01:09 20/01/2012

Đời thường của những “người lính canh cổng nền kinh tế đất nước”

Có đi Tây Nguyên vào lúc giao mùa mới có thể thấu hiểu phần nào cái tai quái của thời tiết nơi đây. Chợt mưa, chợt nắng là chuyện bình thường. Song, đó cũng chính là mục đích của chuyến “vi hành” đến với một vùng đất biên cương của Tổ quốc...

Có đi Tây Nguyên vào lúc giao mùa mới có thể thấu hiểu phần nào cái tai quái của thời tiết nơi đây. Chợt mưa, chợt nắng là chuyện bình thường. Song, đó cũng chính là mục đích của chuyến “vi hành” đến với một vùng đất biên cương của Tổ quốc: Cửa khẩu Bu Prăng (Đắk Nông) để xem những người lính “canh cổng nền kinh tế đất nước” (cụm từ chỉ những cán bộ, chiến sỹ hải quan) sống và làm việc thế nào trong điều kiện khó (vật chất thiếu thốn) và khổ (nỗi nhớ vợ con, người yêu)... Và vì thế thực sự ai trong chúng tôi cũng háo hức với chuyến đi. Xuân Ba, nhà báo lão thành của báo Tiền Phong háo hức đến nỗi lên sân bay quên cả đổi giày, chỉ đến khi yên vị trên tàu bay mới đắng như ngậm mật công là sẽ phải phơi đôi giày thể thao trắng tinh ở cái mùa nắng, mưa bất thường của Tây Nguyên… Số là sáng sớm thể dục đi bộ, rồi quên và cứ thế “ẵm” đôi giày thể thao lên đường…

Vườn rau thanh niên của chi đoàn Hải quan cửa khẩu Bu Prăng.


Phúc đời, sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nắng lại vàng óng. Thở phào, chúng tôi rời máy bay, không kịp thưởng thức cái nắng đẹp như mật, vốn hiếm hoi khi mùa mưa chưa dứt, để lên đường đến với cửa khẩu Bu Prăng… Nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, vì 150 km từ Buôn Ma Thuột đến Bu Prăng mà cảm giác xa lắc, vì đường gập ghềnh, quanh co qua các cánh rừng thưa tiếng chim kêu. Chốc chốc lại một cơn mưa mịt mù, xối xả đến nỗi chiếc gạt nước trước xe ô tô vận hành hết công suất vẫn không rõ đường… Rồi cuối cùng cũng đến nơi… Mưa cũng vắng dần và thoảng mùi hăng hắc của cây rừng mà có nằm mơ cũng chẳng bao giờ có ở những thành phố ùn tắc giao thông...

Ấn tượng đầu tiên là cán bộ chiến sỹ hải quan “dàn hàng ngang” ra đón chúng tôi. Họ không có việc làm à? Nhà báo Xuân Ba lại cái giọng hài hước tưng tửng thốt lên. Thật thà, nhà báo Thế Lân của báo Nhân Dân giải thích: Ở đây là vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới Campuchia, anh em xa nhà nên có người đến là mừng lắm. Rồi như những người anh em xa nhà, họ (chiến sĩ hải quan) quàng vai chúng tôi và ra “tối hậu thư”: Không được về ngay đâu, phải ở lại với chúng tôi đấy nhé. Lời mời này là thừa, vì có ai định về ngay đâu…

Chiến sĩ hải quan cửa khẩu quốc tế Bu Prăng chăm sóc vườn rau.


Nghĩ là vậy, nhưng chúng tôi thực sự áy náy, vì nhìn quanh chả thấy hàng quán, hay cơ sở ăn uống gì thì ở lại chắc sẽ phiền anh em đây. Cảm nhận thấy một giây im lặng trong chúng tôi, Chánh Văn phòng Chi cục Hải quan cửa khẩu Bu Prăng Đỗ Việt Toàn hiểu ý ngay, cậu ta chỉ vào nhà bếp: “Tụi em nghèo quán xá, nhưng giàu nhà bếp đấy. Gà "đi bộ" (gà ta nuôi tự nhiên), rau “chung sống hòa bình với sâu (rau sạch)” đầy vườn. Mít, sầu riêng chả thiếu...”. Xạo - mình nghĩ thầm, chắc lại vào bắt sống hay đi "vặt" (đi mua) tại nhà dân chứ gì. Cái này hồi sau chắc rõ…

Nhà báo Xuân Ba chờ thời cơ chụp ảnh gà ấp trứng của Hải quan cửa khẩu Bu Prăng.


“Quác, quác! Cục ta cục tác!”. Cái gì ấy nhỉ? Ngó ra sân, nơi có dãy nhà tá túc của cán bộ hải quan, chúng tôi đã thấy 2 chàng hải quan trẻ đang... làm bữa để rồi lên mâm với món gà luộc và canh gà lá giang (một loại lá nấu chua với thịt gà, đặc sản chỉ có ở Tây Nguyên). Còn trứng gà thì được chế biến thành món chiên với khổ qua… Rau thì khỏi lăn tăn, cứ thả sức ra vườn mà vặt để luộc, xào các loại. Đảm bảo rau sạch 100%.

“Thế anh em tự cung, tự cấp ư?”. Tôi hỏi. “Vâng! Nhưng cũng nhờ đó mà anh em ngoài công việc chính, sẽ có “thú điền viên”, vợi nỗi nhớ xa nhà, lại cải thiện được bữa ăn ngon, giá rẻ”- Chi cục trưởng Lã Văn Lập cười cho biết.

Chắc đất đai Tây Nguyên được trời phú cho màu mỡ, nên rau, quả cũng dễ trồng? “Đó chỉ là với nơi khác trên vùng đất Tây Nguyên này thôi, còn riêng với Bu Prăng thì lại vô cùng nghiệt ngã”, Chánh Văn phòng Đỗ Việt Toàn chia sẻ. Các anh chị thấy đấy, ngay lối vào cổng chi cục là một cây cam đã bị “chuyển đổi giới tính”. Chỉ cách đây 4 năm thôi (2007) nó còn là cây cam sành, trái to, quả ngọt, vậy mà giờ trái chỉ bằng quả chanh to, lại chua loét. Anh em toàn dùng để pha nước chấm hoặc với đường thành nước giải khát!!! Vườn rau của chúng em cũng trái khoáy, mùa khô thì xanh tươi, thừa thãi (cũng nhờ anh em siêng năng tưới, bón phân cho cây), nhưng mùa mưa thì lại khan hiếm hơn, do mưa sầm sập làm cho đất nén lại khiến rau còi cọc. Ngay những cây lâu năm như mít, sầu riêng cũng mất 6 - 7 năm mới cho trái, kể từ khi gieo hạt. Ấy thế, nhưng bù lại, khi đã có trái thì lại ngon hơn bất cứ hoa quả cùng loại nào được trồng ở nơi khác…”. Cái này được chứng minh ngay bằng những đĩa mít to và sầu riêng mời chúng tôi nếm thử.

Cây cam bị “chuyển đổi giới tính”.


“Ngày lễ, Tết anh em “lĩnh” phép thế nào?”. “Ôi, Tết ở đây vui như... Tết”, Chi cục trưởng Lã Văn Lập cười vui. Nghỉ Tết chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ 27 tháng Chạp âm lịch đến 3 tháng Giêng và đợt 2 từ 3 đến 10 tháng Giêng. Có nghĩa là một nửa anh em ở lại đón Tết, một nửa về phép. Tuy nhiên, cái nửa đón Tết nơi biên giới lại nhân đôi niềm vui, vì vợ con của anh em cùng lên vui Tết. Như Tết Tân Mão 2011, cả gia đình Chi cục trưởng Lã Văn Lập đón Tết tại Bu Prăng. “Vì thế, những ngày Tết đối với em ở đây cảm thấy trôi nhanh lắm, thậm chí còn rất hạnh phúc, vì cái yên tĩnh, trong lành của núi rừng dễ gợi nhớ kỷ niệm xa xưa của tụi em, khi còn tìm hiểu nhau…”.

Phấn khởi với sản phẩm sầu riêng do mình trồng được.


Đời thường của họ là như vậy, nhưng trách nhiệm của “người lính canh cổng nền kinh tế đất nước” vẫn được đặt lên hàng đầu.

Tính ra, số doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan chỉ có 29 đơn vị. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn ở con số 367.009 USD; nhập khẩu là 270.798 USD; thu thuế đạt 444.900.072 đồng… Hàng hóa qua lại không nhiều, nhưng đối với công tác chống buôn lậu, họ cũng không hề lơi lỏng. Chi cục Hải quan cửa khẩu Bu Prăng vẫn thường xuyên phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn, các cơ quan, tổ chức có liên quan; hợp tác với các lực lượng đồn cửa khẩu Đắk Đam, Nậm Nia, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) để nắm bắt, trao đổi thông tin cùng đấu tranh chống buôn lậu… qua biên giới. Bên cạnh đó, các chiến sỹ hải quan Bu Prăng còn làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền phổ biến, quán triệt chính sách, pháp luật của Nhà nước về hải quan…

Bài và ảnh: Hoàng Yến - Bùi Thu