04:07 10/04/2011

Đổi thay nhờ khu công nghiệp

Sau 20 năm xây dựng khu công nghiệp (KCN), đến nay, Đồng Nai đã trở thành tỉnh đi đầu trong xây dựng, phát triển và dẫn đầu cả nước về số lượng KCN với 30 KCN có tổng diện tích 9.573 ha, trong đó diện tích dành cho thuê là 6.338 ha và hiện đã cho thuê 3.750 ha, chiếm gần 60% diện tích.

Sau 20 năm xây dựng khu công nghiệp (KCN), đến nay, Đồng Nai đã trở thành tỉnh đi đầu trong xây dựng, phát triển và dẫn đầu cả nước về số lượng KCN với 30 KCN có tổng diện tích 9.573 ha, trong đó diện tích dành cho thuê là 6.338 ha và hiện đã cho thuê 3.750 ha, chiếm gần 60% diện tích.

Tính đến nay, các KCN ở Đồng Nai đã thu hút 1.130 dự án từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD và hơn 31.600 tỷ đồng, thu hút trên 375.260 lao động đang làm việc tại các KCN với hơn 60% là lao động ngoại tỉnh.

Một góc khu công nghiệp Biên Hòa 2 hiện đại, xanh, sạch... Ảnh: Văn Khánh-TTXVN


Các KCN ở Đồng Nai đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đồng Nai theo hướng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp. Từ một nền kinh tế với nông nghiệp là chủ đạo, chiếm trên 50% GDP, từ khi nguồn vốn FDI và trong nước thu hút vào các KCN ở Đồng Nai thì cơ cấu kinh tế của tỉnh đã thay đổi rõ rệt với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông lâm nghiệp lần lượt là 57,9%, 31,5% và 10,6%. Các dự án đầu tư vào các KCN ở Đồng Nai đa dạng, quy mô và công nghệ ngày càng hiện đại. Điều này từng bước góp phần đưa Đồng Nai giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế cao. Tuy chỉ chiếm 1,2% diện tích đất của tỉnh, nhưng các KCN đóng góp hơn 40% GDP, hơn 90% kim ngạch xuất khẩu và năm 2010 doanh thu của các KCN đạt gần 10 tỷ USD...

Từ năm 1988, Đồng Nai đã nghiên cứu và xây dựng KCN Biên Hòa 2 do Công ty phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi) làm chủ đầu tư với diện tích 334 ha. Đây là KCN hình thành sớm nhất trong cả nước kể từ sau ngày miền Nam giải phóng. Đến năm 2000, KCN Biên Hòa 2 đã có hơn 115 dự án đầu tư với tổng vốn 1,7 tỷ USD, lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê. Chính việc thành lập KCN này đã tạo tiền đề để phát triển hàng loạt KCN không chỉ ở TP Biên Hòa, như: Loteco, Amata, Agtex Long Bình... mà mở rộng đến các địa phương khác: Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3 (Nhơn Trạch), Thạnh Phú (Vĩnh Cửu), Tam Phước, Gò Dầu (Long Thành), Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú... Đặc biệt từ 1/7/2007, để khuyến khích đầu tư, Đồng Nai đã thực hiện cấp phép đầu tư theo mô hình "một cửa", trong đó, Zida là cơ quan duy nhất sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của chủ đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục và phối hợp với ngành thuế và công an tỉnh lo thủ tục cấp luôn mã số thuế và giấy quyết định cấp phép khắc dấu.

Nhà đầu tư từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận giấy chứng nhận đầu tư bao gồm cả đăng ký mã số thuế và giấy phép khắc con dấu chỉ mất tối đa 15 ngày, giảm một nửa thời gian so với trước đây. Với phương châm "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", hằng năm, chính quyền cùng các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động gặp gỡ các nhà đầu tư trực tiếp giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, các chính sách về thuế, thủ tục hải quan cũng như về trật tự trị an, ô nhiễm môi trường, các chế độ đối với người lao động...

Sản xuất cáp quang tại Công ty cổ phần Sacom. Ảnh: Văn Khánh-TTXVN


Phát triển KCN đã có tác động tích cực đến các lĩnh vực khác, như: Phát triển khu dân cư và các đô thị mới ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Hệ thống giao thông, điện, nước, bưu chính - viễn thông ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Các KCN phát triển kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ về nhà ở, tài chính, nhân lực, vui chơi, giải trí... ngày càng sôi động. Đáng chú ý là việc phát triển các KCN đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Nhu cầu nguồn nhân lực còn tác động rất lớn đến việc phát triển thị trường đào tạo. Chỉ trong 10 năm, Đồng Nai xúc tiến, hình thành và phát triển 2 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp chuyên nghiệp và 80 cơ sở dạy nghề với năng lực đào tạo 58.000 người.

Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, chính việc phát triển KCN đã góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn nhanh và rõ nét hơn. Điển hình như Nhơn Trạch, từ một huyện thuần nông, hiện đã có 8 KCN với cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện thu hút nhiều dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ để trở thành thành phố trong tương lai; huyện Trảng Bom từ một huyện thuần nông nay đã có 4 KCN với tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 70%...

Để trở thành một tỉnh cơ bản công nghiệp, hiện đại vào năm 2015 và là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng GDP cao với chất lượng cao, giá trị gia tăng cao; tính toán và cơ cấu lại các ngành kinh tế trên địa bàn. Tỉnh chú trọng đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật cao thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển các loại hình thương mại dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, bảo hiểm, y tế, tư vấn, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ để cùng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hình thành đồng bộ các loại hình thị trường, đồng thời quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ người lao động trong các KCN.

Minh Hưng