Định hướng phát triển du lịch đường sông

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ảnh), cho rằng, cần có quy hoạch, sau đó định hướng phù hợp để phát triển mạng lưới du lịch đường sông vùng Tây Bắc.


Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển du lịch đường sông vùng Tây Bắc?


Rõ ràng, vùng miền núi phía Bắc đang giữ nhiều giá trị về tài nguyên, về sinh thái, môi trường rất hấp dẫn của cả nước. Tuy nhiên, về tổng thể, so với tiềm năng lớn, thì du lịch Tây Bắc chưa phát triển, lượng khách đến vẫn còn khiêm tốn. Hạ tầng đáp ứng cho phát triển du lịch Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế,  chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch

Không chỉ riêng vùng Tây Bắc, mà ở Việt Nam nói chung, đều có thế mạnh về du lịch đường thủy, đường sông. Đây cũng là loại hình du lịch rất hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, hiện nay, loại hình du lịch đường sông ở Việt Nam nhìn chung chưa phát triển, và ở vùng Tây Bắc, do có nhiều khó khăn, nên loại hình du lịch này vẫn chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Chúng tôi đã từng đi trải nghiệm trên các dòng sông, hồ đẹp vùng Tây Bắc như sông Chảy, sông Gâm, hồ Ba Bể, hồ Sơn La, thủy điện Na Hang… và có chung đánh giá, là các con sông này đều rất đẹp.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn nên việc thu hút các nhà đầu tư để phát triển du lịch đường sông vùng Tây Bắc chưa tốt. Ngay cả việc đầu tư hạ tầng, đáp ứng nhu cầu cho du lịch đường sông như cung cấp dịch vụ tàu thuyền, hay xây dựng bến bãi, cảng đường sông cho tàu thuyền dừng đỗ… chúng ta hầu như chưa có.

Tôi cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch đường sông vùng Tây Bắc là hoàn toàn có thể. Hiện nay, việc kết nối hạ tầng cơ sở của du lịch đã phát triển hơn, quy hoạch để phát triển du lịch đường sông của các tỉnh vùng Tây Bắc nên được quan tâm nhiều hơn và thúc đẩy mạnh hơn. Đơn cử, tour trải nghiệm sông Gâm có thể kết nối từ Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn… đó là một cung đường đẹp.

Hoặc tour sông Chảy (đoạn qua Lào Cai) cũng rất đẹp. Rồi những dòng sông ở Tuyên Quang cũng có thể khai thác để làm tour du lịch. Trước đó, khi lập quy hoạch Khu du lịch Tân Trào, chúng tôi cũng lưu ý địa phương, nên khai thác thêm giá trị những dòng sông trên khu vực Tân Trào, để kéo dài thời gian lưu trú thu hút khách du lịch.

Thực tế cho thấy, các dòng sông chảy qua các tỉnh vùng Tây Bắc, có đặc thù là sông chảy trên núi, nhiều nơi có địa hình quanh co, hiểm trở, rất thích hợp du lịch khám phá, mạo hiểm. Vì vậy, khi tổ chức khai thác du lịch đường sông ở đây có thể chú ý nhiều loại hình. Có thể du lịch bằng tàu, bằng xuồng cao su, có thể bằng bè tre… Ở một số nơi như hồ Cấm Sơn, hồ Thác Bà, hồ Ba Bể, hồ Na Hang… còn có những phương tiện hấp dẫn khách như thuyền nan, thuyền độc mộc…

Đó chính là sản phẩm du lịch có thể tạo sự khác biệt, là sản phẩm của sự sáng tạo trong dịch vụ du lịch so với những nơi khác. Ngay cả các lễ hội, các điểm du lịch văn hóa trong hành trình cũng tạo những sự khác biệt, bởi trong  những khác biệt văn hóa cộng đồng người Thái, người Mông, Dao… giúp ta thu hút khách.

Mỗi con sông phù hợp với một loại hình du lịch khác nhau.


Để phát triển du lịch đường sông vùng Tây Bắc, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Theo tôi, để phát triển du lịch đường sông vùng Tây Bắc, điều quan trọng nhất hiện nay là phải quy hoạch để đánh giá tiềm năng phát triển mạng đường sông trong vùng. Từ việc quy hoạch, đánh giá tiềm năng, chúng ta sẽ có những định hướng phát triển phù hợp. Ví dụ, quy hoạch và đánh giá xem nơi nào thích hợp khai thác du lịch đường sông. Đoạn sông, hồ nào có cảnh quan đẹp, thích hợp phát triển du lịch để quy hoạch lại.

Trên cơ sở quy hoạch đó, mới xác định đầu tư bến bãi, hạ tầng bến cảng. Tùy thuộc khung cảnh, địa hình dòng sông, cảnh quan của từng nơi, để định hướng sẽ dùng loại hình phương tiện vận tải nào nên đưa vào phục vụ du khách. Chẳng hạn, những khu vực sinh thái thuần túy, nên hạn chế không cho các phương tiện có động cơ đi trên đó. Còn một số dòng sông chảy qua vùng đô thị như ở Tuyên Quang, hay những hồ lớn, những dòng sông lớn như sông Hồng, sông Đà… có thể dùng tàu lớn, vừa chở khách tham quan, vừa thưởng thức dịch vụ trên tàu thì cần đầu tư bến bãi, các điểm đỗ dọc đường để khách trải nghiệm.

Muốn du lịch đường sông phát triển thì du lịch đường bộ cũng phải phát triển. Tức là, ở những điểm đến, bến đỗ của tàu, hệ thống đường bộ phải được kết nối thuận tiện với các bến cảng. Từ đó, khách xuống tàu, có thể lên đường bộ tiếp tục trải nghiệm. Như vậy, chúng ta không chỉ phát triển du lịch đường sông đơn thuần, mà phải đa dạng hóa các loại hình và dịch vụ.

Với vùng Tây Bắc, tất cả mọi sự đầu tư vào khu vực này cần hết sức thận trọng. Cần bám sát quy hoạch du lịch của cả nước, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển du lịch của từng địa phương. Tôi cho rằng, tất cả các dự án đầu tư vào Tây Bắc hiện nay, nên đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép, bởi môi trường đang là yếu tố mà khách du lịch quan tâm hàng đầu hiện nay. Khi kêu gọi đầu tư du lịch, các địa phương cần tìm nhà đầu tư có trách nhiệm, có ý thức cao trong việc gìn giữ, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên, cũng như các giá trị văn hóa lịch sử.

Xin cảm ơn ông!

 

Phương Lan (thực hiện)
Phát triển du lịch đường sông vùng Tây Bắc
Phát triển du lịch đường sông vùng Tây Bắc

Tây Bắc có nhiều sông dài, đẹp và hùng vĩ, như sông Đà, sông Gâm, sông Năng… cùng nhiều hồ lớn, như hồ Thác Bà, hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc… Lợi thế là vậy, nhưng nhiều địa phương trong vùng chưa thật sự quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch đường sông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN