Xin chữ đầu năm, nét đẹp văn hóa

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Trên phố đông người qua…”


 

“Phố ông đồ” những ngày đầu xuân.

Tục xin chữ ngày xuân cùng hình ảnh ông đồ già với bút, mực ngồi trên phố cho chữ mỗi khi Tết đến là một nét văn hóa đẹp của người Việt từ xưa tới nay. Ông đồ như một chuẩn mực về lễ giáo, còn người xin chữ về thờ trong nhà là người biết lễ nghi, trọng đạo thánh hiền. Xin chữ không chỉ là xin những may mắn, tài lộc cho người đi xin mà còn là sự thưởng thức tài năng của người "có chữ".

 

Xin chữ


Đến phố Văn Miếu (Hà Nội) những ngày đầu xuân, mới thấy hết không khí của Tết cổ truyền với rực rỡ những câu đối đỏ, những cụ đồ râu tóc bạc trong bộ khăn đóng, áo dài thâm đạo mạo, cốt cách. Không biết tự bao giờ, người ta đặt cho phố Văn Miếu cái tên “phố ông đồ”. Ngày đầu xuân thong dong, du khách đổ về “phố ông đồ” để xin chữ, viết câu đối với những ước mơ, hy vọng đầu xuân được gửi gắm vào những câu, những chữ ấy.


Trong sân Văn Miếu cũng như dọc vỉa hè, các ông đồ ngồi xếp thành hàng dài, ăn mặc chỉnh tề, có bày nghiên mực, giấy đỏ đủ các loại để sẵn sàng cho chữ những ai tìm đến. Những nét chữ của ông đồ như "rồng bay phượng múa" hiện lên trên mỗi tờ giấy đỏ thắm gửi gắm một tâm tư, nguyện vọng về một năm mới tốt lành, nhiều may mắn. Mơ ước cho một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, nên nội dung xin chữ đầu năm đều mang ý nghĩa tốt đẹp, người ta thường xin những chữ như: Phúc, Lộc, Thọ, Thịnh... Người học hành thì xin chữ Tài, kẻ làm ăn thì xin chữ Phát... Nhiều người cầu kỳ dẫn con nhỏ đi xin thầy đồ viết tên con mình để về treo giống như xin lộc cho con. Tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, ông đồ sẽ viết cho chữ Nho hoặc viết theo kiểu thư pháp.


Đi xin chữ đầu năm ở "phố ông đồ", người xin thường là trả công cho người cho chữ bằng mừng tuổi, tùy tâm gọi là chi phí giấy mực, nhưng cũng có một số nơi có giá từ 50.000 - 200.000 đồng/chữ tùy theo chất liệu giấy viết, có những câu đối viết cho các doanh nghiệp có giá tới cả triệu đồng.


Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xa xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới. Ngày xưa, nhiều cụ đồ tìm ra vỉa hè hay đầu làng ngồi cho chữ ngày xuân là một thú vui tao nhã, muốn đem cái đạo học để dạy cho người đời, cũng là "vung bút" thể hiện tài năng của mình. Xin chữ trong truyền thống xa xưa là cả một lễ nghi nghiêm trang gần như có thủ tục. Ông đồ của làng thường là một nhà nho được cả làng trọng vọng về tài năng cũng như đạo đức, người ta còn đón cả ông đồ về nhà mình cung phụng, để lo dạy chữ cho con. Để xin chữ hay xin ông đồ viết câu đối treo trong nhà trong ngày đầu năm là cả một việc trọng đại của gia đình. Người đi xin chữ phải ăn mặc chỉnh tề, mang lễ lạt đến một cách nghiêm trang để nhờ thầy đồ cho chữ về treo. Mỗi chữ được viết ra là một món quà mang đến phúc lộc, may mắn, cũng là thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo. Cái chữ và đạo thánh hiền luôn được coi trọng như vậy.

 

Để giữ nguyên nét đẹp xin chữ


Thời gian gần đây, phong trào xin chữ về treo trong nhà ngày càng thịnh. Không chỉ những người có kinh nghiệm chơi chữ, các gia đình đi xin câu đối Tết, mà giới trẻ cũng rủ nhau đi xin chữ, có những người thực sự đam mê và trân trọng vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một chữ có ý nghĩa về treo trong nhà mặc dù không hiểu nhiều lắm ý nghĩa của chữ. Nhiều doanh nghiệp cũng đi xin chữ làm ăn, nhất là các quan chức lại càng quan trọng chuyện này.


Nhưng trong số những người đi xin chữ bây giờ, hầu hết là xin theo mục đích lợi ích cá nhân chứ không hẳn đã là xin chữ để "thưởng" chữ. Các thầy đồ trên phố Văn Miếu chia sẻ, người đến xin chữ bây giờ chỉ chú trọng xin những chữ Tiền, Lộc, Phát, Thịnh... chứ những chữ để làm gương tu tâm, tích đức như Tâm, Đức, Nhẫn... thì rất ít. Tuy nhiên, lại có những quan chức thích xin những chữ Tâm, Đức, Thiện... nhưng trong công việc hay cuộc sống lại không làm theo được như ý nghĩa của chữ đã xin, nào là tham nhũng, nào là ăn hối lộ... những người không làm theo được thì không nên xin chữ.


Những dòng chữ đầu năm được lồng trong đó tâm tư, ý nguyện của người muốn sở hữu nó, bây giờ xin chữ không quá cầu kỳ như xưa kia, những người "có chữ" cũng được nhiều người biết đến mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Cho chữ, xin chữ đã trở thành một tập tục đẹp vẫn được duy trì trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, chính cuộc sống hiện đại lại đôi khi làm người ta xin chữ để cầu lợi ích trước mắt mà ít chú ý tới giá trị nhân văn cao đẹp ẩn chứa trong mỗi câu, chữ.

 

Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN