"Từ ngục tối thắng lợi trở về" giành Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật

Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật, lĩnh vực nhiếp ảnh, đã chính thức được công bố. Bộ ảnh - phóng sự “ Từ ngục tối thắng lợi trở về” của nhà báo - nghệ sĩ Chu Chí Thành là một trong hai tác phẩm giành được vinh dự này.

 

Thoát khỏi ngục tù (sông Thạch Hãn, Quảng Trị, mùa xuân 1973).

 

Với 4 bức ảnh về một sự kiện diễn ra trên đất Gio Linh lịch sử những ngày đầu thi hành Hiệp định Pari, có lẽ Chu Chí Thành không có ý định phản ánh cái quy mô của một cuộc trao trả tù binh được coi là lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam mà muốn thể hiện tầm vóc của sự kiện, tầm vóc của hòa bình, của chiến thắng, một nền hòa bình và chiến thắng chỉ giành được sau chặng đường gần ba mươi năm máu lửa, khi mà cả dân tộc phải đương đầu với một kẻ thù giàu mạnh nhất thế giới.

 

Hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh. Hàng chục nghìn chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Tầm vóc của sự kiện Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân xâm lược về nước, mở đường cho chiến thắng hoàn toàn của dân tộc mùa xuân 1975 đã có không ít bài viết, hình ảnh thể hiện, song với Chu Chí Thành, cách tiếp cận của tác giả hoàn toàn khác. Anh không đi tìm hình ảnh những tù binh đối phương cúi đầu rời khỏi các trại giam, hay lủi thủi lên máy bay về nước. Anh cũng không thể hiện những vùng giải phóng rợp cờ chiến thắng, những cuộc mít tinh, liên hoan rực rỡ đèn hoa... Anh chọn những khoảnh khắc khi những người tù cách mạng được trở về với tự do, với sự sống, với hòa bình.

 

Hạnh phúc của những người chiến thắng (Trung tá Nguyễn Minh Sang và vợ - chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ địch hậu, gặp nhau sau 13 năm cùng bị cầm tù trong các trại giam Mỹ ngụy - Quảng Trị năm 1973).

 

Có lẽ chỉ có những người tù đằng đẵng nhiều năm trong lao tù, trong đọa đầy cả về thể xác và tinh thần mới hiểu hết thế nào là cái giá của tự do và chỉ có những người lính - phóng viên như anh, khi từng đạp xe vượt hàng trăm cây số vào tuyến lửa miền Trung, từng lăn lộn trên các trận địa, chiến hào, từng giương ống kính đương đầu với những chiếc máy bay đang nhào xuống cắt bom và không ít lần “chạm tay” vào cái chết, mới hiểu hết thế nào là giá trị của hòa bình, của chiến thắng.


Bối cảnh thể hiện bộ ảnh - phóng sự “Từ ngục tối thắng lợi trở về” là dòng sông Thạch Hãn. Cảnh trời nước mênh mông như hòa quyện với cảm giác tự do. Từ trên xuồng của đối phương, những người tù cách mạng mình trần, quần xà lỏn ào xuống dòng sông. Bờ bên này, những người lính, những bác sĩ quân y của ta cũng ào ra. Nước tung bọt trắng xóa. Dòng sông Thạch Hãn hôm trước còn đỏ máu những chiến sĩ bảo vệ Thành cổ, hôm nay đã mát rượi cảm giác hòa bình. Những cánh tay người tù vươn cao, những sải tay của những người ra đón giang rộng. Tất cả cùng ùa đến cái giây phút hạnh phúc nhất. Giây phút của hòa bình. Giây phút của tự do. Giây phút ta lại gặp ta.

 

Có niềm vui nào bằng. Có hạnh phúc nào hơn. Để có được cái giây phút này, cả đất nước đã phải ra trận. Cả dân tộc đã phải hành quân. Gần 10.000 ngày không ngưng nghỉ. Gần 10.000 ngày đạp lên bom đạn mà đi. Ngục tù đã mở ra không đơn giản chỉ bằng một chữ ký tại Pari. Nó đã được đổi bằng máu của đồng bào, chiến sĩ ta ở nhà tù Phú Lợi, bằng nỗi đau của bao người vợ mất chồng, bao người mẹ mất con, được đổi bằng những đêm dài đằng đẵng dưới địa đạo Củ Chi “bám thắt lưng địch mà đánh”, bằng cả những tấm phản, những bộ tủ “gia bảo” của người nông dân miền Trung mang ra lót đường cho xe ta ra trận... Chu Chí Thành không chỉ thành công khi sử dụng kỹ thuật điêu luyện để chộp bắt được “rõ nét” nhất cái đỉnh điểm của niềm vui chiến thắng trên khuôn mặt những người tù giữa những cái động nhất:

 

Những bước chân vội vã, những giọt nước bắn tung lên... mà cái quan trọng nhất chính ở chỗ anh đã buộc người xem phải đọc và nghĩ về những gì sau ảnh và ngoài ảnh. Có gì xúc động, thiêng liêng hơn khi giây phút hai đoàn quân cách mạng - những người tù và những người lính - òa vào trong vòng tay của nhau, những tấm lưng trần hòa giữa những màu áo chiến binh, người xem thấy những giọt nước mắt như còn đang lăn dài trên những khuôn mặt nghẹn ngào của những người lính từng dày dạn chiến trường... Chúng ta cũng đã chứng kiến những bức ảnh đầy xúc động của những cuộc hội ngộ, song là hội ngộ giữa những người thân. Ở đây, là sự gặp mặt của những người chưa từng quen biết. Tất cả ranh giới giữa lạ và quen, giữa cùng hay không cùng huyết thống đã bị xóa nhòa. Sự chung đồng ý chí, chung đồng dòng máu cách mạng đã tạo nên một hình ảnh không dễ phai nhòa.


Phút gặp gỡ giữa 2 người tù, trung tá Nguyễn Minh Sang và vợ, chị Nguyễn Thị Hà, sau nhiều năm xa cách và 13 năm cùng bị giam cầm, mỗi người một nơi, trong nhà tù Mỹ ngụy là bức ảnh để lại trong lòng người xem nhiều suy nghĩ. Bức ảnh này dường như không “dễ đọc”, lại càng không phải để dành cho những nhà bình ảnh luôn có sẵn một “định hình” cho thực tế khách quan. Dường như thiếu vắng sự giao lưu tình cảm giữa những đối tượng chính trong ảnh. Không có cặp mắt của người vợ ngước lên nhìn chồng như thường thấy trong những bức ảnh được coi là đạt.

 

Ở đây, giữa những khuôn mặt rạng rỡ vây quanh của đồng đội, trước ánh mắt tươi cười đầy trìu mến của người chồng, người vợ dường như lại cúi mặt xuống, một bàn tay chị như đang bám lấy những sợi tóc chắc đã xơ cứng lắm sau mười mấy năm bị đày đọa trong ngục tù. Ngày xa anh, chị đang là một người con gái tràn ngập sức trẻ, rực rỡ tuổi xuân. Cái tuổi xuân ấy, cái sức trẻ ấy đã bị giết chết bởi lao cùm và ngục tối. Gặp lại nhau, giờ chị chỉ còn là một thiếu phụ mà thời gian và sự tra tấn đã hằn sâu trên khuôn mặt. Có phải cái “tâm lý con gái” thường tình ấy hay sự xót xa khi tận mắt nhìn thấy chiếc chân cụt của chồng bị địch dùng cưa sắt làm đứt mà trước đó chỉ từng nghe đã làm chị dường như “hóa đá”? Chính những câu hỏi ấy, những băn khoăn ấy đã làm nên một cái rất thật, một sức hút riêng cho nhóm ảnh của Chu Chí Thành. Và có lẽ, sau những bức ảnh “vỡ òa” niềm vui của tự do, của chiến thắng, bức ảnh kết này là một khoảng lặng cần thiết cho những mất mát của ngày hôm qua.


Với việc trao Giải thưởng Nhà nước 2012 cho một nhà báo, cựu phóng viên chiến trường của TTXVN, thêm một lần nữa, Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Thông tấn xã trong những năm tháng gian nan nhất, thử thách nhất với vận mệnh dân tộc. Gắn mình với sự nghiệp Cách mạng, luôn có mặt trên những chiến trường ác liệt nhất, những mảnh đất nóng bỏng nhất, hơn 260 người con ưu tú của TTXVN đã ngã xuống cho dòng chảy liên tục của những bản tin, bức hình. Gần 15 nhà báo, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã đã được tôn vinh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Một nhà văn đã nói: Đằng sau những bức ảnh còn có một bức ảnh khác - chân dung tác giả. Ở đây, cần nói thêm rằng: Đằng sau chân dung của Nhà báo Chu Chí Thành, còn có một hình ảnh khác - hình ảnh về Thông tấn xã Việt Nam, nơi đã nuôi dưỡng và tôi rèn bản lĩnh ấy, tài năng ấy...


Phạm Quyền

Ghi chú: Ngày 27/5 sẽ diễn ra Lễ trao Giải thưởng Nhà nước 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN