Văn hoá đi lễ - Bài 1: Rải tiền, ném tiền tràn lan

Đầu năm, ngày rằm, mùng một đầu tháng âm lịch... đi lễ ở đền, chùa đã trở thành một thói quen, một phong tục đẹp của người Việt Nam. Nhưng hiện nay, việc đi lễ đang bị biến tướng một cách thái quá, khiến cho một thói quen vốn là nét đẹp của văn hóa truyền thống, lại đang trở thành việc làm thiếu văn hóa, thậm chí là vi phạm pháp luật, như chuyện đốt đồ mã nơi đình, chùa, đặt tiền dầu nhang không đúng nơi quy định, ném tiền xuống giếng, ao, suối... Những hành vi này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tôn nghiêm nơi đền, chùa mà còn làm méo mó, biến dạng các lễ hội truyền thống gắn với đền, chùa và làm mất đi nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.


Bài 1: Vấn nạn rải tiền, ném tiền khi đi lễ...


Một cơn gió nhẹ thổi qua, những tờ tiền từ trong lòng tượng, trên đùi tượng và trên tay các bức tượng La Hán dọc hành lang bay tứ tung rồi rơi xuống đất, du khách hành hương vẫn thản nhiên dẫm chân lên những đồng tiền được coi là đã “cúng Phật” ấy để đi như không có chuyện gì xảy ra. Những bức tượng Phật nhỏ, được đặt trong những ô cửa kính trên các bức tường của chùa cũng được nhét đầy tiền, có những ô kính bị các đồng tiền lẻ che kín, khiến cho khách tham quan không thể biết được bên trong là bức tượng gì... Đó là những cảnh tượng phản cảm mà du khách thường thấy khi đến tham quan chùa Bái Đính (Ninh Bình), ngôi chùa lớn nhất Việt Nam hiện nay.


 

Việc đặt tiền lẻ ở các nơi thờ tự vừa làm giảm tính tôn nghiêm, vừa không có giá trị.

 

Không riêng gì chùa Bái Đính, mà ở nhiều đền, chùa khác, từ nhỏ đến lớn, tuy đã có rất nhiều hòm công đức đặt xung quanh, nhưng người đi lễ vẫn vô tư đặt tiền giọt dầu vào tay, chân Phật, cài cả vào mặt, vào tai tượng, rồi cài cả lên lọ hoa trên ban thờ, giắt tiền lẻ vào bất cứ chỗ nào có thể giắt được... tạo nên những hình ảnh vô cùng phản cảm.


Một hành vi khác cũng phản cảm không kém, đó là tình trạng ném tiền một cách bừa bãi trong những lễ rước kiệu, ném tiền xuống giếng, xuống suối... Một trong những điển hình của hành động thiếu ý thức này là trong lễ rước kiệu các vua Trần trong lễ Khai ấn đền Trần, Nam Định. Khi đoàn rước kiệu đi đến đâu, mọi người lại tranh nhau ném tiền vào trong kiệu, và để tiền ném được xa hơn, trúng hơn, ai cũng cố gắng gập đồng tiền thật nhỏ để ném cho dễ.


Ném một lần không trúng, thì tiếp tục ném lần hai, lần ba, thậm chí có người ném tới gần... 20 lần, cho đến khi trúng mới thôi. Hoặc như ở Giếng Ngọc (đền Hùng, Phú Thọ), dù Ban quản lý khu di tích đã khoanh hàng rào ngăn cách, lại dán biển thông báo yêu cầu du khách không ném tiền xuống giếng, nhưng những đồng tiền lẻ vẫn không ngừng được ném vào trong, tiền rơi vương vãi ra xung quanh bờ giếng như... rác.


Tình trạng này cũng diễn ra ở các di tích có suối, có giếng gắn với truyền thuyết về tâm linh như suối Giải Oan ở chùa Hương (Hà Nội), khách thập phương cũng không ngần ngại ném tiền xuống suối. Thậm chí, dù bây giờ khách lên động Hương Tích bằng cáp treo, không đi qua suối Giải Oan, nhưng đến bến nghỉ cáp treo phía trên suối, mọi người vẫn thi nhau mở cửa ném tiền xuống sân ga. Tiền rơi dưới chân cáp treo, bay lả tả xuống núi như lá rụng. Hay như việc khách hành hương khi đến chùa Bái Đính đều cố gắng ném tiền vào một cái chuông...


Tình trạng này đang ngày càng phổ biến, thậm chí có nơi được coi là vấn nạn, gây nên những hình ảnh vô cùng phản cảm, làm giảm tính tôn nghiêm nơi đền, chùa, phá hoại không gian di tích, khiến cho các lễ hội gắn với đền, chùa bị méo mó, biến dạng.


Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên nhân của tình trạng rải tiền bừa bãi này có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức của những người đi lễ. Với nếp nghĩ dùng tiền để mua lấy may mắn, công đức, nên không ngần ngại ép Phật, ép thánh thần nhận những đồng tiền lẻ của mình, để rồi cầu khấn xin tài lộc, may mắn... mà không nghĩ rằng, với việc ném tiền, hay nhét tiền bừa bãi như vậy là vô cùng thiếu văn hóa, không khác gì hành vi ném tiền vào mặt thần linh để mặc cả với thánh thần...


Nói về tình trạng này, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về lễ hội đầu năm, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã thừa nhận, hiện tượng thả, gài tiền lễ, tiền giọt dầu lên tay tượng, tay Phật, lên cây hương cây nến ở nhiều di tích, hay việc ném tiền xuống giếng, xuống ao, xuống suối và để mọi người dẫm đạp lên đồng tiền là rất phản cảm, cần phải chấn chỉnh. Theo ông Phúc, đây là hành vi sai trái bởi việc ném tiền bừa bãi đó là hành vi hủy hoại đồng tiền, phương tiện để giao lưu, mua bán của quốc gia.


Không những thế, trên đồng tiền dù mệnh giá rất nhỏ nhưng trên đó vẫn có hình Quốc huy của nước Việt Nam, có cả hình Chủ tịch Hồ Chí Minh... và việc người dân quăng ném tiền lung tung, giẫm đạp lên tiền không chỉ trông phản cảm mà còn là hành vi sai trái. Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận, dù thấy hành vi đó là sai nhưng hiện vẫn không thể xử phạt vì chưa có chế tài.

 

Phương Hà

 

Bài 2: Cần phải có cuộc “cách mạng về ý thức”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN