Về Nghĩa Đô nghe câu ru Tày

Trong những ngày đầu hè oi ả, chúng tôi đến Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), địa bàn sinh sống của người Tày từ lâu đời. Khi đến đầu xã, chúng tôi đã thấy thấp thoáng những căn nhà sàn nằm chon von trên những triền núi và bên dòng Nậm Luông ngày đêm rì rào. Thoảng nghe đâu đó từ phía bản Tày, những điệu hát ru ngọt ngào ấm áp vang lên…


Hát ru được người Tày Nghĩa Đô sử dụng cho việc dỗ trẻ con vào lúc trẻ con hờn, khóc lóc, trước khi ngủ, trong lúc ngủ… Đọc và nghe kỹ những lời ru, chúng tôi nhận thấy lời hát ru của người Tày vùng Nghĩa Đô được chia ra làm nhiều loại.


Hát ru ở thể tự do, tức là người ru hát bất kỳ bài gì, các bài dân ca của các dân tộc, chỉ cần có lời, không cần nội dung, vần điệu, bài bản gì… miễn là ru cho đứa trẻ nín khóc, hết quấy, chịu ngủ.


Đồng bào Tày xã Nghĩa Đô, những người đã và đang lưu giữ, truyền lại những lời ru Tày.

Bên cạnh đó, còn có điệu hát ru bằng làn điệu khắp then của các kiểu thầy cúng ở Nghĩa Đô. Ru ở thể này có làn điệu, có bài bản, với khả năng luyến láy của người diễn ca, nghe rất hay, tác động nhanh vào tâm lý đứa trẻ.


Đây là kiểu hát ru phổ biến nhất. Có nhiều đứa trẻ "nghiện" lời ru kiểu này, dù ở trên lưng hay nằm trong nôi, cha mẹ chúng vì thế vừa ru con vừa làm làm được nhiều việc khác. "À a à à ơi…/Ngủ ngon con ngủ cho ngoan/Ngủ để mẹ lên nương lấy quà/Ngủ để mẹ ra ruộng lấy muỗm".


Ngoài điệu hát ru khắp then, người Tày vùng Nghĩa Đô còn có điệu hát ru theo kiểu khắp yếu. Đây cũng là một dạng hát ru khá phổ biến, hay dùng nhất là các bà mẹ trẻ. Ru ở thể này, lời ru nghe êm dịu, bâng khuâng, trầm lắng theo làn điệu.


Những bài ru ngắn vài câu, vài chục câu, có thể là lời yếu có bài bản, cũng có thể là ở bất chợt những câu gì miễn là khi cất lên có thể hát yếu. Chuyển đến câu sau là dùng từ "hơi…" kéo dài như từ hơi đầu để bắt nhịp vào các câu tiếp theo. Lời "hơi…" ấy rất dễ đi vào giấc ngủ không chỉ riêng trẻ nhỏ, người lớn nghe yếu, buồn ngủ rất nhanh, nhất là lúc bắt đầu nằm có người cất lên lời yếu là ngủ say liền: "À a à à ơi…/Ở nhà con nhỏ khóc đòi ăn/Bà bón bé chẳng ăn/Bà mớm bé chẳng nuốt/Vú bà lúc như quả mướp lam/Mút cả buổi không ra giọt sữa cạn”.


Ở dạng này, phải là các bà mẹ có năng khiếu hát yếu, hát ru, là nghệ nhân xướng các lời ca dân gian. Trước đây thường được nghe ở vài cụ bà giữ cháu nhỏ, thỉnh thoảng cũng có bà mẹ bốn chục tuổi trở lên, hát các lời ru nghe rất hay, rất xúc động. Lời đầu tiên của các câu hát ru là "ơ" (hát ru của người Kinh là à ơi).


Sự độc đáo câu hát ru của người Tày vùng Nghĩa Đô còn được thể hiện ở nội dung. Nội dung những làn điệu hát ru rất đa dạng, phong phú, khi nói về cảnh lao động, sản xuất, kể về những khó khăn gian khổ trong cuộc sống, cảnh tượng thiên nhiên, các nhân vật lịch sử phỏng theo câu chuyện cổ tích của người Tày… "À a à à ơi/Ngủ ngon con ngủ cho ngoan/Bé ơi, bé ới, bé ời/Đời người làm mẹ suốt đời vì con/Chín tháng mẹ địu con đằng trước/Năm năm mẹ cõng con trên lưng".


Đặc biệt, trong lời ru của người Tày Nghĩa Đô, tình mẫu tử mà người mẹ dành cho con luôn là một yếu tố không thể thiếu được trong mỗi bài hát ru. Các bà mẹ Tày luôn gửi gắm vào đó tình thương bao la, sự hy sinh vì con và niềm tin bao la vào tương lai của đứa con.


Tình cảm cao cả ấy lại được bộc bạch thầm kín qua điệu hát hết sức mộc mạc, giản dị: "Ơ ớ ơ ớ… ơ ớ ơ à ơ/Mẹ ăn đắng ngửi tanh/Mong con lớn thành trai, thành gái/Mẹ mặc rách mặc nát/Mong cho con có bát cơm đầy/Mong cho con mặc đẹp bằng chúng/Mong cho con lớn khôn bằng bạn ơ à ơi…".


Cứ như thế, từ đời này truyền sang đời khác, những làn điệu hát ru của người Tày vùng Nghĩa Đô cứ lan truyền như một mạch nước ngầm trong mát thấm sâu vào từng thớ đất. Đó là "món ăn" tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây, là dấu ấn tuổi thơ không bao giờ phai nhạt trong kí ức của mỗi người, trở thành hành trang trong hành trình nuôi dưỡng và cất cánh của biết bao tâm hồn người dân Tày nơi đây.



Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN