Cần hệ thống lại các chính sách giảm nghèo

Chuyên đề “Tìm giải pháp giảm nghèo cho các tỉnh Tây Bắc” đăng trên báo Tin tức Cuối tuần số 38, nêu: Để các địa phương trong vùng Tây Bắc giảm nghèo bền vững, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật và chính sách của Nhà nước, mỗi tỉnh trong vùng cần huy động nội lực, tránh ỉ lại, trông chờ.

Để làm rõ hơn về những giải pháp lâu dài, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hầu A Lềnh (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc về vấn đề này.

Ông có đánh giá gì về việc triển khai những chính sách trong công tác giảm nghèo trên địa bàn Tây Bắc trong thời gian qua?


Vừa qua, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn giải pháp giảm nghèo bền vững tại các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc, nhiều ý kiến của các bộ, ngành đã đề cập rất sâu về vấn đề này. Nhưng theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là phải hệ thống hóa lại hệ thống chính sách mà Đảng và Nhà nước hiện đang có. Rất nhiều chính sách đã được thực hiện trong nhiều năm qua đến nay vẫn còn có hiệu lực. Những chính sách đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước, về giảm nghèo trên cả nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt một số chính sách mới gần đây, nhất là hai chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua và mục tiêu xây dựng nông thôn mới tới đây sẽ được thông qua nữa.

Đó sẽ là cơ sở thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào sự giảm nghèo của các tỉnh vùng cao, trong đó có Tây Bắc. Tại Hội nghị trên, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống nhất xây dựng đề án đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư có một Kết luận về mặt chủ trương trong công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đó. Đi liền với nó là cơ chế phân bổ nguồn lực và thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, không chỉ của ngân sách nhà nước mà của cả các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài cũng như của các doanh nghiệp.

Nhiều năm qua tỉ lệ giảm nghèo của các tỉnh miền núi trên địa bàn vùng Tây Bắc có kết quả khả quan do được triển khai rất tích cực, nhưng tỉ lệ hộ nghèo thuộc nhóm đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cao, thậm chí có những tỉnh tỉ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm đến 90%. Như vậy câu chuyện đặt ra là phải phân loại được các nhóm đối tượng để có chính sách tập trung để các đối tượng này có cơ hội vươn lên bằng các đối tượng khác. Dư địa để ban hành thêm chính sách mới và phân bổ thêm nguồn lực mới trong khả năng ngân sách quốc gia hiện nay rất khó khăn. Cách làm hiện nay đã đổi mới là gom tất cả những chính sách lại, rà soát lại toàn bộ và phân cấp sao cho những chính sách khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống.

Hiện nay chính sách về giảm nghèo rất nhiều nhưng có sự chồng chéo. Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?

Các chính sách của chúng ta, chính sách nào cũng có mục tiêu rõ ràng. Tôi cho rằng điều đó đều hướng đến đối tượng là người dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành. Chúng ta có những giai đoạn phát triển khác nhau, mỗi một lần thay đổi cơ chế chính sách đều có những vấn đề phát sinh và chúng ta lại ban hành những chính sách để hỗ trợ gián tiếp hoặc trực tiếp cho người dân. Mỗi lần như vậy không thể tránh khỏi các nguồn vốn đều tập trung vào một đối tượng. Sự chồng chéo ở đây là ở ý đó. Tức là nhiều nguồn tập trung vào một đối tượng và mỗi nguồn lại có một đơn vị chủ quản khác nhau, thủ tục, thời gian phân bổ nguồn lực, mục tiêu đặt ra khác nhau. Vì vậy cần lồng ghép các nguồn lực lại. Nếu các nguồn lực này được hợp nhất lại và có một bộ thủ tục đồng nhất, phân định cho một cơ quan đơn vị là đầu mối thì nguồn lực này sẽ rất lớn. Để đạt được mục tiêu đó, tôi cho rằng việc triển khai thực hiện sẽ dễ dàng hơn và người dân sẽ có cơ hội thụ hưởng nguồn lực hơn trong cùng một thời điểm để giải quyết vấn đề giảm nghèo.

Thưa ông vì sao các hộ nghèo đa số thường là đồng bào dân tộc thiểu số?

Tôi nhận thấy tỷ lệ hộ nghèo hiện nay trên cả nước nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua rà soát tỷ lệ hộ nghèo của chúng ta những năm qua cho thấy: Thứ nhất, do tập quán sinh sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều ở những khu vực khó khăn, đất đai khó canh tác, khí hậu khắc nghiệt, tư liệu sản xuất không nhiều… Thứ hai là trình độ sản xuất thấp. Thứ ba là quy mô sản xuất nhỏ nên khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế, mặc dù họ biết chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những nguyên nhân chính. Chúng ta phải tìm lời giải cho bài toán này để người dân có cơ hội tiếp cận những nguồn vốn. Đó là, trình độ, năng lực của người dân cần được cải thiện thông qua đào tạo; họ phải được bảo đảm đủ tư liệu sản xuất như đất đai, chuyển đổi nghề… Có thể thành lập tổ hợp tác như các mục tiêu trong chương trình nông thôn mới đã đề ra.

Vậy định hướng trong công tác giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao tại Tây Bắc là gì, thưa ông?

Tôi mong muốn: Thứ nhất là thực hiện theo đúng tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ưu tiên giảm nghèo cho những vùng đặc biệt khó khăn. Thứ hai là theo tinh thần Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Thứ ba là thực hiện các Kết luận của Chính phủ, cụ thể là của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nguyên là Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc), đó là: Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho các tỉnh nghèo trên cả nước, trong đó có vùng Tây Bắc.

Hiện nay việc phân bổ nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới đều ưu tiên cho những vùng này. Tại hội nghị bàn giải pháp giảm nghèo bền vững các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc, chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với 6 tỉnh nghèo nhất nước lại nằm trọn trong vùng Tây Bắc. Mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ có Nghị quyết, thông báo Kết luận về mặt chủ trương để làm cơ sở cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương trong vùng để tập trung ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh này để các tỉnh này vươn lên phát triển trong giai đoạn tới. Nếu được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý, đó sẽ là cơ sở tốt, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành triển khai những chính sách mà hiện nay chúng ta đang có.

Trân trọng cảm ơn ông!
Chí Thái (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN