Về một dòng họ Lê yêu nước ở Thanh Hóa

“Cây kia ăn quả ai trồng
Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu
Cơ đồ xây dựng bấy lâu
Công lao tiên tổ cao sâu ngàn trùng...”

Đó là câu mở đầu tộc phả Lê Minh, theo lời tựa của nhà nho Vũ Bá Cừ.

Anh hùng lao động - Nhà giáo nhân dân Vũ Khiêu tặng câu đối cho đại diện dòng họ Lê Minh. Ảnh do Nhà thờ họ Lê Minh cung cấp

Dòng họ Lê Minh thuộc xã Đại Bối, Đông Sơn (Thanh Hóa), từ lâu nổi tiếng là dòng họ yêu nước và hiếu học, được rất nhiều người biết đến. Cụ tổ của dòng họ - Lê Minh Dung là một chí sĩ nổi tiếng dưới thời vua Tự Đức. Học rộng, tài cao, không cam chịu nhìn cảnh giang sơn đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, cụ đã theo Tổng đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương đánh giặc nhiều nơi. Trực tiếp tham gia cuộc Khởi nghĩa Ba Đình, cụ đã anh dũng hi sinh ngày 8/3/1887 tại dinh lũy Mã Cao (Thanh Hóa).

Tộc phả dòng họ Lê Minh của xã Đại Bối, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) có từ xa xưa, lớp lớp thế hệ sinh sống và đóng góp cho xã hội qua các đời. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này xin chỉ nhắc đến các bậc tiền bối thuộc các đời có đóng góp vào sự nghiệp cứu nước khỏi ách đô hộ thực dân giành độc lập ở nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.

Ảnh: Nhà thờ họ Lê Minh.

Khởi từ cụ tổ Lê Minh Dung, tự Minh Châu, thụy là Minh Đạt sinh thời Minh Mạng lớn lên qua thời Tự Đức, từng theo Tổng đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương đi đánh giặc nhiều nơi, tham gia cuộc Khởi nghĩa Ba Đình rồi tử trận tại dinh lũy Mã Cao (Thanh Hóa) ngày 8/3/1887, thọ 53 tuổi. Cụ tổ Lê Minh Dung cùng cụ tổ bà Lê Thị Chỉnh sinh hạ được hai người con trai, vì kỵ húy mà đổi tên đệm là Lê Văn Tuyển và Lê Văn Tiến. Khi cụ Lê Minh Dung hy sinh thì người con thứ Lê Văn Tiến mới tròn 20 tuổi.

Cụ Lê Văn Tiến, tự Trọng Đức, hiệu Nguyệt Hồ, sinh năm Mậu Thìn (1868), làm thư ký Bộ Lại rồi làm quan án tỉnh ở Hà Tĩnh. Gặp cuộc Duy Tân trên cả nước và phong trào kháng thuế cự sưu ở các tỉnh miền Trung, cụ Lê Văn Tiến cũng dấn thân làm “quốc sự”, có mối dây liên hệ với nhà chí sĩ yêu nước nổi danh Nguyễn Thượng Hiền. Bị thực dân bắt và đưa ra xét xử, nhờ sự khôn ngoan đối đáp mà cụ thoát án tử hình bị đầy đi Côn Đảo.
Tại hòn đảo tù được ví với “địa ngục trần gian” này, cụ Lê Văn Tiến vẫn giữ tư thế và ý chí của người con một liệt sĩ chống thực dân như bài thơ vịnh

“Núi Hùm” cụ làm trong thời gian bị lưu đầy:
“Hiên ngang đứng giữa đảo Côn Lôn
Vết đá trông xa tưởng lốt hùm
Gió thốc miệng hang gầm buổi sáng,
Mây luồn chân núi thét khi hôm
Mạch long áp đất chồn chân đứng
Bóng thỏ lưng trời nghếch mắt nom
Nghe nói giống thiêng ta thử bỡn
Trèo lên lưng cưỡi ắt không chồn”.

Cụ Lê Văn Tiến quy tiên năm Đinh Sửu (1937) thọ 70 tuổi.

Cụ cố Lê Văn Tiến có năm người bạn đời. Bà cả họ Lê, bà kế họ Nguyễn không có con, mất sớm. Ba cụ tổ bà kế thất họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Hoàng tất cả sinh hạ được 6 người con gồm 4 trai và 2 gái. Người con trai trưởng do bà Trịnh Thị Thường sinh ra tên là Lê Quang Phấn (sinh ngày 14/7/1905). Khi ông Lê Quang Phấn mới 3 tuổi là lúc cha là cụ Lê Văn Tiến bị thực dân bắt. Chính vì quá thương chồng, khi nghe tin giặc kết án tử hình mà cụ Trịnh Thị Thường chết ngay lúc ôm con nằm trên võng. Chính vì gia cảnh đau thương và mối thù giặc cướp nước mà ông Lê Quang Phấn khi trưởng thành đã sớm giác ngộ cách mạng. Đánh giá về ông Lê Quang Phấn, ông Trần Hữu Duyệt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Mặt trận của Trung ương Đảng, viết: “Ông Lê Quang Phấn, nguyên là đảng viên Tân Việt, vào Đảng Cộng sản Đông Dương đầu năm 1930. Hoạt động cho Đảng thời kỳ 1930-1931. Ông là một trong những người thành lập chi bộ Tân Việt ở Đà Lạt, sau đó chuyển thành chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông là đầu mối liên lạc giữa Đà Lạt với Nha Trang, Tháp Chàm và nhà ông ở Trạm Bò (Đà Lạt) là nơi gặp gỡ, đi lại của cán bộ và là chỗ mở lớp huấn luyện cho các cán bộ đảng viên của các tỉnh Nam Trung bộ. Bà Đỗ Thị Khương, vợ ông Phấn là một cảm tình của Đảng, một cơ sở của cách mạng. Bà đã có cống hiến trong việc đóng góp tài chính cho Đảng, tích cực ủng hộ cán bộ, giúp đỡ huấn luyện... Đặc biệt, bà đã có hoạt động như làm liên lạc cho Đảng, có lần đưa tài liệu mật xuống Nha Trang...”.

Sau ngày hòa bình lập lại, ông Lê Quang Phấn cùng gia đình ra sinh sống tại Thủ dô Hà Nội, trở thành cán bộ của ngành lương thực thực phẩm cho đến khi hưu trí (1971). Bà Đỗ Thị Khương được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng bằng “Có công với nước” với lời biểu dương “Đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám” (28/8/1985)... Ông Lê Quang Phấn qua đời ngày 15/9/1992 (tức 18/8 năm Nhâm Thân) và bà Đỗ Thị Khương qua đời ngày 23/5/1993 (tức ngày 3/4 năm Quý Dậu).

Nhận thức được rằng, có được cuộc sống hòa bình, gia cảnh hạnh phúc ngày hôm nay là nhờ thành quả đấu tranh hy sinh của các thế hệ đi trước và nhờ phúc ấm của tổ tiên cùng các bậc tiền bối. Vì thế mọi người trong gia tộc chung sức dựng đền, ghi tạc công đức để người đời nay và muôn đời sau gìn giữ gia phong và truyền thống yêu nước, xây đắp cuộc sống no đủ và hạnh phúc, tự hào mà không hổ thẹn với người xưa.Nhà sử học

Dương Trung Quốc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN