09:17 12/09/2014

Đòn chớp nhoáng của Mỹ

Hãy hình dung mô hình "cú đòn chớp nhoáng" của Mỹ đe dọa Nga như thế nào và Nga sẽ đối phó ra sao.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết để đáp lại kế hoạch của Mỹ phát triển hệ thống "Prompt Global Strike", sử dụng vũ khí thông thường tấn công bất cứ vị trí nào trên thế giới trong vòng vài chục phút, Nga có thể hình thành hệ thống tấn công toàn cầu của mình.

Mô hình tên lửa X-51A Waverider.


Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết trước tiên Nga sẽ phát triển các hệ thống chống lại những vũ khí mới đó vì học thuyết quân sự cơ bản của Nga là phòng vệ. Hãy hình dung mô hình "cú đòn chớp nhoáng" của Mỹ đe dọa Nga như thế nào và Nga sẽ đối phó ra sao.

Mô hình tấn công chớp nhoáng trên toàn cầu của Mỹ gồm 2 thành tố - tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) không trang bị đầu đạn hạt nhân và các thiết bị bay siêu âm. Về ICBM, không có gì mới - đó là các tên lửa liên lục địa thông thường sử dụng đầu đạn phi hạt nhân độ chính xác cao. Ưu tiên của hệ thống là trang bị các hệ thống tên lửa phi hạt nhân lớp Trident trên tàu chiến.

Thành tố thứ 2 là tên lửa có cánh chiến lược tốc độ siêu âm. Hiện Mỹ đang tiến hành thử nghiệm một số nguyên mẫu - cụ thể là tên lửa X-51 Waverider.

Ngoài ra còn có thành tố thứ 3 - vũ khí động học, tuy nhiên điều này vẫn còn trong giả tưởng của phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars). Nguyên tắc hoạt động của vũ khí này là các thanh volfram nóng chảy nặng, dài từ 5-10m, được thả với độ chính xác cao từ quĩ đạo xuống. Theo tính toán của quân đội, thanh volfram dài khoảng 6m, dày 30cm ở tốc độ va đập với vật thể vào khoảng 3500 m/giây tạo ra năng lượng tương đương với sức công phá của 12 tấn TNT.

Prompt Global Strike trước tiên dự kiến được sử dụng nhằm vào các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo di động và cố định, sở chỉ huy và các cơ sở vũ khí hạt nhân khác. Mục tiêu của "cú đòn tức thì" là các bệ phóng tên lửa chiến thuật và phòng không, cản trở không quân yểm trợ hoạt động dưới mặt đất. Ngoài ra nó còn được sử dụng nhằm vào cơ sở hạ tầng của các tổ chức khủng bố.

Mỹ đã trực tiếp nêu tên các nước và mục tiêu của "cú đòn tức thì" trong tương lai. Đó là Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nga không nằm trong danh sách này, tuy nhiên các chuyên gia tin rằng cú đòn của Mỹ có tính tới Nga.

Theo chuyên gia quân sự Nga Victor Murakhovski, nhìn tổng thể Prompt Global Strike vẫn còn nhiều dấu hỏi hơn câu trả lời. Ông bình luận: "Về ICBM, chúng ngay lập tức liên quan tới Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START)... còn về các thiết bị bay siêu âm, đây là triển vọng trong vòng từ 7-10 năm. Thêm nữa khi phóng hàng loạt ICBM, mà không cho biết chúng được trang bị loại đầu đạn gì, nhiều khả năng Mỹ có thể bị Nga và Trung Quốc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân".

Các tên lửa siêu âm phức tạp nay Nga đã có thể đánh chặn, cụ thể hệ thống phòng không mới nhất S-400 có thể đánh chặn các mục tiêu bay với tốc độ 4.500 m/giây. Đánh chặn tên lửa với vận tốc 7.800 m/giây (tính năng kỹ thuật mà tên lửa Mỹ đang nỗ lực đạt được) cho đến chỉ có các hệ thống phòng không chiến lược A-135 và các hệ thống A-235, S-500 trong tương lai của Nga có thể thực hiện.

Theo ông Murakhovski, để đáp lại Nga chỉ còn 2 con đường: phát triển tên lửa siêu âm (công việc hiện đang được tiến hành), cũng như chuyển đổi ICBM sang sử dụng đầu đạn thông thường.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)