Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Chất lượng của nguồn nhân lực Tây Nguyên những năm gần đây đã được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển bền vững của vùng, nguồn nhân lực Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, cần phải nhanh chóng có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng một cách toàn diện theo những tiêu chí phát triển chung của cả nước và hội nhập quốc tế.


Ông Trần Việt Hùng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Việc phân bố nguồn nhân lực chưa đồng đều

Nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao là một trong những điều kiện then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay việc phân bố nguồn nhân lực này chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều tỉnh trong vùng Tây Nguyên đang thiếu NNL chất lượng cao, làm hạn chế sự phát triển kinh tế ở các địa phương cũng như của cả vùng.

Đào tạo nghề cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại Trường Trung cấp nghề Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, như tỷ lệ sinh viên trên vạn dân tăng đều qua các năm, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, số trường và đội ngũ giảng viên ở các cấp đều tăng… Tuy nhiên, so với yêu cầu, giáo dục và đào tạo ở vùng vẫn còn nhiều hạn chế như: Cơ sở vật chất còn yếu, ý thức của người dân về học tập nâng cao trình độ, nghề nghiệp còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu…

Ông Trần Quang Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Đào tạo bám sát nhu cầu thị trường

Về cơ bản các chỉ tiêu về đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên đã đạt được theo Quyết định số 1951/2011 của Thủ tướng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị của vùng đất Tây Nguyên.

Khó khăn của hệ thống các trường chuyên nghiệp ở Tây Nguyên còn nhiều, nhất là chất lượng đào tạo nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt việc bố trí việc làm cho các sinh viên dân tộc thiểu số sau khi ra trường cần được lãnh đạo chính quyền các cấp và các ban ngành có liên quan tích cực tìm mọi cách tháo gỡ.

Cần có nhiều chính sách đồng bộ hợp lí để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giáo dục. Tăng cường đào tạo bám sát nhu cầu thị trường lao động, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên:  Cần có chính sách đặc thù

Cần có chính sách đặc thù để đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số. Hiện nay sự phát triển ồ ạt và cạnh tranh không lành mạnh của các trường đại học cũng là một lực cản cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, nguồn tài chính đầu tư cho các truờng đại học còn eo hẹp. Đại học Tây Nguyên là trường miền núi, sinh viên, học sinh chủ yếu là các đối tượng chính sách, định mức thu lại rất thấp. Do đó nguồn thu của truờng hết sức hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, rất khó để đầu tư phát triển đi lên vững chắc. Đề nghị các cơ quan chức năng, hằng năm phải triển khai sớm kế hoạch đào tạo phân bổ chỉ tiêu hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ để các trường chủ động lên chương trình đào tạo cho phù hợp….

Ông Mai Xuân Trung, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt: Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học

Một giải pháp không kém phần quan trọng là các trường chuyên nghiệp phải hết sức chú trọng công tác nghiên cứu khoa học. Cũng nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Đà Lạt được đẩy mạnh từ nhiều năm qua, nên hằng năm nhà trường đạt trên 55.000 giờ nghiên cứu khoa học, mỗi năm tăng trên 2.000 giờ. Nhà trường đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên bình quân mỗi năm trên 90 thạc sĩ, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề khoa học gắn chặt giữa lí luận và thực tiễn, có tính ứng dụng cao, được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá tốt.

Chị Lơ Nha Ênuôl, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Rất cần đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ

Được tham gia lớp học cắt may dân dụng do Hội phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và Phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và xã hội) tổ chức, tôi và các chị em được trang bị kiến thức cũng như thực hành các kiểu may âu phục nam, nữ. Trong thời gian học tập, ngoài nguyên vật liệu, dụng cụ cắt may, tôi còn được hỗ trợ tiền ăn trưa và 300.000 đồng/tháng theo chế độ dành cho học viên người dân tộc thiểu số. Nhờ vậy mà việc học tập thuận lợi hơn rất nhiều. Mặc dù mới nhận đồ về may tại nhà được gần 2 tháng nhưng được mọi người xung quanh tin tưởng và khen ngợi, tôi càng có động lực học hỏi, nâng cao tay nghề để có thể tạo ra được những sản phẩm ưng ý nhất.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ, Hội Phụ nữ thành phố đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của mỗi chị em để tư vấn giới thiệu ngành nghề phù hợp, gắn với nhu cầu lao động của xã hội. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 5 lớp dạy nghề nấu ăn, may dân dụng, dệt thổ cẩm cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Hầu hết các lao động nữ sau đào tạo nghề đều có việc, tạo được nguồn thu nhập ổn định.

Chị Ary En, dân tộc Cil, sinh viên Đại học Đà Lạt Có chính sách đãi ngộ để giữ chân người tài

Những ưu đãi hiện hành với người giỏi mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, do các địa phương, các cơ quan đặt ra, tùy theo tình hình mà thực hiện, không phải một cơ chế ở tầm vĩ mô có khả năng khuyến khích những người có năng lực phấn đấu trong học tập và cống hiến theo yêu cầu ở các lĩnh vực kinh tế xã hội. Không ít những người ra nước ngoài với mong muốn thay đổi cuộc sống, họ lựa chọn ở lại nước ngoài trước nỗi lo về cơm áo gạo tiền.

Ở một nước còn nhiều khó khăn như ở nước ta, chính sách đãi ngộ, điều kiện sẽ không thể bằng các nước tiên tiến khác trên thế giới. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ cụ thể để giữ chân người tài, bằng tình cảm và những cải cách toàn diện, để không chỉ những du học sinh Việt Nam mà còn các tri thức, các nhà khoa học trên thế giới sẽ lựa chọn Việt Nam làm nơi định cư và làm việc. Đây rõ ràng là vấn đề lớn, nhưng chưa được đặt ra một cách nghiêm túc. Việc không có môi trường làm việc tốt cũng là rào cản lớn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

V.T
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN