Giữ an ninh nguồn nước vùng Tây Nguyên

LTS: Chuyên đề Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ trên báo TTCT số 32 về an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế Tây Nguyên đã đề cập tới tình trạng mất cân đối nghiêm trọng nguồn nước trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Thiếu tướng Trần Đình Thu (ảnh), Ủy viên Chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trao đổi thêm với PV báo Tin Tức về vấn đề này.

Thưa Thiếu tướng, việc khai thác sử dụng nguồn nước sẵn có trong vùng Tây Nguyên đã tạo ra những thách thức gì trong công tác quản lý tài nguyên nước?

Năm 2016, Tây Nguyên đã hứng chịu đợt khô hạn lịch sử. Mực nước trên các sông xuống mức thấp nhất, các suối đầu nguồn đa số đều khô cạn. Lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt (chủ yếu được bổ sung từ các hồ chứa lớn), các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có dung tích trữ trung bình đạt thấp so dung tích thiết kế, nhiều hồ thấp hơn năm 2015, nhiều hồ chứa vừa và nhỏ cạn nước. Mực nước ngầm giảm sâu.

Hồ chứa nước ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) không còn đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp (ảnh chụp tháng 5/2016). Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Thực tế cho thấy, việc khai thác sử dụng nguồn nước sẵn có trong vùng đã và sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức trong công tác quản lý tài nguyên nước: 

Thứ nhất, hiện nay chưa có một cơ quan độc lập có chức năng kiểm soát hoặc điều hòa, phân phối nguồn nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường lưu vực sông, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và tham gia, phối hợp giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, liên địa phương trên các lưu vực sông liên tỉnh. 

Thứ hai, sức ép về dân số và tăng trưởng kinh tế không ngừng dẫn đến nhu cầu nước của các ngành kinh tế - xã hội (KT-XH) tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước. Thứ ba, tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả cộng với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn. 

Thiên tai bão, lũ, hạn hán,... đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. Thứ tư, sự mất cân đối nguồn nước làm cho sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, các hộ sản xuất đang ngày càng gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước không đáp ứng yêu cầu; hệ thống pháp luật về tài nguyên nước còn thiếu đồng bộ và việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước trong thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần tập trung những giải pháp gì, thưa Thiếu tướng?

Các tỉnh trong vùng tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 29/3/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến Kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán tại khu vực Tây Nguyên.

Sớm hoàn chỉnh các Đề án thành lập Ủy ban lưu vực sông Sê San và Sêrêpốk để quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Để Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phải đưa chế tài về sử dụng nguồn nước ngầm cho sản xuất và đời sống nhằm kiểm soát việc sử dụng, khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm bừa bãi như hiện nay. Nghiên cứu mô hình phát triển hệ thống ao, hồ theo nhóm hộ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm chủ động nguồn nước tưới, giải quyết tình trạng thiếu nước, khắc phục hạn hán cho cây trồng tại những nơi không có điều kiện xây dựng các công trình thủy lợi quy mô lớn.

Ưu tiên đầu tư, tu bổ sớm những công trình hồ chứa vừa và lớn để giải quyết cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt; tận dụng các nguồn nước sẵn có, xây dựng các trạm bơm cung cấp nước cho các vùng tưới ở cao. Xây dựng bổ sung các hồ chứa phân tán chủ động cấp nước cho các khu tưới nhỏ. Hỗ trợ các dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, nhất là đối với rừng đầu nguồn các lưu vực sông để đảm bảo nguồn sinh thủy, chống bồi lắng lòng hồ. Kiểm tra lại các dự án thủy điện để có giải pháp cung cấp nguồn nước ổn định cho hạ du, nhất là các dự án chuyển dòng. Trước mắt không triển khai thêm các dự án gây tác động xấu đến môi trường.

Tuyên truyền, có chính sách khuyến khích, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và các giải pháp tưới tiên tiến; nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình trong việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Viết Tôn (thực hiện)
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng khó
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng khó

Chỉ còn ít ngày nữa, hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới 2016 - 2017. Cùng với ngành giáo dục cả nước, ngành giáo dục và đào tạo các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN