Tục cưới và ma chay của người Kơ Ho, Chu Ru: “Vòng kim cô” nối dài của người phụ nữ - Bài cuối: Đắng cay nợ xương cốt

Cái “giá” để gây dựng hạnh phúc đầu đời nặng nề là thế, nhưng vẫn còn nhẹ nhàng hơn gánh nặng của người phụ nữ khi người bạn đời chẳng may “đi” trước.

Trong tiếng dân tộc Chu Ru, “Pơthi atơu” (tiếng Kơ Ho gọi là Pơthi Shakonting) có nghĩa là "Xây mộ và trả nợ xương cốt". Theo quy định của luật tục phổ biến đối với cả 2 tộc người Chu Ru và K'Ho, từ bao đời nay, người phụ nữ có chồng bị chết trước phải đứng ra sắm sửa lễ vật mang đến nhà trai xin được xây mộ cho chồng và sau khi xây xong thì phải giết một con trâu mời toàn bộ họ tộc nhà trai (có khi đông đến hàng trăm người) sang nhà mình để ăn mừng. Ngay sau khi tàn cỗ, người vợ có chồng đã chết phải chuẩn bị một đùi trâu (phần ngon nhất), một vò rượu và tiền để gửi về cho gia đình bên chồng. Tùy vào vai vế của người chồng trong dòng tộc, mà người vợ phải mổ một con trâu cho tương xứng, ví như chồng có vị thế cao thì mổ "trâu 4 gang" (loại trâu có sừng dài 4 gang tay). Nếu do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn mà đời mình không hoàn thành nghĩa vụ này thì con gái của người phụ nữ đó phải thay mẹ để "Pơ thi" cho cha và trả nợ xương cốt (Shakonting) cho họ hàng bên nội. Người con gái cũng chưa có khả năng hoàn thành nghĩa vụ nặng nề này thì phải tiếp tục truyền lại cho con, cháu, chắt gái... của mình. Đối với những cô gái trẻ có chồng không may qua đời sớm thì họ cũng phải trả xong nợ xương cốt cho nhà chồng mới được đi bước nữa.

Phụ nữ Kơ Ho, Chu Ru chưa biết bao giờ mới thoát khỏi “vòng kim cô” của những hủ tục...


Quy định này của người Kơ Ho và Chu Ru không có chiều ngược lại, bởi đã có tục quy định vợ chết trước thì chồng chỉ được phép mang xà gạc về lại nhà bố mẹ mà không có quyền tiếp tục ở lại để nuôi con. Già làng là người có uy tín nhất trong buôn làng cũng không có quyền can thiệp vào điều khoản này của luật tục.

Ka Chuông, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn M'Răng xã Lạc Lâm dè dặt kể: "Người vợ vì mất chồng dù không có tiền cũng phải vay nợ để làm, nếu chưa hoàn thành thì bị nhà trai nhắc nhở, thậm chí còn dọa nạt phải làm cho bằng được". Minh chứng cho điều vừa nói, chị Ka Chuông dẫn chúng tôi cùng một số cán bộ Hội phụ nữ xã Lạc Lâm đến nhà chị Ka Thiu. Trong căn nhà nghèo nàn không có vật dụng gì có giá trị, Ka Thiu kể: Chồng chị bị chết từ năm 1996, một mình chị phải nuôi 8 đứa con, trong đó đứa lớn nhất mới 18 tuổi, mẹ con không đủ gạo để ăn... Trong khi đó phía nhà chồng vẫn luôn tìm cách bóng gió nhắc nhở chị phải xây mộ cho chồng. Không có cách nào khác, Ka Thiu đành cắn răng chịu đựng. Mãi đến cuối năm 2002, chị mới bán được 2 sào rau xà lách để xây mộ cho chồng và mua một con trâu 4 triệu đồng để trả lễ cho họ nội. Cùng trong thôn M'Răng còn có Ka Dều (chồng là Ka Bá mất từ năm 1998), đến năm 2003, bà cùng 9 người con mới tích lũy đủ tiền để mua trâu xây mộ cho chồng, cha...

Ông Rôđatê, thành viên của Hội đồng nhân sỹ trí thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Đơn Dương, người có uy tín nhất tại thôn M'Răng kể lại, em gái của ông là Ya Nhai (thôn M'Lọn - thị trấn Thạnh Mỹ) đã phải mổ một lúc 8 con trâu (khoảng 60 triệu đồng) để tiến hành lễ Pơthi cho 8 thế hệ từ đời cố ngoại để lại.

Chị Tou Wetch Nai Thu, cán bộ Hội phụ nữ xã Lạc Xuân đưa cho tôi xem một thiệp mời đi ăn lễ "Pơthi Shakonting" tại nhà Touneh Thương (buôn La Bouye) và giải thích: "Đây là sự ganh đua giữa các dòng tộc, đời sống đi lên, gia đình nào, dòng họ nào cũng muốn thể hiện sự sung túc của mình kéo theo các hủ tục cũ được thức dậy. Điều này chỉ khổ cho những người phụ nữ nghèo". Đa số chị em phụ nữ Kơ Ho là những người ít được học hành đến nơi đến chốn, chính vì thế những quan niệm, điều khoản của luật tục ăn sâu vào tiềm thức và được họ xem như là những sức mạnh thần bí vượt quá khả năng vùng thoát của mình. Chị Ka Sri ở thôn M'Răng là một người được học hành tử tế so với những người phụ nữ Kơ Ho khác nói: "Vẫn muốn bỏ hoặc làm đơn giản thôi, nhưng đó là tục lệ nên phải chịu, chị em cũng chỉ dám nói nhỏ với nhau thôi!". Nhiều người phụ nữ khác ở K'Đơn, Lạc Xuân, Lạc Lâm... đã tâm sự với chúng tôi, trước đây, cái thời còn đói nghèo ấy, lễ vật đi theo tục Pơthi chỉ mang giá trị tượng trưng (nhẫn bạc, khăn...); còn giờ đây nhiều người phải bán cả nghìn mét vuông đất mới đủ tiền xây mộ cho cha, chồng.

Chỉ riêng địa bàn huyện Đơn Dương đã có 27 thôn, buôn là người dân tộc thiểu số (trong đó có 15/27 thôn, buôn đã đăng ký xây dựng thôn văn hóa) với hơn 5.630 phụ nữ dân tộc Chu Ru và Kơ Ho có tuổi đời từ 18 tuổi trở lên. Chưa ai có thể làm một phép thống kê là có bao nhiêu người đang phải đối mặt với gánh nặng "Pơthi" và có bao nhiêu người đang phải sống trong bi kịch của tục thách cưới?

Bài và ảnh: Sơn Tùng

Tục cưới và ma chay của người Kơ Ho, Chu Ru: “Vòng kim cô” nối dài của người phụ nữ
Tục cưới và ma chay của người Kơ Ho, Chu Ru: “Vòng kim cô” nối dài của người phụ nữ

Theo truyền thống mẫu hệ, những người con gái Kơ Ho, Chu Ru đến tuổi trưởng thành phải đi “bắt” chồng. Số tiền, vàng nộp theo yêu cầu thách cưới của nhà trai luôn phải tính bằng “cây”. Hai mươi triệu, ba mươi triệu và thậm chí là năm mươi, bảy mươi triệu đồng để có một tấm chồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN