08:11 12/08/2011

Đối tượng cận nghèo cũng cần hỗ trợ

“Hộ cận nghèo có thể trở thành hộ nghèo rất nhanh. Vì vậy, cũng cần xem xét để có chính sách hỗ trợ các đối tượng cận nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững”.

“Hộ cận nghèo có thể trở thành hộ nghèo rất nhanh. Vì vậy, cũng cần xem xét để có chính sách hỗ trợ các đối tượng cận nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững”. Đó là quan điểm được ông Đan Đức Hiệp (ảnh) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng, Trưởng ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) Chi nhánh TP Hải Phòng đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên. Ông Đan Đức Hiệp cho biết:

Cùng với việc ban hành Nghị định 78, Chính phủ cũng thành lập VBSP là nhằm mục đích tách cho vay sản xuất, kinh doanh ra khỏi cho vay chính sách nhằm mục tiêu thực hiện tốt hơn công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho bộ mặt nông thôn Hải Phòng thay đổi rõ rệt. Trước đây, việc tiếp cận vốn của đối tượng hộ nghèo hoặc học sinh, sinh viên (HSSV) tại các ngân hàng thương mại thường gặp khó khăn vì các ngân hàng “ngại” cho vay các khoản nhỏ. Nhưng trong 8 năm qua, với sự ra đời của VBSP, việc tiếp cận vốn ngân hàng của các đối tượng chính sách rất thuận lợi.

Xin ông cho biết hiệu quả các chương trình cho vay của VBSP trên địa bàn thành phố như thế nào?

Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Bảo cho vay 300 triệu đồng vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm, cùng các nguồn vốn khác, Công ty cổ phần may An Tuấn ở xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị chuyên gia công hàng may mặc, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 100 lao động, trong đó một nửa là người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Mặc dù phần lớn các khoản cho vay của VBSP có giá trị nhỏ nhưng đối với các hộ nghèo nó lại có ý nghĩa rất lớn. Bởi nguồn vốn này đã giúp các hộ nông dân nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tìm cách thoát nghèo… Bên cạnh đó, VBSP cũng triển khai các chương trình cho vay như: Cho vay nhà ở giúp thành phố thực hiện được chương trình xóa nhà tranh vách đất; cho vay HSSV, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của thành phố. Riêng chương trình cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp 93% hộ dân trên địa bàn thành phố được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện tổng dư nợ của VBSP Chi nhánh TP Hải Phòng vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn không nhỏ góp phần vào quá trình phát triển kinh tế chung của thành phố, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. 5 năm qua, tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp từ 4-4,5%/năm, góp phần đưa tốc độ tăng GDP bình quân của thành phố là 11,15%/năm.

Ông có thể đánh giá vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình phối hợp với VBSP?

Những kết quả mà VBSP Chi nhánh TP Hải Phòng đạt được trước hết là nhờ có mạng lưới rộng với gần 200 điểm giao dịch tại các xã. Bởi cho vay chính sách muốn đến được đúng đối tượng phải gắn chặt với các địa bàn. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên… với ngân hàng là rất quan trọng. Nhờ đó mà ngân hàng cho vay đúng đối tượng, thu hồi nợ đúng hạn, tỷ lệ nợ quá hạn không cao.

Bên cạnh hộ nghèo, Hải Phòng còn rà soát phân loại hộ cận nghèo, cận nghèo 2, cận nghèo 3. Mục đích của việc phân loại này là gì, thưa ông?

Chúng tôi phân loại đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, cận nghèo 2, cận nghèo 3 là để dự báo được tỷ lệ hộ nghèo sẽ thay đổi thế nào trong thời gian tới. Bởi thực tế, giữa ranh giới nghèo và chưa nghèo còn mỏng manh, có hộ từ cận nghèo trở thành hộ nghèo rất nhanh. Vì vậy, cũng cần xem xét để có chính sách hỗ trợ các đối tượng cận nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Và có thể áp dụng mức lãi suất cho vay của đối tượng cận nghèo và nghèo khác nhau…

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi sẽ có ý nghĩa như thế nào với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng, thưa ông?

Hải Phòng đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và chúng tôi cũng xác định đây là một mục tiêu rất quan trọng. Trong chương trình này, các nội dung chủ yếu là tạo cơ sở hạ tầng. Nhưng nếu có cơ sở hạ tầng mà không có nguồn lực thúc đẩy giúp người dân đổi mới cách nghĩ, cách làm thì cũng không đạt hiệu quả cao nhất. Nếu có nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ để không những hạ tầng tốt, mà người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo tốt nữa thì nông thôn mới thực sự thay đổi. Kinh nghiệm từ các dự án chúng tôi hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy cùng với đầu tư các công trình, luôn có một nguồn vốn vay ưu đãi để tạo động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư khai thác giá trị công trình, nâng cao chất lượng sống hoặc mở rộng sản xuất. Đầu tư phải đồng bộ thì mới bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Đức Nghiêm (ghi)