Vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam năm 2010: Tỉ lệ vi phạm đã giảm

Như thường lệ, Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) lại vừa đưa ra Báo cáo Điều tra vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu năm 2010 của mình, nhằm đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam nói riêng, và trên toàn thế giới nói chung. Đây là bản báo cáo điều tra lần thứ 8 về vi phạm bản quyền phần mềm do BSA phối hợp thực hiện với IDC, hãng nghiên cứu thị trường và dự báo hàng đầu trong ngành CNTT, tiến hành đánh giá tại 116 nước trên thế giới.

Báo cáo cho thấy, tỉ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam năm 2010 đã giảm. Tuy vậy, cũng theo báo cáo này, trong năm 2010, giá trị thương mại của các phần mềm không có bản quyền được cài đặt trên máy tính cá nhân ở Việt Nam lại tăng lên 412 triệu USD, so với mức 353 triệu USD trong năm 2009.

Giảm tỉ lệ nhờ những nỗ lực của Chính phủ

Theo báo cáo mới nhất này của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp, trong năm 2010, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm thêm 2%, xuống mức 83%. Con số 2% tuy không nhiều, nhưng lại thật sự ý nghĩa, bởi đây là lần giảm đầu tiên sau 3 năm liên tiếp (năm 2007 - 2009) tỉ lệ này không thay đổi, mà đứng yên ở mức 85%.

Thanh tra Công ty Tư vấn và Thiết kế Vietnam1.


Ông Đào Anh Tuấn, phát ngôn viên của BSA cho biết: “Đây là kết quả của những nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam những năm gần đây, trong việc cải thiện khung pháp lý, nhằm bảo vệ bản quyền phần mềm và tăng cường công tác tuyên truyền cũng như công tác thực thi. Tuy vậy, để giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam xuống mức khu vực là khoảng 60%, song song với việc đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT, thì vẫn còn nhiều việc chính phủ phải làm, kể cả việc xử lý vi phạm ở nhóm người tiêu dùng để nâng cao nhận thức. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam vì sẽ góp phần tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng số việc làm và tăng nguồn thu thuế cho chính phủ, như đã được chỉ ra trong các báo cáo”.

Được biết, kể từ năm 2008, BSA đã hợp tác với Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (Bộ VH, TT&DL) nhằm bảo hộ bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 10/5, chương trình hợp tác này đã khởi động chiến dịch tuyên truyền hướng tới các cơ sở kinh doanh máy tính, nhằm xóa bỏ tình trạng cài đặt phần mềm không có bản quyền vào máy tính mới khi bán cho khách hàng. Phát biểu về vấn đề này, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH, TT&DL đã cho biết: “Chỉ được tặng và bán cho khách hàng những gì thuộc quyền sở hữu của mình. Sao chép phần mềm không có bản quyền, dù tính phí hay không tính phí, đều là hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam”. Chương trình hợp tác nói trên cũng đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc hội thảo nhằm tuyên truyền cho các trường đại học ở Việt Nam và thực hiện một chương trình tuyên truyền trên truyền hình dưới dạng trò chơi truyền hình. Theo TS. Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam: “Nâng cao nhận thức về tôn trọng bản quyền phần mềm sẽ góp phần giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền, từ đó không chỉ cải thiện được môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành phần mềm Việt Nam”.

Phần mềm có bản quyền tốt hơn

Báo cáo Điều tra vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu năm nay còn có một nội dung mới là khảo sát ý kiến người sử dụng máy tính cá nhân về những thái độ và hành vi của người sử dụng liên quan đến nạn vi phạm bản quyền phần mềm, do hãng nghiên cứu về các vấn đề xã hội Ipsos Public Affairs thực hiện.

Khảo sát này cho thấy, có sự ủng hộ cao đối với quyền sở hữu trí tuệ, 70% đối tượng được khảo sát cho biết sẵn sàng trả phí cho người sáng tạo ra sản phẩm để khuyến khích phát triển tiến bộ công nghệ hơn nữa. Đặc biệt, tỉ lệ ủng hộ quyền sở hữu trí tuệ đạt mức cao nhất ở những thị trường có tỉ lệ vi phạm cao. Những người tham gia khảo sát cũng đưa ra ý kiến chung là phần mềm có bản quyền có chất lượng tốt hơn phần mềm không bản quyền, vì được cho là an toàn và ổn định hơn. Vấn đề hiện nay là nhiều người sử dụng máy tính cá nhân vẫn còn chưa hiểu rõ liệu những phương thức thông thường khi tìm kiếm một phần mềm để sử dụng, như chỉ mua một giấy phép phần mềm duy nhất để sử dụng cho nhiều máy tính hay tải về chương trình phần mềm từ một mạng chia sẻ ngang hàng (P2P network), có phải là hợp pháp hay không hợp pháp?

Ông Đào Anh Tuấn cho biết: “Đã có sự đánh giá cao của người sử dụng đối với giá trị mà phần mềm hợp pháp mang lại. Kết quả này càng khẳng định việc cần tăng cường tuyên truyền cho người sử dụng rằng tải về phần mềm từ các mạng P2P là một hành vi bất hợp pháp, cũng như cài đặt phần mềm đã mua để sử dụng chỉ cho một máy tính trên nhiều máy ở nhà hay ở văn phòng cũng là vi phạm bản quyền”.

Điều tra vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu của BSA năm 2010 xem xét tình hình vi phạm đối với tất cả các phần mềm được sử dụng trên máy tính cá nhân, kể cả máy tính để bàn, máy tính xách tay và những thiết bị siêu di động như máy netbook. Đối tượng điều tra cũng bao gồm hệ điều hành, phần mềm hệ thống như cơ sở dữ liệu và các gói phần mềm an ninh và các ứng dụng, các phần mềm miễn phí hợp lệ và phần mềm mã nguồn mở thuộc phạm vi nghiên cứu. Điểm mới trong năm nay là BSA đã sử dụng Ipsos Public Affairs để điều tra hơn 15.000 doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng máy tính cá nhân nhằm tìm hiểu sâu hơn về những thái độ, hành vi của công chúng liên quan đến sở hữu trí tuệ và việc lựa chọn phần mềm bản quyền hay không bản quyền. Điều tra được thực hiện theo phương thức trực tuyến hay trực tiếp tại 32 thị trường trong một mẫu điều tra mang tính đại diện toàn cầu về địa lý, mức độ phát triển CNTT và sự đa dạng về văn hóa.

Ông Robert Holleyman, Chủ tịch kiêm TGĐ BSA phát biểu: “Nghiên cứu mới nhất này cho thấy, tuy nạn vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục đe dọa nền kinh tế toàn cầu, nhưng người dân đã hiểu rõ và đánh giá cao giá trị của sở hữu trí tuệ (SHTT), và đặc biệt là vai trò của SHTT trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nạn vi phạm bản quyền phần mềm vẫn đang bóp nghẹt sáng tạo về CNTT, cơ hội tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Báo cáo này cho thấy rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền cho các doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng về những nguy cơ của nạn vi phạm bản quyền phần mềm, cũng như cần làm gì để chấm dứt tình trạng này”.

Bài và ảnh: P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN