Phát triển hệ thống Logistics vùng ĐBSCL

Cụ thể hóa việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục vùng khó

LTS: Chuyên đề Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ trên báo TTCT số 33 về “Sẵn sàng đón năm học mới” đã đề cập tới việc ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng khó. Phản hồi lại chuyên đề này, đã có nhiều ý kiến từ địa phương làm rõ thêm các vấn đề về giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đầu tư nguồn lực để sửa chữa trường lớp học đón con em đồng bào các dân tộc tới trường…

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang:Luân chuyển để đảm bảo đủ giáo viên  

Năm học 2016 - 2017, tỉnh Hậu Giang thiếu 1.493 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học; trong đó, thiếu nhiều nhất là cấp học mầm non, mẫu giáo với 1.014 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cấp tiểu học thiếu 322 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.   

Tình trạng thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cấp học diễn ra hầu hết các địa phương trong tỉnh. 

Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang phải luân chuyển, điều động nhân sự từ nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều. Thậm chí ngành đã lấy biên chế những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác để hợp đồng bổ sung nhân sự đáp ứng năm học mới đang bắt đầu. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang tiếp tục trình UBND tỉnh cho chủ trương, bố trí ngân sách thực hiện hợp đồng giáo viên mới để bổ sung cho các đơn vị thiếu trong thời gian tới. Về lâu dài, ngành sẽ xây dựng đề án nhu cầu nhân lực trình các cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm qua. Trong 3 năm học trở lại đây, tỉnh Hậu Giang thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành giáo dục, năm học sau thiếu trầm trọng hơn năm học trước. Cụ thể, năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục Hậu Giang thiếu hơn 400 giáo viên, nhân viên ở các cấp học; năm học 2015 - 2016, thiếu hơn 900 giáo viên, nhân viên; năm học 2016 - 2017, thiếu gần 1.500 người là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cấp học. Hiện toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang có gần 11.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.      

Ông Điểu Kré, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:Đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, sửa chữa trường lớp 
      
Các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, sửa chữa, xây dựng mới hàng ngàn phòng, lớp học và mua sắm nhiều đồ dùng dạy học phục vụ tốt cho năm học 2016 - 2017. Trong đó chủ yếu đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các trường, lớp học cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.    
 
Ngoài nguồn vốn ngân sách, các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa, xây dựng mới hàng trăm trường học tại các địa bàn thuộc các vùng đặc biệt khó khăn. Huyện Kon Plông (Kon Tum) đã đầu tư xây dựng mới thêm 12 phòng học, 7 phòng ở cho giáo viên. 

Tại huyện Cư Jut, Đắk Song, Krông Nô (Đắk Nông) cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp cùng với nguồn vốn ngân sách, các địa phương đã xây dựng mới thêm hàng chục điểm trường tại các xã vùng sâu, vùng xa, đồng thời, trang bị mới hàng trăm bộ bàn ghế cho học sinh, thầy cô giáo. Phần lớn các trường học các cấp của các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng hiện nay không còn tình trạng trường học tranh tre, nứa lá mà thay vào đó là trường học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố.

Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu:Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa  

Trong năm học mới 2016 - 2017, ngành giáo dục và đào tạo Lai Châu phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt các trường yếu, duy trì, củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học.   

 Để làm được điều này, ngành giáo dục và đào tạo Lai Châu thực hiện 8 nội dung chủ yếu như: Cụ thể hóa kế hoạch về truyền thông giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận và phát huy sự đóng góp của toàn xã hội trong việc xây dựng, ban hành, thực hiện các chủ trương, chính sách mới về giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục  và đào tạo Lai Châu cũng tiếp tục xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong đội ngũ nhà giáo; đổi mới công tác quản lý từ sở đến các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học, với quan điểm "Quản lý là phục vụ và quản lý phải đúng nghĩa, thực chất, bảo đảm dân chủ, thống nhất"; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường; duy trì số lượng, chất lượng học sinh gắn với thi đua khen thưởng, kỷ luật. Ngành giáo dục và đào tạo tập trung chỉ đạo thanh tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh đồng thời chú trọng thực hiện các kiến nghị, kết luận xử lý sau thanh tra...  

Ngành giáo dục và đào tạo Lai Châu tiếp tục củng cố, duy trì kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỉnh Lai Châu được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu còn 1.259 phòng học tạm, 188 phòng học nhờ, phòng học mượn. Trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện phục vụ giảng dạy và học tập chưa đáp ứng được nhu cầu. Tỷ lệ lớp học ghép còn cao ở bậc tiểu học và mầm non.
Nhóm PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN