Cơ chế hút vốn cho giao thông ĐBSCL

Chuyên đề “Phát triển hệ thống Logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long” đăng trên báo Tin tức Cuối tuần số 34 đã chỉ ra một trong những giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống Logistics là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ. Tuy nhiên để có thể đầu tư thực sự hiệu quả vào lĩnh vực này thì cần có những cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của vùng.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Thứ trưởng Bộ Tài chính: Tập trung đầu tư những dự án thực sự bức xúc

Chính phủ cần có một chính sách đặc thù trong việc huy động các nguồn lực thì mới triển khai được các dự án giao thông đường bộ vùng đồng bằng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách đang gặp khó khăn, vốn vay ODA cũng có giới hạn, nếu kêu gọi xã hội hóa theo hình thức BOT thì rất khó thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư. Hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được đầu tư đúng mức nên cơ sở hạ tầng giao thông toàn vùng hiện nay rất bức xúc. Do đó, giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới là các bộ, ngành và các địa phương cần rà soát lại từng dự án, xem dự án nào thật sự bức xúc thì tập trung toàn bộ nguồn lực vào đầu tư như dự án đường cao tốc Cần Thơ - Trung Lương...

Ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông vận tải: Cân nhắc khi đầu tư theo hình thức BOT, BT

Thống kê cho thấy, đầu tư theo hình thức BOT, BT để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chỉ thực sự phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội tại những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Đối với những khu vực kinh tế phát triển chậm như vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc đầu tư nếu có chủ yếu theo hình thức BOT. Tuy nhiên hình thức đầu tư này sẽ không phát huy được hiệu quả kinh tế, xã hội như mong đợi, do thời gian thu phí kéo dài, chi phí vận chuyển tăng, tạo áp lực lên đời sống nhân dân. 

Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đoạn qua Tân An (Long An).

Chẳng hạn Trà Vinh là tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng hiện nay đầu tư rất nhiều dự án BOT, để lưu thông qua các tỉnh khác và đều phải đóng phí BOT. Cụ thể có các trạm thu phí quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, trạm thu phí cầu Cổ Chiên, trạm thu phí cầu Rạch Miễu và dự kiến có thêm trạm thu phí cầu Đại Ngãi. Do vậy đối với khu vực này cần cân nhắc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT so với việc đầu tư bằng nguồn vốn khác. 

Còn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP  là cần thiết và khách quan trong điều kiện các nguồn vốn khác hạn chế. Tuy nhiên, cần xác định các dự án thật sự cần thiết, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế xã hội và có hiệu quả về tài chính mới mời gọi đầu tư. Các dự án chưa thật sự cấp bách, không mang lại lợi ích rõ ràng thì cần cân nhắc để xem xét đầu tư vào thời điểm thích hợp, bằng các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tiến sĩ Phạm Sanh: Cơ chế, chính sách về đầu tư các dự án BOT, BT còn nhiều bất cập

Thực tiễn cho thấy, cơ chế, chính sách của nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập nên các dự án đầu tư BOT, BT chưa được quản lý tốt. Hệ thống văn bản pháp lý chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi, chồng chéo dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Rất nhiều dự án, tất cả các vấn đề liên quan đều do nhà đầu tư quyết định. Chức năng nhiệm vụ của đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền không rõ ràng, chưa được quy định cụ thể nên chưa thể hiện được hết vai trò quản lý nhà nước. Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng công trình kém chất lượng… gây búc xúc trong dư luận.
Bài và ảnh: Anh Đức
Quyết sách phát triển hệ thống dịch vụ Logistics
Quyết sách phát triển hệ thống dịch vụ Logistics

Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các trung tâm Logistics bằng nhiều hình thức theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN