Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp

Sau chuyên đề “ĐBSCL đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp” đăng trên báo Tin tức Cuối tuần số 43, nhiều chuyên gia cho rằng việc tháo gỡ những khó khăn để đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.

Ông Trần Minh Thống, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: Đầu tư nhiều hơn cho KHCN

Để thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh phải quan tâm đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn để đổi mới, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chế biến nông nghiệp. Cần liên kết, hợp tác triển khai những mô hình mới về chọn tạo giống, quy trình sản xuất, chế biến, xử lý môi trường nuôi trồng, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, xuất khẩu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và tập trung cho các sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản, trái cây của vùng ĐBSCL.

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam:  Tập trung phát triển loại hình hợp tác xã

Nếu sản xuất nông nghiệp chỉ thực hiện qua hình thức cá thể, quy mô nhỏ hẹp như hiện nay thì sẽ không có cách nào chuyển đổi cơ cấu được. Tuy nhiên, nếu vốn cứ ồ ạt đổ vào, sản lượng địa phương tăng lên, lợi nhuận tăng, thu ngân sách tăng nhưng người dân lại nghèo đi, không có đất sản xuất thì lại trở thành vấn đề lớn hơn rất nhiều. Liên kết có hiệu quả giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp là nội dung phải luôn luôn được xem xét một cách cẩn thận trong chính sách và chủ trương của nông nghiệp công nghệ cao tại ĐBSCL. 

Sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại phường 5, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Trình độ thâm canh của nông dân Việt Nam đang được ngưỡng mộ nhưng chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ bé và đang bị chia cắt bởi thị trường lớn. Các nông hộ nhỏ có tâm lý ngán ngại tham gia vào các tổ chức làm ăn quy mô lớn. Họ trở nên bị cô lập và là nạn nhân của biến động thị trường khi có khủng hoảng kinh tế lan rộng, thậm chí chỉ một áp lực nhỏ về giá tại một thị trường nào đó. Do vậy, cánh đồng lớn là giải pháp trước mắt. Còn lâu lài vẫn phải là hợp tác xã nông nghiệp cải tiến với chính sách phát triển rõ ràng. 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương: Chính sách khuyến khích ứng dụng KHCN

Để KHCN đóng góp ngày càng cao vào nông nghiệp cần nâng cao chất lượng nghiên cứu, chuyển giao KHCN trong nông nghiệp; tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sản xuất nông sản hàng hóa, quy mô lớn. Do vậy, chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh, chuyển giao KHCN cao vào Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Nâng cao chuỗi liên kết trong sản xuất ở ĐBSCL.

PGS.TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ NN&PTNT: Cơ giới hóa nông nghiệp là khâu then chốt

Cần phải coi cơ giới hóa nông nghiệp là khâu then chốt, là tiền đề đột phá để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. 

Trong điều kiện nước nhỏ, điểm xuất phát công nghệ thấp, để tạo dựng ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước phát triển bền vững, giai đoạn đầu cần liên doanh, liên kết tiếp nhận KHCN tiên tiến từ nước ngoài để chế tạo và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần huy động sự tham gia từ các nguồn lực xã hội, trong đó doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp đóng vai trò chính. Bên cạnh đó có chính sách và cơ chế ưu đãi đặc biệt để thúc đẩy cơ khí chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là các nhóm như: cơ chế, chính sách đầu tư; tài chính tín dụng; kích cầu tiêu thụ sản phẩm nội địa; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm… Cuối cùng là xây dựng hoàn thiện các định chế về thị trường khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp tiếp cận với các đối tác có công nghệ mới, nhất là công nghệ lõi để làm chủ việc chế tạo trong nước. 

TS Nguyễn Viết Lợi, Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Bộ Tài chính: Nâng chất lượng tín dụng 

Các chính sách tài chính trong việc hỗ trợ, khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trong sản xuất nông nghiệp ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế triển khai một số chính sách vẫn còn một số bất cập. Do vậy cần xem xét một số giải pháp như: Ban hành quy định các điều kiện phù hợp với từng đối tượng để hỗ trợ chính sách phù hợp. Cụ thể là đối với thời gian hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, có thể xem xét nâng thời gian hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại để mua máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Thứ hai là nên có chính sách phân loại khách hàng, xem xét căn cứ vào quá trình theo dõi và nhận diện khách hàng vay vốn để quy định tỷ lệ tối thiểu về tài sản đảm bảo, giảm bớt áp lực cho khách hàng. Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy quá trình liên kết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung ứng thiết bị), người nông dân và ngân hàng.
Anh Đức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN