnh: internet

Ông Nguyễn Cháu, ngụ ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương - người có kinh nghiệm nuôi bò sữa từ hơn 10 năm qua, cho biết, trước đây do giá cả và tổ chức thu mua tiêu thụ - chế biến sữa chưa ổn định nên người nuôi bò sữa rất thiệt thòi. Hiện nay có nhiều đơn vị thu mua đã tạo nên sự “cạnh tranh” giữa các công ty về giá sữa nguyên liệu, nhờ đó mà sữa tăng cao, từ 3.000 đồng/kg sữa (năm 2002) tăng lên 7.000 đồng/kg và hiện nay là 11.800 đồng/kg.

Công ty cổ phần sữa tươi Đà Lạt milk đã tổ chức 5 trạm thu mua sữa cho 265 hộ nông dân trong huyện Đơn Dương với 1,5 tấn sữa/ngày (chiếm 70% sản lượng sữa của nông dân toàn huyện). Trang trại của ông Nguyễn Cháu hiện có 12 con bò sữa, trong đó có 6 con đang cho sữa. Sau khi trừ chi phí điện, cám, cỏ, ông thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trang trại của ông còn có thêm thu nhập từ số bê cái sinh ra mỗi năm.

Đơn Dương đang tập trung thực hiện đề án phát triển đàn bò sữa, phấn đấu đến năm 2015 nâng đàn bò sữa lên 5.000 con, trở thành huyện dẫn đầu về số lượng đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng.

Một vùng chuyên canh chăn nuôi bò sữa ở Tây Nguyên đang hình thành, góp phần tạo sự chuyển biến trong cơ cấu ngành nghề cũng như tạo việc làm cho một lực lợng lớn lao động trên vùng đất cao nguyên mộng mơ này.

Đặng Tuấn