Nên thay đổi cơ cấu cây trồng, tiết kiệm nước

Các cây công nghiệp đang sản xuất trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên như: Tiêu, điều, cà phê, cao su… đã được áp dụng những biện pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, cách tưới và công cụ tưới hiệu quả. Ngay cả hệ thống công trình cũng có thể xây dựng các hồ chứa, biến hệ thống kênh mở thành hệ thống ống vận chuyển nước.

Sau khi chuyên đề “Lựa chọn cây trồng phù hợp cho Tây Nguyên” đăng trên báo Tin Tức Cuối tuần số 41, TS Đặng Kim Sơn (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trao đổi với phóng viên Tin Tức về định hướng phát triển cây trồng chủ lực vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tới. 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác chuyển đổi cây trồng ở Tây Nguyên?

Hiện nay, các cây công nghiệp đang sản xuất trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên như: Tiêu, điều, cà phê, cao su… đã được áp dụng những biện pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, cách tưới và công cụ tưới hiệu quả. Ngay cả hệ thống công trình cũng có thể xây dựng các hồ chứa, biến hệ thống kênh mở thành hệ thống ống vận chuyển nước. Khi chúng ta chủ động được nguồn nước thì mới tính tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi kết cấu của hệ thống sản xuất để sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn.

Giống cây trồng chất lượng cao được ươm tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Tuy nhiên, đã đến lúc người dân vùng Tây Nguyên cần hiểu rằng, nguồn nước của chúng ta không phải là vô tận, nước không phải là sản phẩm không có giá trị và cứ có để dùng thoải mái.


Hiện nay, Nhà nước đang hỗ trợ thủy lợi phí nhưng việc sử dụng nguồn nước lại đang lãng phí, ông có cho rằng nên áp dụng phương pháp giá trong việc sử dụng nước?

Việt Nam không hỗ trợ đầu vào như: phân, thuốc, giống… trong khi các nước trong khu vực đều trợ cấp qua giá. Kết quả cho thấy, trong suốt thời gian qua cách làm dựa trên nguyên tắc thị trường rất hiệu quả, sản phẩm nông sản Việt Nam cạnh tranh được với tất cả các nước trên thế giới về giá thành và năng suất.

Khoai lang trồng xen trên diện tích cao su tại huyện Chư Sê (Gia Lai).Ảnh: Dương Giang  - TTXVN

Chỉ có một đầu vào duy nhất mà chúng ta trợ cấp là nước, thông qua hỗ trợ thủy lợi phí. Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta phải xem xét lại chính sách trợ cấp thủy lợi phí, đưa giá thị trường vào thủy lợi phí để người dân sử dụng nước tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn và nhờ đó chúng ta có thể tăng được sản lượng với nguồn tài nguyên được khai thác hiệu quả hơn.


Trước thực trạng biến đổi khí hậu khắc nghiệt, Tây Nguyên phải làm gì để ứng phó, thưa ông?

Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây diễn ra rất quyết liệt. Năm nay, lũ đồng bằng sông Cửu Long về muộn và ở mức thấp. Ở Tây Nguyên, các hồ chứa đang ở mức nước rất thấp, đe dọa một vụ mùa khắc nghiệt trong mùa khô sắp tới. Có lẽ trong tương lai, tình trạng hạn hán, biến đổi khí hậu còn diễn ra gay gắt hơn nữa. Tình trạng này buộc chúng ta phải có các giải pháp ứng phó khác nhau mà trên hết là tất cả người dân, chính quyền cùng phải vào cuộc.

Về phía Nhà nước phải điều chỉnh các chiến lược phát triển, các định hướng quy hoạch, chuyển sang hướng sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, đặc biệt là sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên nước. Do đó, sản xuất sản phẩm gì, sản xuất ở đâu, sản xuất như thế nào, kết hợp sản xuất với nước dùng cho sinh hoạt và nước để tạo ra năng lượng phải có sự phân bổ hợp lý.

Doanh nghiệp, nhân dân phải thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật… chuyển sang công nghệ tiết kiệm nước, sử dụng hiệu quả hơn nguồn nước. Sự phối hợp chặt chẽ từ Nhà nước tới người dân mới tạo nên sự phát triển vững bền cho nông nghiệp Tây Nguyên trong tình trạng khô hạn hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!
Hữu Vinh (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN